COVID-19: Thế giới vượt ngưỡng 5 triệu ca tử vong, Trung Quốc bùng phát dịch rộng nhất sau Vũ Hán

Khánh Hằng - Ngày 04/11/2021 14:30 PM (GMT+7)

Tiến sĩ Wafaa El-Sadr, Giám đốc ICAP, một trung tâm y tế tại Đại học Columbia, cho biết: “Điều khác lạ và trớ trêu của COVID-19, là đại dịch này gây ảnh hưởng nặng nề nhất ở các quốc gia có tiềm lực dồi dào".

Hai năm, 5 triệu ca tử vong và những điều trớ trêu của COVID-19

Số ca tử vong do COVID-19 trên toàn cầu đã vượt mốc 5 triệu ca vào ngày 1/11, chưa đầy hai năm sau khi cuộc khủng hoảng y tế bùng phát khiến cả những nước phát triển với hệ thống chăm sóc sức khỏe hàng đầu phải lao đao.

Mỹ, Anh, Brazil và Liên minh châu Âu chỉ chiếm khoảng 1/8 dân số thế giới, nhưng lại là nơi tập trung gần một nửa tổng số ca tử vong do COVID-19 trên toàn cầu. Tính riêng tại Mỹ đã có hơn 745.000 người thiệt mạng, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Tiến sĩ Albert Ko, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại trường Y tế Công cộng (thuộc Đại học Yale) cho biết: “Đây là thời khắc quyết định. Chúng ta phải làm gì để thế giới không ghi nhận thêm 5 triệu ca tử vong nữa?”.

“Cột mốc tàn khốc này nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta đang thất bại trên phần lớn thế giới”, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cho biết trong một tuyên bố bằng văn bản. "Đây là một nỗi hổ thẹn toàn cầu".

Số người chết, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, tương đương dân số của Los Angeles và San Francisco (hai thành phố Mỹ) cộng lại. Con số này sánh ngang với số người thiệt mạng trong cuộc đối đầu giữa các quốc gia kể từ năm 1950, theo ước tính của Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo. Trên toàn cầu, COVID-19 hiện là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ ba, sau bệnh tim và đột quỵ.

Thân nhân viếng mộ một nạn nhân COVID-19 ở Bogota (Colombia). Ảnh: AP

Thân nhân viếng mộ một nạn nhân COVID-19 ở Bogota (Colombia). Ảnh: AP

Tuy nhiên, con số này dường như không phản ánh đúng thực tế. Vì nhiều người mắc COVID-19 thậm chí đã qua đời tại nhà khi chưa được điều trị, đặc biệt là ở những nước nghèo, nơi hệ thống chăm sóc sức khỏe còn hạn chế.

Các điểm nóng COVID-19 đã liên tục thay đổi trong 22 tháng kể từ khi dịch bùng phát ở Trung Quốc. Sau Mỹ, Ấn Độ, biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đang tấn công Nga, Ukraine và các khu vực khác ở Đông Âu, đặc biệt là những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Ở Ukraine, hiện mới chỉ có 17% dân số trưởng thành được tiêm đủ liều vắc xin. Ở Armenia, con số này mới chỉ đạt 7%.

Tiến sĩ Wafaa El-Sadr, Giám đốc ICAP, một trung tâm y tế tại Đại học Columbia, cho biết: “Điều khác lạ và trớ trêu của COVID-19, là đại dịch này gây ảnh hưởng nặng nề nhất ở các quốc gia có nguồn tiềm lực dồi dào".

Theo El-Sadr, các nước giàu có tỷ lệ người già, người khỏi ung thư và người sống tại viện dưỡng lão lớn. Đây đều là những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương bởi COVID-19. Trong khi đó, các nước nghèo có tỷ lệ trẻ em, thanh thiếu niên và thanh niên lớn hơn. Đây là những người dễ hồi phục nếu mắc bệnh.

Sự giàu có cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình tiêm chủng toàn cầu, khi các nước phát triển bị cáo buộc tích trữ vắc xin trong bối cảnh hàng triệu người châu Phi vẫn chưa được tiêm liều vắc xin nào. Châu Phi hiện vẫn là khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất trên thế giới, với chỉ 5% dân số 1,3 tỷ người được tiêm đủ liều.

Tại Kampala (Uganda), Cissy Kagaba – một nhà hoạt động chống tham nhũng - đã mất đi người mẹ 62 tuổi vào ngày Giáng sinh năm 2020 và người cha 76 tuổi sau đó vài ngày. “Giáng sinh sẽ không bao giờ được như xưa nữa”, Kagaba đau lòng nói.

“Còn ai nữa đâu? Giờ trách nhiệm nằm trên vai tôi. COVID đã thay đổi cuộc đời tôi”, Reena Kesarwani (32 tuổi), một bà mẹ của hai cậu con trai ở Ấn Độ cho biết. Chồng cô - Anand Babu Kesarwani - qua đời ở tuổi 38 trong đợt bùng phát COVID-19 hồi đầu năm nay.

