Số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã chạm mốc 250 triệu ca (theo thống kê của Worldometer) trong bối cảnh nhiều quốc gia đang nối lại hoạt động thương mại và du lịch.
7 diễn biến
Thế giới cán mốc 250 triệu ca COVID-19
Tính đến sáng 8/11, tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu là 250.610.452 ca, với 5.064.585 ca tử vong và 226.841.797 người đã khỏi bệnh.
Trong 3 tháng qua, số ca mắc COVID-19 hằng ngày trên toàn thế giới đã giảm 36%, theo thống kê của Reuters. Mặc dù tốc độ lây lan của virus đã chậm lại, nhưng trung bình cứ mỗi 90 ngày, thế giới lại có thêm 50 triệu ca bệnh mới. Trước đó, phải mất một năm để số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu chạm mốc 50 triệu ca đầu tiên.
Các chuyên gia y tế tỏ ra lạc quan rằng nhiều quốc gia đã vượt qua giai đoạn đen tối nhất của đại dịch nhờ vào vắc xin và sự miễn dịch tự nhiên. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo mùa đông và các đợt lễ hội cuối năm có thể sẽ làm gia tăng số ca bệnh trong thời gian tới.
Theo phân tích của Reuters, số ca mắc COVID-19 vẫn đang gia tăng ở 55 trên tổng số 240 quốc gia và vùng lãnh thổ. Châu Âu hiện chiếm hơn một nửa số ca nhiễm mới trên toàn cầu, với thêm một triệu ca sau mỗi chu kỳ 4 ngày. Số ca bệnh ở Nga, Ukraine, Hy Lạp đang tiệm cận hoặc đã chạm mức kỷ lục.
Phun khử trùng tại ga tàu ở Mátxcơva (Nga). Ảnh: Reuters
Tính riêng trong tuần trước, Nga đã ghi nhận tổng cộng hơn 281.000 ca mắc COVID-19 mới, con số cao kỷ lục, tăng 3,4% so với một tuần trước đó.
Trong tuần này, một số khu vực của Nga cho biết có thể sẽ áp đặt các lệnh hạn chế bổ sung, hoặc kéo dài thời gian nghỉ làm để giảm tốc độ gia tăng số ca bệnh và ca tử vong do COVID-19.
Tỷ lệ dân số thế giới được tiêm ít nhất một liều vắc xin COVID-19 hiện đã đạt 50,9%, theo Our World in Data. Nhưng ở các nước thu nhập thấp, tỷ lệ này mới chỉ đạt khoảng 4,1%.
Tháng trước, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và nhiều nhóm viện trợ khác đã kêu gọi các nhà lãnh đạo của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (nhóm G20) tài trợ cho kế hoạch trị giá 23,4 tỷ USD để đưa vắc xin, bộ xét nghiệm và thuốc COVID-19 đến các nước nghèo hơn trong 12 tháng tới.
Maria Van Kerkhove – WHO cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng từ nay đến cuối năm 2022, chúng ta sẽ kiểm soát được loại virus này. Chúng ta có thể giảm đáng kể số ca bệnh nặng và ca tử vong.”
Ngoài vắc xin, các bác sĩ hiện đã có thêm những phương pháp điều trị đầy hứa hẹn. Tuần trước, Anh đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép sử dụng một loại thuốc kháng virus do Merck và Ridgeback Biotherapeutics hợp tác phát triển có tên là molnupiravir. Kết quả nghiên cứu cho thấy loại thuốc này nếu được sử dụng trong giai đoạn đầu phơi nhiễm có thể giảm một nửa nguy cơ tử vong và nhập viện đối với những người có nguy cơ mắc COVID-19 nặng.
