Tại sao Đức thuộc những nước có số người mắc COVID-19 nhiều nhất nhưng tỷ lệ tử vong rất thấp?

Ngày 27/03/2020 07:30 AM (GMT+7)

Đức nằm trong số các quốc gia có số ca mắc bệnh được báo cáo nhiều nhất nhưng tỷ lệ tử vong chỉ khoảng 0,5%, thấp hơn so với nhiều nước. Trong khi đó, Italy lại chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với hàng trăm người chết trong những ngày gần đây

Tính đến sáng ngày 27/3, Đức đã xác nhận hơn 36.000 trường hợp mắc COVID-19 nhưng chỉ có 198 trường hợp tử vong. Như vậy tỷ lệ tử vong ở Đức chỉ khoảng 0,5%, thấp hơn so với các quốc gia khác, đặc biệt là Italy - nơi có tỷ lệ tử vong vì COVID-19 là 9,5%, Pháp với tỷ lệ là 4,3% và Mỹ với tỷ lệ tử vong 1,3%.

Tính đến cuối tuần vừa qua, Hàn Quốc, Thụy Sĩ và Đức là 3 quốc gia có tỷ lệ tử vong thấp hơn các quốc gia khác. Đối với Hàn Quốc, điều này một phần là do các trường hợp xảy ra ở những người trẻ hơn nhiều, trong khi dịch COVID-19 ở Thụy Sĩ chỉ mới xuất hiện.

Nhưng đối với Đức, các trường hợp mắc COVID-19 cũng xảy ra ở những người trung niên giống như các quốc gia khác. Những trường hợp tử vong vì căn bệnh này ở Đức cũng xảy ra ở người cao tuổi. Tuy nhiên, ngay cả khi có các nhóm bệnh nhân bị nhiễm tương tự như Pháp, Tây Ban Nha và Hoa Kỳ, tỷ lệ tử vong vì COVID-19 của Đức vẫn thấp. Vậy họ đã làm như thế nào?

Tại sao Đức thuộc những nước có số người mắc COVID-19 nhiều nhất nhưng tỷ lệ tử vong rất thấp? - 1

Nhóm nhân viên y tế đi đến trung tâm xét nghiệm COVID-19 ở quận Reinickendorf của Berlin. Ảnh: Fabrizio Bensch / Reuters

Hệ thống y tế tốt với 1900 bệnh viện

Là một trong những quốc gia giàu nhất thế giới, Đức cũng có một trong những hệ thống chăm sóc sức khỏe công cộng đắt đỏ và rộng rãi nhất với bảo hiểm chăm sóc sức khỏe toàn cầu và bảo hiểm nghề nghiệp cao đáng kể cho người lao động. Họ có thể nghỉ ốm trung bình 17 lần mỗi năm mà không phải lo lắng về việc mất việc.

Đức cũng được coi là một trong những nơi tập trung nhiều bệnh viện nhất thế giới - 1.900 cho dân số 82 triệu người. Chúng từ lâu đã được coi là các cơ sở xa xỉ và phải đối mặt với việc cắt giảm ngân sách trong những năm gần đây nhưng giờ lại chứng tỏ hiệu quả của mình.

"Hệ thống chăm sóc sức khỏe của chúng tôi có lẽ là một trong những hệ thống tốt nhất trên thế giới", thủ tướng Đức Angela Merkel nói trong một chương trình truyền hình hôm 18/3. "Nhưng dịch bệnh cho chúng ta thấy chúng ta thực sự dễ bị tổn thương và phụ thuộc lẫn nhau như thế nào", bà nói thêm.

Đức có một trong những số lượng giường bệnh chăm sóc đặc biệt cao nhất tính theo đầu người ở châu Âu - 29 trên 100.000 cư dân so với 13 ở Italy, 12 ở Pháp, 10 ở Tây Ban Nha và 7 ở Anh. Đây có lẽ là lợi thế quan trọng nhất của nước này khi đối mặt thách thức từ virus corona.

Bên cạnh đó, Đức còn nằm trong số những nước có số giường chăm sóc đặc biệt cao nhất tính theo đầu người ở châu Âu - 29 trên 100.000 cư dân so với 13 ở Ý, 12 ở Pháp, 10 ở Tây Ban Nha và 7 ở Anh.

Cảnh báo sớm và tiến hành xét nghiệm trên diện rộng

Đức đã sớm được cảnh báo về dịch COVID-19 vào tháng 2 khi dịch bệnh lây lan nhanh chóng ở Italy. Điều đó đã khiến các nhà chức trách bắt đầu tăng cường các xét nghiệm quan trọng và chuẩn bị cho đất nước những hạn chế ngày càng nghiêm ngặt hơn. Các quy định giới hạn và sau đó cấm hầu hết cuộc tụ họp công cộng nói chung được chấp nhận và tôn trọng rộng rãi hơn ở Đức.

