Không được mất cảnh giác với mọi ca bệnh mới phát hiện tại cộng đồng, dứt khoát không được bỏ qua bất kỳ khả năng nào dù nhỏ nhất, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh sáng 8/4.
Không mất cảnh giác với bất kỳ ca lây nhiễm nào trong cộng đồng
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo cho rằng mặc dù đã thực hiện các giải pháp sớm, mạnh, dứt khoát để ngăn chặn dịch xâm nhập nhưng chúng ta phải chấp nhận thực tế dịch bệnh đã xâm nhập vào cộng đồng. Bởi trước 0h ngày 22/3, thời điểm chúng ta tạm dừng nhập cảnh tất cả người nước ngoài vào Việt Nam, thì vẫn còn hàng trăm nghìn người đã nhập cảnh, trong đó có rất nhiều người đến từ các nước có dịch.
Thống kê của Bộ Y tế sáng 8/4 cũng cho thấy, trong 251 trường hợp nhiễm bệnh (tính đến sáng 8/4), có 156 người từ nước ngoài (chiếm 62,6%); 95 người lây nhiễm thứ phát (chiếm 37,4%).
Vì vậy, ngoài các ổ dịch như quán bar Buddha (TPHCM), Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) hay các khu cách ly tập trung, chúng ta không được mất cảnh giác với mọi ca bệnh mới phát hiện tại cộng đồng, dứt khoát không được bỏ qua bất kỳ khả năng nào dù nhỏ nhất; tiếp tục "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng"; coi tất cả người có dấu hiệu dịch tễ đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế là ca có nguy cơ lây nhiễm…; hoàn thiện cơ chế để giám sát, truy vết.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Ban Chỉ đạo thống nhất phải tiếp tục kiên định nguyên tắc phòng chống dịch đã được đưa ra từ đầu cuộc chiến, đó là: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Đây là chiến lược không thay đổi.
Đến giờ phút này chúng ta vẫn đang kiểm soát dịch bệnh theo kịch bản dự báo và tới đây sẽ xuất hiện thêm các ca nhiễm cộng đồng. Tất cả các ca nhiễm này đều phải coi là ổ dịch tiềm năng (F0), cùng với việc xác định nguồn lây, quan trọng hơn là phải thực hiện ngay các biện pháp ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, chúng ta phải quyết liệt, không được chủ quan, mất cảnh giác.
Lấy ví dụ về bệnh nhân 243 ở Mê Linh, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho hay, tìm nguồn lây nhiễm quan trọng nhưng trong trường hợp đã có lây nhiễm trong cộng đồng, ưu tiên hàng đầu là triển khai ngay các giải pháp cách ly, khoanh vùng, dập dịch, không để dịch lan rộng.
"Các địa phương khi gặp các ca nhiễm trong cộng đồng, không được mất cảnh giác, chủ quan, nghĩ ngay rằng các ca nhiễm mới có liên quan ổ dịch cũ", ông Phu nói.
Vị chuyên gia này tiếp tục đề nghị thời gian tới cần quyết liệt thực hiện giãn cách xã hội, không để người nhiễm tiếp xúc với người lành, phát hiện sớm trong cộng đồng các ổ dịch nhỏ, khoanh vùng, cách ly sớm nhất.
Chiều 8/4, Việt Nam không ghi nhận thêm ca mới nhiễm COVID-19, đã có 126 người khỏi bệnh
Tính từ 6 giờ sáng đến 18 giờ chiều ngày 8/4, Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19 nào, hiện cả nước có tổng 251 người nhiễm COVID-19. Trong số 251 trường hợp xác định dương tính có 156 người từ nước ngoài chiếm 62,6%, 95 người lây nhiễm thứ phát.
Cũng trong ngày 8/4, Việt Nam có thêm 4 ca được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được chữa khỏi tại nước ta lên 126 người. Trong 4 ca mới khỏi bệnh, 1 bệnh nhân tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi (TP Hồ Chí Minh); 3 bệnh nhân tại Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh).
Trong số các ca đang điều trị, 25 ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với COVID-19; 17 ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với COVID-19.
Ca nhiễm ở Mỹ tăng vọt, Tổng thống Trump chỉ trích WHO
Riêng TP New York – Mỹ ghi nhận thêm 806 người tử vong do COVID-19 trong vòng 24 giờ, đây là mức tăng cao nhất trong một ngày.
Trong khi đó, tổng số người chết tại bang này đã vượt qua số người thiệt mạng trong vụ khủng bố 11-9-2001. Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cho biết tổng số ca tử vong tại bang này hơn 5.000 người.
Riêng TP New York, tính đến ngày 7/4 có tổng cộng 3.544 ca tử vong do COVID-19, tăng 29% từ mức 2.738 ca trong vòng 24 giờ.