Nguồn: https://tienphong.vn/the-gioi-can-moc-250-trieu-ca-covid-19-post1391317.tpo Nguồn: https://tienphong.vn/the-gioi-can-moc-250-trieu-ca-covid-19-post1391317.tpo
Campuchia đứng đầu châu Á về tiêm phòng Covid-19
Tính đến ngày 3-11, khoảng 82% trên tổng số 16 triệu dân của Campuchia đã được tiêm ít nhất 2 mũi vắc-xin, cao hơn 1 điểm phần trăm so với Singapore, Brunei, Hàn Quốc và cao hơn 2 điểm phần trăm so với Nhật Bản và Malaysia.
Tỉ lệ này ở Đài Loan (Trung Quốc) là 73%, Hồng Kông ((Trung Quốc) là 61%, Thái Lan là 61% - cao hơn 17 điểm phần trăm so với Indonesia và Lào.
Nếu xét trên phạm vi toàn cầu, Campuchia đứng thứ 5 – chỉ sau Các Tiêu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Bồ Đào Nha, Cuba và Chile.
Theo dữ liệu của Reuters, tỉ lệ dân số được tiêm ít nhất 2 mũi vắc-xin Covid-19 ở Campuchia thậm chí còn cao hơn, ở mức 84,4%, tức hơn 27,8 triệu liều.
Một bé trai được tiêm phòng Covid-19 tại tỉnh Ratanakiri - Campuchia. Ảnh: Khmer Times
Tháng trước, Campuchia bắt đầu kế hoạch tiêm mũi bổ trợ cho người dân nước này. Chiến dịch tiêm phòng cho trẻ em ở Campuchia cũng gặt hái được thành công, với gần 45% trẻ 5 tuổi đã được tiêm mũi đầu tiên.
Campuchia đang lên kế hoạch tiêm ngừa Covid-19 cho trẻ 3-4 tuổi trong tương lai gần để đạt được mục tiêu tiêm phòng cho 91% dân số.
Theo dữ liệu mới nhất vừa được Khmer Times cập nhật, tính đến ngày 6-11, tỉ lệ dân số được tiêm ít nhất 2 mũi vắc-xin Covid-19 tại Campuchia đã tăng lên 87,2% và quốc gia này còn cách mục tiêu 91% khoảng 550.000 người.
Giới chức y tế Campuchia cho biết Delta đã trở thành biến thể trội tại quốc gia này và họ đang trong trạng thái cảnh giác cao độ với làn sóng lây nhiễm mới, sau khi Thủ tướng Hun Sen thông báo quyết định tái mở cửa gần như hoàn toàn kể từ ngày 1-11.
Với tỉ lệ tiêm chủng cao, Campuchia bắt đầu "nếp sống mới" vào ngày 1-11. Ảnh: Reuters
Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/campuchia-dung-dau-chau-a-ve-tiem-phong-covid-19-202... Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/campuchia-dung-dau-chau-a-ve-tiem-phong-covid-19-20211107091400749.htm
3.000 ca nhiễm/ngày, Singapore sống chung với dịch ra sao?
Số ca tăng nhưng vẫn trong dự đoán
Trước đây khi đi theo chiến lược “Zero Covid”, Singpore hạn chế tới từng ca nhiễm nhỏ lẻ. Nhưng nay, khi chọn theo đường lối sống chung với dịch, quốc đảo sư tử đã tính đến trường hợp số ca nhiễm có thể lên đến 5.000 ca/ngày. Vì vây, mức 3.000 ca nhiễm/ngày như hiện nay vẫn được coi là ổn định.
Tại buổi họp báo tổ chức đầu tuần, đồng Chủ tịch lực lượng đặc nhiệm liên bộ phòng Covid-19 của Singapore Gan Kim Yong cho biết: “Tỉ lệ lây nhiễm so sánh giữa các tuần đã giảm xuống dưới 1% (ở mức 0,81%) tính đến ngày 7/11".