Reena Kesarwani cầm di ảnh chồng với ánh mắt vô hồn. Ảnh: AP

Reena Kesarwani cầm di ảnh chồng với ánh mắt vô hồn. Ảnh: AP

Ở Lake (Florida, Mỹ), LaTasha Graham (38 tuổi) hằng ngày vẫn nhận được thư gửi đến đứa con gái 17 tuổi của cô, Jo’Keria.

Jo’Keria đã qua đời vì COVID-19 vào tháng 8, vài ngày trước khi bắt đầu năm cuối trung học. Cô gái trẻ được yên nghỉ trong bộ trang phục tốt nghiệp, khi chưa kịp thực hiện ước mơ trở thành bác sĩ.

“Tôi biết rằng con gái mình sẽ làm được. Nếu con bé còn sống, tôi chắc chắn rằng con bé sẽ đạt được tất cả những gì mà nó mong muốn”, Graham nói.

Nguồn:

https://tienphong.vn/hai-nam-5-trieu-ca-tu-vong-va-nhung-dieu-tro-treu-cua-covid-19-post1389862.tpo

Trung Quốc bùng phát đợt dịch lan rộng nhất sau Vũ Hán

Tổng cộng, 19 tỉnh của Trung Quốc đã ghi nhận hơn 630 ca mắc COVID-19 tính từ ngày 17/10, khi một đôi vợ chồng người Thượng Hải nhận kết quả dương tính và trở thành những ca bệnh đầu tiên trong đợt bùng phát mới nhất.

Hãng tin Bloomberg cho biết đây là đợt dịch lan rộng nhất ở Trung Quốc từ sau đợt bùng phát từ thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) hồi cuối năm 2019.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc ngày 3/11 thông báo nước này ghi nhận thêm 93 ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng, tăng mạnh so với con số 54 ca của một ngày trước đó.

Trong số những ca mắc mới, có tới 35 ca ở tỉnh Hắc Long Giang, cao hơn bất kỳ tỉnh, thành phố và khu tự trị nào khác. Tất cả các ca bệnh này đều tập trung ở thành phố Hắc Hà (giáp biên giới với Nga). Tỉnh Hà Bắc và Cam Túc cùng đứng thứ hai với 14 ca. Bắc Kinh đứng thứ ba với 9 ca mắc mới – mức tăng cao nhất ở thủ đô trong năm nay.

Nhân viên an ninh mặc đồ bảo hộ đi kiểm tra tình hình phòng dịch tại một khu dân cư ở Bắc Kinh ngày 2/11. Ảnh: IC

Nhân viên an ninh mặc đồ bảo hộ đi kiểm tra tình hình phòng dịch tại một khu dân cư ở Bắc Kinh ngày 2/11. Ảnh: IC

Tại thủ đô Bắc Kinh, thiết bị kiểm tra thân nhiệt đã được lắp đặt tại lối vào các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, rạp chiếu phim và ga tàu điện ngầm… Chính quyền Bắc Kinh cũng liên tục yêu cầu người dân hạn chế rời khỏi thành phố, hoãn đám cưới, tổ chức tang lễ đơn giản và cắt giảm tất cả các hoạt động tụ tập không cần thiết.

60,4% số chuyến bay đến và đi từ sân bay Đại Hưng Bắc Kinh ngày 3/11 đã bị hủy. Tại sân bay Quốc tế thủ đô Bắc Kinh, số chuyến bay bị hủy là khoảng gần 50%. Hãng hàng không Air China đang cho phép người dân hủy vé máy bay đến và đi từ Bắc Kinh không mất phí.

Tại Trùng Khánh, chính quyền thành phố đã quyết định tiến hành xét nghiệm hàng loạt ngay trong đêm vì ghi nhận 4 ca mắc mới COVID-19 ngày 2/11. Các nhà chức trách địa phương đặt mục tiêu hành động trong “24 giờ vàng” sau khi phát hiện ca dương tính đầu tiên.

Tại thành phố Thạch Gia Trang, thủ phủ tỉnh Hà Bắc (miền Bắc Trung Quốc), 3 quan chức đã bị sa thải ngày 3/11 vì thiếu trách nhiệm, để dịch bệnh bùng phát. Trước đó, cũng trong đợt bùng phát này, 10 quan chức ở nhiều địa phương khác của Trung Quốc đã bị cách chức với lý do tương tự.

Trong bài phát biểu trên truyền hình, Zhong Nanshan - một chuyên gia về bệnh hô hấp, người đã giúp hình thành chiến lược COVID-19 của Trung Quốc vào đầu năm 2020 - cho biết chính sách “không COVID” có thể sẽ được Bắc Kinh duy trì trong một thời gian dài. “Việc chính sách này tồn tại bao lâu sẽ tùy thuộc vào tình hình kiểm soát dịch trên toàn thế giới”, ông Zhong nói. Chuyên gia Trung Quốc cũng dự đoán nước này sẽ đạt miễn dịch cộng đồng vào nửa đầu năm 2022.