Theo Bộ Y tế Mỹ, khoảng 74.601 ca nhiễm mới được ghi nhận hôm 7/4, tăng 5.825 so với mức tăng trước đó một ngày.
Các quan chức y tế đã cảnh báo có rất nhiều người bị nhiễm ở TP New York so với số trường hợp nhiễm được xác nhận vì nhiều người ở New York không thể làm xét nghiệm.
Trong khi đó, theo Worldometers, tính đến khoảng 7 giờ (giờ Việt Nam), tổng ca nhiễm và tử vong tại Mỹ liên quan đến COVID-19 lần lượt được ghi nhận là 395.612 và 12.790.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích nặng nề Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 7/4 khi cáo buộc tổ chức này quá tập trung vào Trung Quốc và đưa ra lời khuyên tồi tệ trong đại dịch COVID-19.
Ông Trump viết trên Twitter. "WHO đã thực sự làm hỏng chuyện. Vì vài lý do nào đó, tổ chức này nhận được tài trợ phần lớn từ Mỹ nhưng lại nghiêng về Trung Quốc. Thật may mắn, tôi đã bác bỏ lời khuyên của họ về việc duy trì mở cửa với Trung Quốc trước đó. Tại sao họ lại đưa ra khuyến cáo sai lầm như vậy?".
Tổng thống Mỹ cũng đề cập việc sẽ cân nhắc cắt giảm ngân sách cho tổ chức này. Mỹ hiện là nước đóng góp lớn nhất cho WHO với tổng cộng hơn 500 triệu USD trong năm ngoái.
Thêm 04 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh
Hôm nay (8/4), cả nước đã có thêm 04 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh. Trong đó có 03 bệnh nhân tại bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ và 01 bệnh nhân tại bệnh viện dã chiến Củ Chi. Như vậy, đến thời điểm này tại Việt Nam đã có tổng cộng 126 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh.
I. Tại bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ có 03 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, trong đó có 02 bệnh nhân quốc tịch Nam Phi và 01 bệnh nhân quốc tịch Việt Nam.
- BN 125: Bệnh nhân nữ, 22 tuổi, quốc tịch Nam Phi. Ngày vào viện: 22/3/2020. Trong quá trình điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân được xét nghiệm và có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 vào các ngày 5/4/2020 và 6/4/2020, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh.
- BN 126, bệnh nhân nam, 28 tuổi, quốc tịch Nam Phi. Ngày vào viện: 23/3/2020. Trong quá trình điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân được xét nghiệm và có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 lần 1 vào ngày 5/4/2020 và lần 2 vào ngày 6/4/2020, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh.
- BN 152: Bệnh nhân nữ, 27 tuổi, quốc tịch Việt Nam. Ngày vào viện: 23/3/2020. Trong quá trình điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân được xét nghiệm và có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 vào các ngày 5/4/2020 và 6/4/2020, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh.
II. Tại bệnh viện dã chiến Củ Chi có 01 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh
- BN 153: Bệnh nhân nữ, 60 tuổi, quốc tịch Việt Nam. Ngày vào viện: 24/3/2020. Trong quá trình điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân được xét nghiệm và có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 lần 1 vào ngày 26/3/2020; lần 2 vào ngày 28/3/20202 và lần 3 vào ngày 30/3/2020 đủ điều kiện công bố khỏi bệnh. Các trường hợp trên sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.
Italia tuyên bố dịch COVID-19 đi xuống sau khi số ca nhiễm mới tăng ở mức thấp nhất kể từ ngày 10/3, thời điểm mà Italia phong toả toàn quốc. Tính đến sáng nay (8/4), số ca nhiễm mới tại Italia là 604 ca. Đây là mức tăng thấp nhất tại nước này kể từ ngày 10/3, tức thời điểm Italia buộc phải phong toả toàn quốc để ngăn chặn đại dịch COVID-19.
Điều đáng nói, là số ca khỏi bệnh trong ngày 7/4 đã cao gần gấp đôi số nhiễm bệnh mới, khi 1.555 người đã xuất viện, nâng tổng số người khỏi bệnh tại Italy lên con số 24.000 người. Italy hiện có 135.586 người nhiễm và 17.127 người tử vong do COVID-19.
Pháp ghi nhận số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 trong một ngày cao nhất từ trước đến nay, khi có tới 1.417 người thiệt mạng, 11.059 ca nhiễm mới. Tổng số ca nhiễm tại nước này lên tới 109.069 người. Số người tử vong là 17.127 người, cao nhất thế giới.
Như vậy, Pháp là một trong 4 quốc gia trên thế giới có số ca tử vong vượt ngưỡng 10.000 người, cùng với Italy, Tây Ban Nha và Mỹ. Theo giới chức y tế Pháp, 82% trong số ca tử vong có độ tuổi trên 70.