"Số ca phải nhập viện và tỉ lệ ca bệnh chuyển nặng ở mức ổn định. Tỉ lệ sử dụng giường chăm sóc tích cực duy trì ở mức 70%. Số ca tử vong vì Covid-19 tại Singapore là 12 ca trong 24 giờ (ghi nhận đến ngày 10/11)”, ông Gan nói.
Người dân Singapore ăn uống tại trung tâm mua sắm Raffles. Ảnh - Channel New Asia
Ông Gan khẳng định, kết quả này có được là nhờ người dân Singapore đã “phối hợp cùng nhau” để hạn chế tỉ lệ lây nhiễm. Vì tình hình nằm trong tầm kiểm soát, quốc đảo sư tử sẽ có thêm lợi thế để nới lỏng một số biện pháp quản lý mà không tạo gánh nặng cho hệ thống chăm sóc y tế.
Không liên hoan hội hè, hạn chế thăm viếng
Để giữ được cân bằng, Singapore thường xuyên cân nhắc và thay đổi các biện pháp quản lý tùy theo tình hình dịch bệnh. Đồng thời, nước này xác định có thể phải mất từ 3-6 tháng mới đạt được tình trạng “bình thường mới” nên người dân phải chuẩn bị tâm lý không chủ quan và không hoang mang.
Tuy đã mở cửa lại nhà hàng, trung tâm thể dục thể thao, giải trí… nhưng tất cả đều trong giới hạn để đảm bảo giãn cách và an toàn.
Theo quy định vừa được công bố, có hiệu lực từ ngày hôm nay (10/11) Singapore mới chỉ cho phép nhóm tối đa 5 người, từ cùng một gia đình và nhóm 2 người khác gia đình, được ăn nhà hàng. Đồng nghĩa, người dân Singapore vẫn chưa được tổ chức liên hoan công ty hay tụ tập bạn bè…
Các nhà hàng được mở cửa đón khách nhưng chỉ được mở nhạc có sẵn nhẹ nhàng, chưa được phục vụ hoạt động nhạc sống. Đồng thời, nhà hàng phải nghiêm túc tuân thủ quy định kiểm tra chứng nhận tiêm phòng của khách.
Các hoạt động tụ tập xã hội vẫn bị giới hạn tối đa 2 người và 1 lần/ngày dù ở trong nhà hay ở không gian công cộng.
Quy định về khách đến thăm nhà vẫn không đổi chỉ được phép 2 người/ngày, không áp dụng với việc cháu đến thăm ông bà.
Người không tiêm phòng tự trả chi phí chữa trị
Về vấn đề khám chữa bệnh, vì đã đạt tỉ lệ tiêm phòng cao nên 98% số ca nhiễm mới không có hoặc ít triệu chứng. Do đó, chính phủ khuyến khích người dân tự theo dõi và chăm sóc sức khỏe tại nhà, giảm áp lực cho hệ thống y tế.
Đối với người chưa tiêm phòng, Singapore ra quy định, từ ngày 8/12, toàn bộ bệnh nhân đủ điều kiện tiêm phòng nhưng không thực hiện thì sẽ phải tự chi trả chi phí điều trị nếu phải nhập viện hoặc tới các cơ sở điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19.
Nhân viên y tế tại Bệnh viện Đa khoa Singapore di chuyển một bệnh nhân Covid-19 tới khu điều trị cách ly hồi năm ngoái. Ảnh: Straits Times.
Nhận định về quyết định này, Bộ trưởng Bộ Y tế Singapore Ong Ye Kung cho biết, chúng tôi làm vậy là muốn khuyến khích mọi người hãy tiêm phòng nếu tình trạng sức khỏe và tuổi tác cho phép để giảm gánh nặng với y tế.
Hiện tại, những người chưa tiêm phòng chiếm đa số trong những ca bệnh phải điều trị tích cực, gây ảnh hưởng tới nguồn lực y tế.