Tại sao Đức thuộc những nước có số người mắc COVID-19 nhiều nhất nhưng tỷ lệ tử vong rất thấp? - 2

Nhân viên y tế xét nghiệm COVID-19 cho mọi người tại một trung tâm xét nghiệm ở Munich. Ảnh: Matthias Schrader / AP

Theo các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, lý do lớn nhất cho sự khác biệt của Đức với các quốc gia khác là giống như Hàn, Đức đã tích cực tiến hành xét nghiệm toàn dân ngay từ đầu. Ngay trong những ngày đầu bùng phát dịch, Đức lập tức tiến hành theo dõi, xét nghiệm diện rộng và kiểm tra các cụm dịch. Điều đó giúp nước Đức có một bức tranh chân thực về quy mô bùng phát của dịch bệnh so với những nơi chỉ kiểm tra những bệnh nhân đã xuất hiện triệu chứng rõ ràng hoặc bệnh đã nặng hoặc những người có nguy cơ cao nhất.

Christian Drosten, giám đốc Viện virus học tại Bệnh viện Charité của Berlin cho biết tỷ lệ tử vong thấp của Đức là do khả năng thử nghiệm sớm và thường xuyên. "Tôi nghĩ chúng tôi chỉ đang tiến hành xét nghiệm nhiều hơn so với các quốc gia khác và chúng tôi đã phát hiện sớm sự bùng phát dịch. Chúng tôi có những phòng thí nghiệm tiên tiến trải rộng trên cả nước và có thể xác định được virus. Đó là lý do chúng tôi đi trước đón đầu so với các quốc gia khác".

Ông Drosten cho biết mạng lưới phòng thí nghiệm độc lập dày đặc trên khắp nước Đức gần đây đã có thể bắt đầu quản lý các xét nghiệm với số lượng lớn vào tháng 1 khi một vài trường hợp rải rác đầu tiên xuất hiện ở nước này.

Ông cũng nói thêm rằng Đức có thể phân phối các xét nghiệm cho các phòng thí nghiệm và bác sĩ trên cả nước để giúp họ theo dõi virus tốt hơn. "Các nước khác đã mất một tháng hoặc hơn vì điều đó", ông nói, lưu ý rằng phòng thí nghiệm ở các nước khác thường tiến hành thử nghiệm độc lập.

Ông Drosten ước tính Đức đã tiến hành xét nghiệm COVID-19 cho khoảng 120.000 người mỗi tuần trong suốt thời gian từ cuối tháng 2 đến nay. 

Theo dõi chặt chẽ các bệnh nhân mắc COVID-19

Các cơ quan y tế của Đức ngay từ đầu đã theo dõi các cụm dịch một cách tỉ mỉ. Khi một cá nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19, họ đã ngay lập tức tiến hành điều tra để tìm ra những người khác mà bệnh nhân đã tiếp xúc để tiến hành xét nghiệm, cách ly, phá vỡ chuỗi lây nhiễm bệnh.

Tại sao Đức thuộc những nước có số người mắc COVID-19 nhiều nhất nhưng tỷ lệ tử vong rất thấp? - 3

Bác sĩ Holger Hildebrand kiểm tra mặt nạ tại phòng chăm sóc đặc biệt cho bệnh nhân COVID-19 của bệnh viện Klinikum Bad Hersfeld ở Bad Hersfeld. Ảnh: Thomas Lohnes / AFP / Getty Images

Bệnh nhân mắc COVID-19 chủ yếu là người trẻ 

Virus corona chủng mới gây ra đại dịch COVID-19 tác động nghiêm trọng hơn đối với người cao tuổi. Nhưng hầu hết các trường hợp được chẩn đoán mắc COVID-19 ở Đức là người trẻ tuổi. Những người trẻ tuổi sẽ có cơ hội đạt được hiệu quả điều trị tốt hơn so với người già. Độ tuổi trung bình cho các trường hợp được xác nhận COVID-19 là 47 ở Đức, trong khi ở Italy là 63 tuổi, theo Viện Robert Koch. 

Còn tại Mỹ, khoảng 8 trong số 10 trường hợp tử vong liên quan đến virus corona chủng mới là ở những người từ 65 tuổi trở lên, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC). Một nghiên cứu được công bố trực tuyến vào ngày 18/3 cho thấy phần lớn các trường hợp tử vong COVID-19 ở Trung Quốc thuộc nhóm tuổi 60 trở lên.

Hàn Quốc có tỷ lệ người mất vì COVID-19 rất thấp dù có gần 8000 người mắc bệnh
Tính đến ngày 11/3, Hàn Quốc có 7.755 trường hợp mắc COVID-19 nhưng tỷ lệ tử vong lại rất thấp, 0,77%.
Hoàng Dương (Dịch từ WSP, SCMP)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Chuối xanh có giá trị dinh dưỡng rất đặc biệt. Với hàm lượng chất xơ và tinh bột kháng cao, chuối xanh không chỉ giúp cải thiện hệ tiêu hóa...

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19