Anh: Số ca tử vong tăng cao đột biến
Guardian đưa tin, Vương Quốc Anh ngày 7/4 có thêm 854 ca tử vong vì COVID-19, trong đó Anh ghi nhận 758 ca, Scotland 74 ca, Wales có 19 ca và Bắc Ireland 3 ca.
Tổng số người thiệt mạng vì SARS-CoV-2 ở Vương Quốc Anh hiện là 6.227, theo Huffpost.
Hơn 6.000 người đã thiệt mạng vì SARS-CoV-2 ở Vương quốc Anh. Ảnh: DM
Theo Dailymail, số ca tử vong ghi nhận ngày hôm 7/4 cao vọt so với ngày hôm trước (437 ca) và cho thấy thách thức Anh đang đối mặt trong cuộc chiến chống virus corona mới.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế lý giải rằng số liệu có thể bị báo cáo chậm vào cuối tuần, tức là các con số vào ngày 5/4 và 6/4 có thể thấp, nhưng sẽ tăng vào ngày sau đó khi các ca tử vong được thống kê bù.
Theo Standard, 854 là con số ca nhiễm mới cao nhất mà Vương Quốc Anh từng ghi nhận trong 1 ngày kể từ khi dịch bùng phát.
Iran: Tăng hơn 2.000 ca nhiễm
Trong cuộc họp báo trên truyền hình hôm 7/4, phát ngôn viên bộ Y tế Iran Kianoush Jahanpour cho biết trong vòng 24 giờ qua, nước này ghi nhận 2.089 ca nhiễm COVID-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 62.589, trong đó có 3.987 người nguy kịch. Ỉan cũng ghi nhận thêm 133 người chết vì COVID-19, nâng số ca tử vong ở nước này lên 3.872.
Ông Jahanpour nói thêm rằng số trường hợp bình phục đã gia tăng và tổng cộng 27.039 người xuất viện. Iran tới nay đã xét nghiệm SARS-CoV-2 cho 211.136 người. Tuy nhiên, một số người nghi ngờ số người chết và nhiễm COVID-19 thực tế tại nước này có thể cao hơn con số thống kê.
Nhật Bản: 18 bác sĩ thực tập bệnh viện ở Tokyo mắc sau bữa tiệc lớn
Bệnh viện ĐH Keio cho biết một bác sĩ thực tập đã xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 31/3. Các xét nghiệm sau đó đã phát hiện thêm 17 người trên tổng số 99 bác sĩ thực tập bị nhiễm loại virus nguy hiểm này. Số lây nhiễm này bao gồm cả những người không tham gia bữa tiệc, theo bệnh viện.
"Đây là một hành động không thể chấp nhận được từ những người tham gia chăm sóc bệnh nhân. Tôi xin đưa ra lời xin lỗi sâu sắc", ông Yuko Kitagawa, người đứng đầu bệnh viện, nói trong một tuyên bố.
Các ca nhiễm SARS-CoV-2 này xảy ra vào thời điểm Thủ tướng Nhật Bản, ông Shinzo Abe vào ngày 7/4 tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một tháng tại Thủ đô Tokyo và 6 khu vực khác khi số ca nhiễm COVID-19 tăng mạnh.
Trung Quốc: Dỡ bỏ lệnh phong toả
Trong vòng 24 giờ qua, Trung Quốc đã lần đầu ghi nhận không có ca tử vong tại đại lục kể từ khi dịch bệnh bùng phát, một tín hiệu tích cực trong thời điểm nước này đang nỗ lực ứng phó với nguy cơ dịch bùng phát do các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài.
Hiện tại, số ca nhiễm COVID-19 ở Trung Quốc là 81.740 với số ca tử vong là 3.331 và 77.167 ca bình phục.
Với lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, toàn bộ hệ thống sân bay, đường sắt, đường thủy, cao tốc và xe khách ở Vũ Hán sẽ nối lại hoạt động. Tuy nhiên, người dân vẫn được khuyến cáo tránh rời khu vực mình sống, cũng như thành phố Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc trừ trường hợp cần thiết.
Ngay sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, hàng nghìn người đã đổ tới các ga tàu và cao tốc để rời Vũ Hán. Nhà chức trách trước đó ước tính sẽ có khoảng 55.000 người rời Vũ Hán sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ.
Hàn Quốc: Tỉ lệ người khỏi bệnh đạt 65%
Noi đây từng là "ổ dịch" nghiêm trọng ngay sau Trung Quốc, ngày hôm qua đã thông báo số ca nhiễm mới ở mức dưới 50 người ngày thứ 2 liên tiếp, trong khi tỷ lệ khỏi bệnh đạt 65%. Đến sáng nay, Hàn Quốc có tổng cộng 10.331 người mắc COVID-19 và chỉ có 192 ca tử vong.