Những người không thể tiêm phòng như trẻ em dưới 12 tuổi hoặc người có lý do y tế vẫn được chính phủ chi trả hoàn toàn chi phí điều trị Covid-19.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/3000-ca-nhiemngay-singapore-song-chung-voi-dich-ra-sao-d531... Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/3000-ca-nhiemngay-singapore-song-chung-voi-dich-ra-sao-d531764.html
Phương Tây mở cửa trở lại, Trung Quốc có từ bỏ "Zero Covid"?
Trong khi một số nước như Mỹ đã nối lại việc đi lại quốc tế, các ca nhiễm Covid-19 mới đang gia tăng ở các quốc gia như Đức hay Pháp, trong bối cảnh số ca nhiễm toàn cầu vượt mốc 250 triệu.
Các nước phương Tây dần mở cửa biên giới trở lại. Ảnh: Reuters
Khi các nước phương Tây mở cửa biên giới trở lại, các nhà dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc cảnh báo rằng, Bắc Kinh phải tiếp tục tuân thủ chiến lược "Zero Covid" - siết chặt kiểm soát biên giới, áp dụng cách ly kéo dài và phong tỏa chặt những nơi có ca nhiễm - và coi đây là chiến lược bắt buộc phải có để kiểm soát dịch bệnh với chi phí thấp nhất.
Các ca nhiễm Covid-19 đã tăng trở lại ở châu Âu khi nhiệt độ lạnh hơn và khả năng miễn dịch - được tạo ra bởi vắc xin - suy giảm dần theo thời gian. Theo trang Euro News, Đức ghi nhận hơn 200 ca mắc/100.000 dân trong tuần qua, tăng so với con số 197 ca mắc/100.000 dân hồi tháng 12/2020.
Hãng Reuters hôm 8/11 đưa tin, người dân Đan Mạch cũng đang chống chọi với đợt lây lan Covid-19 lần 3.
Sự gia tăng trở lại số ca nhiễm ở châu Âu xảy ra vào thời điểm Mỹ đang dần mở cửa biên giới với người dân châu Âu.
Trong bối cảnh đó, truyền thông phương Tây tiếp tục đặt dấu hỏi về chiến lược "Zero Covid" khiến Trung Quốc vẫn chưa thể mở cửa trở lại, theo Thời báo Hoàn cầu.
Một số nhà dịch tễ học cho rằng, Trung Quốc đã có được những lợi ích to lớn khi kiên định áp dụng "Zero Covid" - bao gồm các lợi ích sức khỏe cộng đồng, phục hồi kinh tế, việc làm - và giờ chưa phải lúc để thay đổi chiến lược này.
"Chúng ta không thể từ bỏ Zero Covid. Căn cứ vào tình hình đại dịch toàn cầu hiện tại, việc thay đổi các chính sách phòng chống dịch bệnh và dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt sẽ dẫn đến hệ lụy khó lường", một chuyên gia y tế công cộng giấu tên chia sẻ với Hoàn cầu.
Xem xét tình hình chung của hệ thống y tế, việc dỡ bỏ các biện pháp chống dịch đồng nghĩa với gia tăng đột biến về số ca nhiễm. Điều này sẽ giáng đòn mạnh vào hệ thống y tế, và sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, theo vị chuyên gia giấu tên.
Trung Quốc vẫn kiên trì với chiến lược Zero Covid dù các nước phương Tây đã mở cửa trở lại. Ảnh minh họa: Reuters
Một số nhà dịch tễ học Trung Quốc tin rằng, vẫn chưa tới lúc các nước phương Tây nới lỏng các biện pháp hạn chế biên giới. Dù quyết định nới lỏng được đưa ra dựa trên tốc độ tiêm chủng, nhưng các nước này chưa tính tới các yếu tố như mùa đông và biến chủng Delta.
