Thủ tướng Anh Boris Johnson đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 và phải tự cách ly.
Thủ tướng Anh Boris Johnson dương tính với COVID-19
Mới đây, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã tự tiết lộ trên trang mạng xã hội Twitter của mình rằng: "Trong 24h qua, tôi đã phát triển những triệu chứng nhẹ và được xét nghiệm dương tính với COVID-19. Tôi hiện đang tự cách ly tại nhà nhưng vẫn tiếp tục dẫn dắt các hoạt động của chính phủ thông qua các cuộc họp video trong khi đang chiến đấu với dịch bệnh này".
Thủ tướng Anh Boris Johnson.
"Cùng nhau, chúng ta sẽ chiến thắng", ông Boris Johnson viết thêm. Thủ tướng Anh cũng kèm thêm Hashtag: "Hãy ở nhà để cứu lấy những sinh mạng".
Ngay sau đó, các nhà lãnh đạo Anh cũng xác nhận Thủ tướng của họ vừa dương tính với COVID-19.
Hà Nội dừng hoạt động xe buýt, taxi chở khách không được bật điều hòa
Nhằm phòng chống dịch bệnh COVID-19, Chủ tịch UBND Thành Phố Hà Nội vừa có chỉ đạo việc sẽ dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong 1 phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu đeo khẩu trang, thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng.
Đóng cửa, tạm dừng kinh doanh toàn bộ các dịch vụ kinh doanh trừ các trường hợp sau: Siêu thị tổng hợp (trừ dịch vụ vui chơi, ăn uống tại chỗ); Trung tâm thương mại (gồm siêu thị tổng hợp như trên, văn phòng cho thuê, bệnh viện); Chợ dân sinh (gồm các gian hàng: lương thực, thực phẩm, rau hoa quả, đồ khô); Các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini (trừ dịch vụ ăn uống tại chỗ); Các cửa hàng tạp hóa, kinh doanh hoa, quả, trái cây; Chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm, thuốc chữa bệnh; Dịch vụ khám chữa bệnh; Dịch vụ ngân hàng; Cửa hàng kinh doanh xăng dầu gas khí đốt.
Đồng thời, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng khuyến khích mọi người dân sử dụng thương mại điện tử, giao hàng tại nhà. Khi giao dịch mua bán trong các loại hình trên cần đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tối thiểu 2m, vệ sinh khử khuẩn theo hướng dẫn của ngành Y tế.
Đặc biệt, Hà Nội quyết đinh tạm dừng toàn bộ hoạt động xe buýt đến ngày 15/4/2020. Đối với các loại xe taxi và xe hợp đồng, yêu cầu không dùng điều hòa, hạ kính, bắt buộc đeo khẩu trang đối với lái xe và hành khách, khử khuẩn trước và sau khi đón trả khách.
Các trường học, cơ sở dạy nghề tạm thời không tổ chức cho học sinh đến trường dưới mọi hình thức.
UBND Hà Nội cũng giao Công an Thành phố chủ trì phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các quận huyện thị xã xử lý nghiêm, kể cả xử lý theo pháp luật hình sự các trường hợp đưa tin không đúng sự thật, không khai báo y tế, khai báo y tế không trung thực, trốn tránh, chống đối, không chấp hành biện pháp cách ly y tế; găm hàng, tăng giá, gây bất ổn thị trường theo đúng quy định của pháp luật.
Mỹ: Trở thành vùng dịch lớn nhất thế giới
Tính đến 9h15 ngày 27/3, số ca nhiễm COVID-19 ở Mỹ đã lên tới 85.377, vượt qua Trung Quốc (81.340 ca) và Italia (80.589 ca).
Kể từ khi Mỹ ghi nhận ca nhiễm đầu tiên vào ngày 20.1, số ca tử vong cũng đã lên tới hơn 1.100. Italia hiện vẫn là quốc gia có số ca tử vong vì COVID-19 lớn nhất thế giới.
Số ca nhiễm ở Mỹ tăng mạnh chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn, như New York và New Orleans. Những khu vực tập trung đông dân cư giúp virus lây lan rất nhanh.
Thống đốc bang New York cảnh báo số người nhiễm virus tăng mạnh có thể khiến bệnh viện quá tải, từ đó không thể kiểm soát được số người chết.
Số ca nhiễm COVID-19 ở Mỹ liên tục tăng mạnh trong những ngày qua.
