Đến ngày 28/4, đã có gần 60 địa phương thông báo về lịch trở lại trường của học sinh. Để đảm bảo an toàn khi học sinh đi học trở lại, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế đã đưa ra nhiều tiêu chí, trong đó có việc thực hiện giãn cách, yêu cầu học sinh phải ngồi cách nhau 1,5m.
Dự kiến đầu tháng 6 trẻ mầm non ở Hà Nội trở lại trường
Ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội cho biết, đơn vị đang chuẩn bị kịch bản cho học sinh các cấp trở lại trường sau thời gian nghỉ phòng tránh dịch COVID-19.
Theo ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội, để đáp ứng yêu cầu giãn cách theo quy định của Bộ GDĐT, nếu tất cả các khối lớp đều đi học thì các trường trong khu vực nội thành của Hà Nội sẽ khó thực hiện được.
Ở khu vực nội thành Hà Nội, các trường đều phải học 2 ca. Thực hiện giãn cách, mỗi lớp học phải chia ít nhất thành 2 lớp nhỏ thì sẽ không đủ số phòng học và cũng không đủ giáo viên để giảng dạy.
Sở GDĐT Hà Nội đã xây dựng kịch bản gồm 4 giai đoạn để tham mưu với UBND thành phố về việc học sinh đi học trở lại.
Giai đoạn đầu, học sinh khối 9 và 12 đi học trước, dự kiến đi học trở lại vào ngày 4/5 tới. Những lớp còn lại sẽ lần lượt đi học lại theo các mốc khác nhau đến cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6/2020.
Danh sách thời điểm các tỉnh, thành cho học sinh trở lại trường:
Mỹ vượt mốc 1 triệu người nhiễm bệnh
Trong 24 giờ qua, Mỹ có thêm 22.099 ca mắc mới, 1.360 người tử vong. Tổng số ca mắc và tử vong tại Mỹ là 1.010.356 và 56.797.
Sau lệnh nới lỏng về giãn cách xã hội và từng bước mở cửa trở lại các khu vực kinh tế, hôm qua, theo nguyện vọng của nhiều người Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã kêu gọi một số thống đốc bang xem xét "nghiêm túc" việc mở lại các trường học.
Mỹ vượt mốc 1 triệu người nhiễm bệnh.
Italia có mức tăng hàng ngày thấp nhất
quan Bảo vệ Dân sự cho biết đã có thêm 1.739 ca nhiễm SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua, nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 lên 199.414 người, 333 người tử vong. Kể từ hôm 10/3, đây là mức tăng số ca mắc mới COVID-19 hàng ngày thấp nhất ở Italy.
Theo tin mới nhất, Thủ tướng Italia cam kết sẽ cho phép các doanh nghiệp hoạt động trở lại ngay trong tuần sau khi dừng lệnh phong tỏa toàn quốc. Dự kiến các trường học sẽ được mở lại vào tháng 9.
Liên đoàn Bác sĩ Italia cho biết, trong 2 tháng qua đã có 151 bác sĩ nước này tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tây Ban Nha, nước có số ca nhiễm cao thứ hai thế giới, sau Mỹ, đã có thêm một ngày số ca nhiễm giảm. Sáng nay, số ca mắc mới của Tây Ban Nha là 2.793 (giảm 77), số ca tử vong là 331 người (tăng 43). Hiện nước này ghi nhận 229.422 người nhiễm, 23.521 người chết vì dịch COVID-19.
Tại Pháp số ca tử vong vì COVID-19 đã lên tới 23.293 người (tăng 437), số ca nhiễm đứng thứ tư thế giới với 165.842 (tăng 3.742). Theo ước tính của Nghiệp đoàn bác sĩ đa khoa gia đình Pháp, con số tử vong tại nước này trên thực tế cao hơn con số được thống kê vì không tính đến số bệnh nhân chết tại nhà - lên tới khoảng 9.000 người.
Đức hiện có gần 158.758 người nhiễm (tăng 988), 6.126 người tử vong (tăng 150). Các số liệu này cho thấy, Đức hiện đang cố gắng kiểm soát mức nhiễm và giảm số người tử vong đến mức thấp nhất có thể. Trong khi đó, nước Anh ghi nhận một ngày có số người nhiễm tăng vọt lên 4.309 người, thêm 360 ca tử vong.
Nga vượt qua Trung Quốc về số ca nhiễm COVID-19
Nga ghi nhận 87.147 trường hợp nhiễm Covid-19, đứng thứ 9 thế giới về số ca nhiễm, vượt qua Trung Quốc.
Để ngăn chặn sự lây lan của virus 12 triệu người dân của Moscow được yêu cầu ở trong nhà kể từ ngày 30/3.Trong 24 giờ qua, Nga có thêm 6.198 ca nhiễm COVID-19, đưa tổng số ca nhiễm virus lên 87.147. Số trường hợp tử vong tại nước này hiện là 794. Số ca mắc mới trong ngày tại Nga đã vượt lên đứng thứ hai sau Mỹ. Phần lớn ca nhiễm virus tại Nga là ở Thủ đô Moscow.
Nhật Bản mở rộng danh sách cấm nhập cảnh
Tính đến sáng nay, Nhật Bản có thêm 144 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca lên 13.585 với số ca tử vong hiện là 372 người. Hơn nữa, trong nỗ lực khống chế sự lây lan của dịch bệnh, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết sẽ đưa thêm 14 nước vào diện tạm cấm nhập cảnh công dân nước ngoài. Lệnh cấm bắt đầu có hiệu lực từ ngày mai 29/4.
Tính đến sáng nay, Nhật Bản có thêm 144 ca mắc COVID-19.
Lệnh này áp dụng trong vòng 14 ngày với các công dân thuộc 14 nước trong đó có Nga, Ukraine, Belarus, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Saudi Arabia, Qatar, Kuwait, Oman, Djibouti, Peru.
Đến nay, Nhật Bản đã cấm nhập cảnh đối với các công dân đến từ 87 quốc gia và vùng lãnh thổ để ngăn chặn dịch COVID-19.
Các nước Đông Nam Á
Ghi nhận trên 40.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Trong đó, Singapore đang là nước có số ca nhiễm cao nhất Đông Nam Á và tỉ lệ lây nhiễm cao nhất châu Á với tổng số ca nhiễm là 144.423 người và 14 ca tử vong.
Trong 24 giờ qua, quốc gia này ghi nhận thêm 799 ca nhiễm mới (giảm 132 ca so với một ngày trước đó. Điều đáng nói là trong số ca nhiễm mới, có tới 787 là lao động nhập cư và chỉ có 14 người là công dân Singapore và người thường trú.
WHO cảnh báo dịch bệnh còn kéo dài
Tổng Giám đốc WHO ngày 27/4 đã cảnh báo, đại dịch COVID-19 còn lâu mới chấm dứt, trong khi xu hướng dịch bệnh đang gia tăng tại các nước Đông Âu, Châu Phi và Mỹ Latinh. Ông cũng bày tỏ mối lo ngại sâu sắc về tác động từ tình trạng gián đoạn của các dịch vụ y tế thông thường, đặc biệt là đối với trẻ em.