Wang Guangfa, chuyên gia hô hấp tại Bệnh viện số 1 đại học Bắc Kinh, hôm 9/11 chia sẻ với Hoàn cầu: "Các ca mắc Covid-19 sẽ gia tăng vào mùa đông, căn cứ vào những gì đã diễn ra ở mùa đông năm ngoái. Vào mùa này, mọi người thường dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động trong nhà. Ngoài ra, virus SARS-CoV-2 sẽ sống lâu hơn khi ở ngoài trời vào mùa đông, làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh qua tiếp xúc gián tiếp".
Tỷ lệ tiêm chủng ở Mỹ và các nước châu Âu đã ở mức tương đối cao. Đó là lý do khiến các nước này cho phép mở cửa trở lại, theo chuyên gia Wang. Tuy nhiên, vị chuyên gia hô hấp này lưu ý, biến chủng Delta có thể lây lan cực nhanh và tỷ lệ các ca nhiễm đột biến (vẫn mắc Covid-19 dù đã tiêm chủng) là tương đối cao.
Thời báo Hoàn cầu dẫn lời quan chức cấp cao của một cơ quan y tế hàng đầu Trung Quốc cho rằng, Trung Quốc không có ý định thay đổi chiến lược "Zero Covid" ở thời điểm hiện tại, do dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát ở các nước láng giềng và khắp nơi trên thế giới.
Wu Liangyou, phó giám đốc cục Kiểm soát dịch bệnh, thuộc Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC), hồi cuối tuần trước trả lời khi được hỏi liệu Trung Quốc có cân nhắc từ bỏ "Zero Covid" hay không: "Chúng tôi sẽ tiếp tục tuân thủ các biện pháp kiểm soát Covid-19 nghiêm ngặt và xây dựng một hàng rào vững chắc để ngăn các ca nhiễm nhập cảnh và các ca nhiễm cộng đồng".
Chuyên gia Wang nói thêm rằng, Trung Quốc đang đối phó với đợt lây lan Covid-19 mới nhất, đã lan ra nhiều khu vực, nhưng đây vẫn là các ca nhiễm lẻ tẻ.
"Tình hình sẽ tồi tệ hơn nhiều ở Trung Quốc nếu dịch bệnh ở mức tương đương với các nước phương Tây. Tại Trung Quốc, dân số đông và nguồn lực y tế hạn chế khiến nước này không còn lựa chọn nào khác ngoài áp dụng chính sách Zero Covid", chuyên gia Wang nói.
Khi được hỏi về thời điểm tốt nhất để dỡ bỏ các hạn chế ở Trung Quốc, chuyên gia Wang chỉ nói: "Không phải bây giờ". "Các biện pháp chống dịch thường xuyên giúp chúng tôi duy trì các chức năng xã hội và kinh tế. Tuy nhiên, Trung Quốc chưa đủ điều kiện để dỡ bỏ các biện pháp đó hoặc mở cửa biên giới trở lại".
Nguồn: http://danviet.vn/phuong-tay-mo-cua-tro-lai-tq-co-tu-bo-zero-covid-502021101120133615.h... Nguồn: http://danviet.vn/phuong-tay-mo-cua-tro-lai-tq-co-tu-bo-zero-covid-502021101120133615.htm
Châu Âu có thêm gần 2 triệu ca COVID-19 trong một tuần
“Chín trong số 10 bệnh nhân nằm phòng chăm sóc đặc biệt của chúng tôi đã tử vong”, ông Ivan Poromanski, người đứng đầu bệnh viện Pirogov cho biết. Đây là một trong những cơ sở y tế lớn nhất ở thủ đô Sofia của Bulgaria, nơi điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng. Đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có 23% trong số gần 7 triệu người của Bulgaria được tiêm đủ liều, mức thấp nhất trong Liên minh châu Âu (EU).
Ngày 9/11, Bulgaria ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao kỷ lục, với 334 ca chỉ trong 24 giờ. Dữ liệu chính thức cũng cho thấy hơn 8.500 người đang phải nằm viện. Trong đó có 734 người cần được chăm sóc đặc biệt.