Để ngăn virus lây lan, nhiều thành phố và các bang ở Mỹ đã áp đặt lệnh phong tỏa. Người dân chỉ được phép ra ngoài mua nhu yếu phẩm và làm các công việc cần thiết. Tuy nhiên, vẫn cần thời gian để lệnh phong tỏa ảnh hưởng tới tốc độ lây nhiễm của virus.
Thống đốc bang New York Andrew Cuomo nói bắt đầu có dấu hiệu giảm lây lan trên toàn bang. New York hiện là bang có số ca nhiễm COVID-19 lớn nhất, chiếm một nửa số ca nhiễm ở Mỹ.
Dịch bệnh ở Trung Quốc đạt đến đỉnh vào giữa tháng 2, đến nay cuộc sống bình thường đang dần trở lại. Ngược lại, Mỹ vẫn còn một con đường dài ở phía trước trong bối cảnh kinh tế đi xuống vì dịch bệnh đã khiến hàng triệu người mất việc.
Số người mất việc ở Mỹ đã tăng lên tới 3,28 triệu, theo thống kê của Bộ Lao động Mỹ hôm 26.3, vượt qua dự báo là 1,5 triệu người.
Bất thường giữa mùa dịch COVID-19: Đướng xá vắng hoe, xe buýt chật cứng người di chuyển
Mới đây trên mạng xã hội xuất hiện thông tin người dân chen chúc nhau đi trên xe buýt khiến cho nhiều người lo lắng. Trước khi hình ảnh này xuất hiện, Chính phủ và UBND Thành phố Hà Nội khuyên người dân hạn chế ra đường để phòng COVID-19.
Ngày 26/3, UBND Thành phố Hà Nội cũng đã có chỉ đạo về việc giảm 80% công suất hoạt động. Tần suất hoạt động còn 40, 60 và 90 phút/lượt, kể từ ngày 27/3 đến hết ngày 5/4. Quyết định này đưa ra nhằm ngăn chặn việc hành khách sử dụng giao thông công cộng có thể bị lây nhiễm bệnh của nhau, hay lây sang cho người điều khiển phương tiện công cộng hoặc ngược lại.
Ngoài ra, thông báo của UBND Thành phố Hà Nội còn nêu rõ, trong trường hợp bắt buộc phải sử dụng xe buýt để tham gia giao thông, người dân buộc phải tuân thủ các quy định và khuyến cáo của Bộ Y tế. Đó là sử dụng khẩu trang đúng cách, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; không chạm tay vào mặt, mũi, miệng, hạn chế ăn uống, nói chuyện trên xe buýt.
Trước tình trạng xe buýt đông nghẹt ngay sau khi Hà Nội có thông báo hạn chế sử dụng phương tiện công cộng và giảm công xuất hoạt động, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị, Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội cho biết qua xác minh những hình ảnh đông người trên xe buýt là có thật.
Nguyên nhân là do hôm nay là ngày đầu tiên giảm lượng xe buýt nên nên một phần người dân chưa nắm được thông tin vì thế đã nảy sinh ra một số vấn đề. “Khi giảm xe như vậy thì sẽ nảy sinh một số bất cập như đợi lâu hơn, thời gian chờ đợi kéo dài, số lượng người lên đông hơn so với khuyến cáo 20 người trên xe,…”, ông Hải nói.
Đối với hành khách đi xe buýt trong thời điểm dịch COVID-19, nhân viên phục vụ trên xe buýt ngoài hướng dẫn thực hiện theo đúng quy định trước đây, còn phải yêu cầu hành khách đeo khẩu trang và hướng dẫn hành khách ngồi đúng cự ly an toàn.
Ngoài ra, khi số người trên xe không vượt quá 20 người ở mỗi thời điểm, nhân viên phục vụ trên xe báo về trung tâm để bố trí xe tăng cường ở chỗ đông người.
Ông Hải mong muốn bà con nhân dân chia sẻ với Chính phủ và thành phố cùng phòng chống COVID-19. Ngoài ra, bà con cũng có thể tự chủ động điều tiết đi lại của mình để phù hợp hơn.
Úc: 4.000 nhân viên y tế được tiêm vắc xin lao phổi để thử ngừa COVID-19
Vắc xin BCG thường được sử dụng để giúp trẻ em chống lại căn bệnh lao, tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng loại vắc xin này vẫn còn nhiều công dụng khác.