Nhiều quốc gia, từ Cộng hòa Séc đến Gruzia, đang phải khổ sở đối phó với số ca mắc mới COVID-19 và số ca nhập viện cao chót vót. Latvia đã phải tăng công suất bệnh viện lên mức cao hơn cả thời kỳ đầu bùng dịch.
Nước láng giềng phía Bắc của Bulgaria, Romania thậm chí đã phải chuyển bệnh nhân nặng đến Đức, Hungary và Ba Lan vì hết giường chăm sóc đặc biệt. Tỷ lệ tiêm chủng đủ liều ở Romania hiện mới chỉ đạt khoảng 34%, thấp thứ hai trong EU. Tháng trước, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cử một nhóm chuyên gia đến Romania để hỗ trợ chính phủ nước này đối phó với COVID-19.
Người dân ngồi nghỉ sau khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 ở Heverlee (Bỉ). Ảnh: AP
Tại Nga, số ca tử vong do COVID-19 chạm mốc kỷ lục 1.211 ca vào ngày 9/11 dù đã kết thúc giai đoạn 9 ngày nghỉ làm trên toàn quốc để hạn chế sự lây lan của virus. Trong suốt giai đoạn này (từ ngày 30/10 đến 7/11), số ca mắc mới COVID-19 hằng ngày vẫn ở mức cao.
Tại Ukraine, số ca mắc mới và tử vong do COVID-19 đều lần lượt chạm mốc kỷ lục với 27.377 ca mắc (ngày 4/11) và 833 ca tử vong (ngày 9/11). Dù hiện Ukraine có sẵn bốn loại vắc xin là Pfizer/BioNTech, Moderna, AstraZeneca và Sinovac, nhưng hiện chỉ có 18% dân số nước này được tiêm chủng đầy đủ.
Ngay cả ở những nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao như Anh hoặc Đức - nơi gần 70% dân số được tiêm chủng đầy đủ - số ca bệnh lại một lần nữa tăng đột biến.
Báo cáo dịch tễ học hàng tuần của WHO công bố ngày 10/11 cho thấy khu vực châu Âu đã ghi nhận thêm 1,9 triệu ca mắc mới COVID-19 trong tuần qua, với hơn 26.700 ca tử vong, tương đương 63% tổng số ca mắc toàn cầu và 55% tổng số ca tử vong.
Theo WHO, số ca mắc mới ở châu Âu đã tăng 7%, trong khi số ca tử vong tăng 10%. Con số này cao hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới: số ca mắc mới tăng 1%, và số ca tử vong giảm 4%. Ngoài châu Âu, chỉ có châu Phi cũng ghi nhận sự gia tăng số ca mắc mới.
Tính từ ngày 1 đến ngày 7/11, các nước ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao nhất thế giới lần lượt là Mỹ (510.968 ca), Nga (281.305 ca), Anh (252.104 ca), Thổ Nhĩ Kỳ (197.335 ca) và Đức (169.483 ca).
Bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật về COVID-19 của WHO cho biết vắc xin đã giúp giảm hiệu quả số ca bệnh nặng và số ca tử vong ở nhiều quốc gia. Nhưng số ca bệnh đang gia tăng khi các chính phủ đang dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang và giữ khoảng cách. Ở bán cầu Bắc, mùa đông đến cũng khiến mọi người tăng cường ở trong không gian kín, tạo điều kiện cho virus lây lan.
Các yếu tố khác cũng đóng vai trò nhất định, bao gồm sự chững lại của chiến dịch tiêm chủng, cũng như việc triển khai chậm trễ các mũi tiêm tăng cường cho nhóm nguy cơ cao.
Bài học từ châu Âu
Để làm chậm tốc độ lây lan của COVID-19, nhiều quốc gia châu Âu đã buộc phải áp dụng trở lại các biện pháp hạn chế sau nhiều tháng mở cửa.
Tại Đan Mạch – nơi tỷ lệ tiêm chủng đủ liều đạt mức cao (khoảng 70%), quy định đeo khẩu trang cùng nhiều lệnh hạn chế khác đã được dỡ bỏ từ tháng 9. Tuy nhiên, do số ca mắc mới đang tăng trở lại (khoảng 2.000 ca/ngày), chính phủ nước này đang xem xét áp dụng yêu cầu xuất trình giấy chứng nhận tiêm chủng hoặc kết quả xét nghiệm âm tính đối với khách đến quán bar, nhà hàng.
Tại Pháp, học sinh tiểu học sẽ bắt đầu phải đeo khẩu trang trở lại từ ngày 15/11, sau khoảng gần một tháng được thoải mái bỏ khẩu trang.
Giám đốc WHO khu vực châu Âu – Hans Kluge mới đây đã cảnh báo các quốc gia khác, đặc biệt là Mỹ, nên chú ý và rút bài học từ châu Âu để sớm đưa ra các biện pháp phù hợp khi làn sóng dịch mới manh nha xuất hiện.
“Nguyên tắc cơ bản là nếu số ca bệnh tăng nhanh trong thời gian ngắn thì đừng chờ đợi. Hãy áp dụng trở lại các biện pháp phòng dịch càng sớm càng tốt, càng chặt chẽ càng tốt”, Kluge nói với CBS News. “Vắc xin là yếu tố thay đổi cuộc chơi. Nhưng chỉ mình vắc xin thì chưa đủ. Chúng ta cần duy trì đeo khẩu trang, rửa tay, giữ cho không gian thông thoáng, đặc biệt là ở các trường học.”
Khi được hỏi về Lễ Tạ ơn và Giáng sinh sắp tới – hai ngày lễ quan trọng nhất năm đối với người Mỹ, Kluge cho rằng người dân có thể tổ chức các sự kiện một cách an toàn, giảm số lượng người tụ tập. Ông cũng đặc biệt lưu ý sự cần thiết của tiêm chủng và thông gió ở các không gian kín.
Nguồn: https://tienphong.vn/chau-au-co-them-gan-2-trieu-ca-covid-19-trong-mot-tuan-post1391984... Nguồn: https://tienphong.vn/chau-au-co-them-gan-2-trieu-ca-covid-19-trong-mot-tuan-post1391984.tpo
Úc: Không tiêm vaccine tăng 16 lần nguy cơ tử vong vì COVID-19
Những người không được tiêm vaccine có nguy cơ phải đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt hoặc tử vong do COVID-19 cao gấp 16 lần so với những người được chích ngừa.
Theo hãng tin Reuters, thông tin trên được đưa ra trong một báo cáo do Cơ quan Y tế bang New South Wales (Úc) công bố vào tối 8-11, trong đó các quan chức khuyến cáo mọi người nên tiêm vaccine khi Úc bắt đầu sống chung với dịch COVID-19.
Ảnh: REUTERS
Báo cáo cho thấy chỉ có 11% trong số 412 người chết tử vong trong đợt bùng phát dịch do biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 kéo dài 4 tháng tính đến đầu tháng 10 đã được tiêm chủng đầy đủ. Tuổi trung bình của những người tử vong nói trên là 82.
Chỉ khoảng 3% số người trong các phòng chăm sóc đặc biệt được tiêm hai liều vaccine, trong khi hơn 63% trong số 61.800 trường hợp được phát hiện từ ngày 16-6 đến ngày 7-10 không được chích ngừa.
“Những người trẻ tuổi được tiêm hai liều vaccine có tỉ lệ nhiễm thấp hơn và hầu như không mắc bệnh nghiêm trọng, trong khi những người không được chích ngừa ở nhóm tuổi này có nguy cơ phát bệnh COVID-19 cao hơn và cần phải nhập viện” - Giám đốc Cơ quan Y tế bang New South Wales Kerry Chant cho biết trong một tuyên bố.