Nhiều thử nghiệm đã chỉ ra rằng, vắc xin chống lao còn có khả năng tăng cường hệ miễn dịch, giúp người được tiêm bảo vệ bản thân tốt hơn trước một số loại bệnh truyền nhiễm khác ngoài lao, điều này đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận.
Các nhà khoa học tại Úc đã tiêm vắc xin chống lao cho 4.000 nhân viên y tế nước này để xem liệu loại vắc xin này có thể bảo vệ người được tiêm phòng ngừa COVID-19 hoặc giảm khả năng bị lây nhiễm, giảm các triệu chứng nghiêm trọng mà COVID-19 gây ra hay không.
Cuộc thử nghiệm tiêm vắc xin lao được tiến hành bởi các chuyên gia đến từ Viện nghiên cứu Murdoch, bang Victoria (Úc). 4.000 nhân viên y tế được tiêm vắc xin lao đến từ khắp nơi tại Úc.
Đến ngày 26.3, Úc đã ghi nhận tổng cộng 2.806 ca nhiễm COVID-19 với 13 người tử vong. Số người nhiễm virus tại Úc mặc dù chưa nhiều bằng các nước châu Âu hay Mỹ, nhưng đang có xu hướng gia tăng.
Không chỉ có Úc, vắc xin chống lao đã được thử nghiệm khả năng phòng COVID-19 tại các nước khác như Hà Lan, Đức và Anh.
“Thử nghiệm lần này sẽ nghiên cứu và khả năng phòng ngừa và chống lại các triệu chứng bệnh sau khi nhiễm COVID-19. Nếu có hiệu quả, hành động này có thể giúp cứu sống nhiều nhân viên y tế đang chống dịch ở tuyến đầu. Với 4.000 người tham gia thử nghiệm, chúng ta có thể biết chính xác vắc xin phòng lao có hiệu quả trước Covid-19 hay không”, giáo sư Kathryn North AC – Giám đốc Viện nghiên cứu Murdoch, cho hay.
Malaysia: Ca nhiễm tăng kỷ lục trong ngày, tổng số đã vượt 2.000
Ngày 26.3, Bộ Y tế Malaysia cho biết, nước này đã ghi nhận thêm 235 ca nhiễm mới COVID-19 chỉ sau 24 giờ.
Malaysia hiện là quốc gia có số người nhiễm virus cao nhất Đông Nam Á với 2.031 trường hợp và 23 ca tử vong. Đáng lưu ý, số ca nhiễm COVID-19 tại Malaysia tăng từ mốc 1.000 lên 2.000 người nhiễm chỉ sau 1 tuần.
Ngày 25.3, Thủ tướng Malaysia - ông Muhyiddin Yassin, đã gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc thêm 2 tuần đến ngày 14.4.
Tổng Giám đốc y tế thuộc Bộ Y tế Malaysia – ông Noor Hisham Abdullah, cho biết, dựa trên kết quả điều tra sơ bộ, 60 trong số 235 trường hợp nhiễm mới COVID-19 đều có liên quan đến sự kiện tôn giáo tổ chức tại Kuala Lumpur hồi cuối tháng 2. Điều này cho thấy, Malaysia vẫn chưa kiểm soát được trung tâm lây nhiễm COVID-19 tại nước này.
Ông Noor Hisham Abdullah cho biết thêm rằng, 45 trường hợp nhiễm COVID-19 tại Malaysia đang trong tình trạng nguy kịch và được điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt.
Lào: Thêm 3 ca nhiễm mới
Cùng trong ngày 26.3, Bộ Y tế Lào thông báo nước này đã có thêm 3 ca nhiễm COVID-19 mới, nâng tổng số người nhiễm virus tại nước này lên 6 trường hợp chỉ 2 hai ngày sau khi phát hiện 2 ca nhiễm đầu tiên.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Thủ tướng Lào – ông Thongloun Sisoulith, đã yêu cầu người dân tuân thủ mọi biện pháp phòng ngừa của Bộ Y tế đưa ra, hạn chế tiếp xúc xã hội, đồng thời cân nhắc trước khi có ý định di chuyển tới các địa phương khác.
Trong những ngày qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lao động Lào tại các nước láng giềng, chủ yếu ở Thái Lan trở về nước rất đông, đặt ra thách thức không nhỏ cho các nỗ lực ngăn ngừa dịch bệnh.