Trong hai tuần cao điểm của đợt bùng phát kết thúc vào ngày 21-9, tỉ lệ người được tiêm chủng đầy đủ phải đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt hoặc tử vong là 0,9/100.000 người, so với tỉ lệ tương ứng 15,6/100.000 ở những người không được tiêm chủng – một khoản chênh lệch cao hơn 16 lần.
Các phát hiện được đưa ra trong báo cáo trên phù hợp với dữ liệu do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ công bố hồi tháng 9, theo đó những người không được tiêm vaccine có nguy cơ tử vong do COVID-19 cao gấp 11 lần so với những người đã được tiêm đầy đủ.
Úc hầu như miễn nhiễm với virus gây dịch COVID-19 trong năm nay cho đến khi một đợt bùng phát của biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao bắt đầu vào tháng 6 dẫn đến việc đóng cửa kéo dài nhiều tháng ở Sydney, Melbourne – các thành phố lớn nhất của Úc – và thủ đô Canberra của nước này.
Nguồn: https://plo.vn/quoc-te/uc-khong-tiem-vaccine-tang-16-lan-nguy-co-tu-vong-vi-covid19-102... Nguồn: https://plo.vn/quoc-te/uc-khong-tiem-vaccine-tang-16-lan-nguy-co-tu-vong-vi-covid19-1026841.html
Số ca tử vong cao chưa từng thấy, Nga chế thuốc trị Covid-19
Cơ quan phòng chống Covid-19 của Nga ngày 10-11 báo cáo 1.211 ca tử vong Covid-19 trong 24 giờ qua. Đây là số ca tử vong hằng ngày cao nhất ở Nga kể từ khi dịch bùng phát. Số ca mắc Covid-19 ở Nga ngày 9-11 là 39.160 ca.
Nước này ghi nhận trung bình khoảng 40.000 ca mắc và hơn 1.100 ca tử vong mỗi ngày kể từ cuối tháng 10.
Nga đang phát triển thuốc chứa kháng thể điều trị Covid-19. Ảnh: Sputnik
Hồi tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh cho nhiều người Nga nghỉ làm trong khoảng thời gian từ ngày 30-10 đến 7-11. Ông ủy quyền cho các chính quyền khu vực gia hạn số ngày không làm việc nếu cần thiết nhưng chỉ có 5 khu vực làm như vậy.
Tuy nhiên, số ca mắc và tử vong do Covid-19 hằng ngày của Nga vẫn ở mức cao trong suốt "tuần lễ không làm việc". Các quan chức Điện Kremlin ngày 8-11 cho rằng còn quá sớm để nói liệu biện pháp này có mang lại hiệu quả hay không.
Sự gia tăng số ca mắc và tử vong ở Nga diễn ra trong bối cảnh tỉ lệ tiêm chủng thấp, người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa một cách lỏng lẻo và chính phủ miễn cưỡng trong việc tăng cường các hạn chế.
Chưa đến 40% trong số gần 146 triệu người dân Nga đã được tiêm chủng Covid-19 đầy đủ cho đến nay.
Theo đài Sputnik, Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học Gamaleya của Nga đang phát triển thuốc có chứa kháng thể để điều trị Covid-19. Giám đốc trung tâm Alexander Gintsburg cho biết sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vào tháng 1 năm sau và hy vọng hoàn thành thử nghiệm lâm sàng trong vòng 3-4 tháng.
Tính đến ngày 10-11, Nga có tổng cộng 8.911.713 ca mắc Covid-19, 250.454 ca tử vong và 7.654.161 trường hợp phục hồi.
Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/so-ca-tu-vong-cao-chua-tung-thay-nga-che-thuoc-tri-c... Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/so-ca-tu-vong-cao-chua-tung-thay-nga-che-thuoc-tri-covid-19-20211110200310628.htm