Nguồn:

https://tienphong.vn/trung-quoc-bung-phat-dot-dich-lan-rong-nhat-sau-vu-han-post1390164.tpo

Hàn Quốc: Gần 25% số ca mắc mới COVID-19 thuộc trẻ vị thành niên

Sự gia tăng số trẻ em, trẻ vị thành niên và thanh thiếu niên mắc COVID-19 được ghi nhận khi chính quyền Hàn Quốc bắt đầu nới lỏng một số biện pháp hạn chế để bắt đầu “sống chung với dịch bệnh” từ ngày 1/11.

Hàn Quốc đã tiêm đủ liều vắc xin cho gần 90% dân số trưởng thành, nhưng chỉ mới bắt đầu tiêm chủng cho trẻ em, trẻ vị thành niên từ 12 đến 17 tuổi trong những tuần gần đây bằng vắc xin Pfizer/BioNTech. Đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ tiêm đủ liều vắc xin ở nhóm trẻ em trên 12 tuổi mới đạt 0,6%.

Bộ trưởng Nội vụ Jeon Hae-cheol cho biết chính quyền Hàn Quốc đang quan ngại về khả năng bùng phát những ổ dịch mới liên quan đến các cơ sở giáo dục như trường học, trung tâm dạy thêm…

“Chính phủ sẽ tăng cường xét nghiệm PCR tại các trường học ở Seoul và những khu vực lân cận, đồng thời huy động thêm nhân viên phòng dịch ở những trường học quá đông đúc”, Bộ trưởng Jeon cho biết.

Ảnh minh họa: Yonhap

Ảnh minh họa: Yonhap

Hàn Quốc có kế hoạch mở cửa trở lại hoàn toàn các trường học trên toàn quốc từ ngày 22/11.

Ngày 3/11, Hàn Quốc ghi nhận tổng cộng 2.667 ca mắc COVID-19 mới, cao hơn khoảng 1.000 ca so với một ngày trước đó.

Đáng chú ý, trong số hơn 2.600 ca bệnh mới, có tới 70% là những người chưa tiêm chủng, và 24% là những người ở lứa tuổi vị thành niên.

Son Young-rae, một quan chức cấp cao của Bộ Y tế, cho biết: “Các thanh thiếu niên dành nhiều thời gian ở những nơi đông người như trường học, trung tâm dạy thêm. Họ cũng tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Do đó, chúng tôi tin rằng số ca bệnh bắt nguồn từ đối tượng thuộc trẻ vị thành niên sẽ tiếp tục tăng”.

Theo Reuters, số ca trở nặng trong nhóm các bệnh nhân lứa tuổi thanh thiếu niên ở Hàn Quốc không cao. Hiện, chỉ có một bệnh nhân là thanh thiếu niên trên tổng số 378 bệnh nhân COVID-19 nặng đang được điều trị tại bệnh viện.

Tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở Hàn Quốc cũng tương đối thấp, chỉ 0,78%.

Nguồn:

https://tienphong.vn/han-quoc-gan-25-so-ca-mac-moi-covid-19-thuoc-tre-vi-thanh-nien-post1390109.tpo

Một quốc gia Đông Nam Á chính thức mở cửa trở lại

Theo Reuters, thủ tướng Campuchia Hun Sen tuyên bố nước này chính thức mở cửa trở lại và sẵn sàng cho một cách sống mới kể từ ngày 1/11. Campuchia đã vượt chỉ tiêu tiêm chủng vắc xin Covid-19 và được ghi nhận là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất châu Á.

Một phụ nữ được tiêm chủng vắc xin Covid-19 ở Campuchia. Ảnh: KT

Một phụ nữ được tiêm chủng vắc xin Covid-19 ở Campuchia. Ảnh: KT

Theo dữ liệu, 86% trong tổng số hơn 16 triệu dân của Campuchia đã được tiêm ít nhất một mũi vắc xin Covid-19. Quốc gia Đông Nam Á này cũng đã tiêm nhắc lại 2 triệu mũi vắc xin Covid-19. Dự tính chỉ riêng trong ngày 1/11, khoảng 300.000 trẻ em 5 tuổi ở Campuchia sẽ được tiêm chủng vắc xin Covid-19.  

Ông Hun Sen nói rằng, đã tới lúc hòa nhập trở lại với cuộc sống như trước đây.

"Từ 1/11, Campuchia mở cửa trở lại toàn bộ đất nước và sống chung với Covid-19 theo cách sống mới", Thủ tướng Campuchia nói. 

 Campuchia ghi nhận hơn 118.500 ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 2.780 ca tử vong vì Covid-19 - phần lớn là trong năm nay. Quốc gia Đông Nam Á này được ca ngợi vì có những thành công ban đầu trong việc tiêm chủng vắc xin Covid-19, theo Reuters. 

Ông Hun Sen cho biết, chính phủ Campuchia đã cung cấp 10 triệu mũi vắc xin Covid-19 để tiêm nhắc lại. Nhiều mũi tiêm khác sẽ được cung cấp để phục vụ tiêm nhắc lại. 

Campuchia đã mở cửa trở lại các nhà hát và bảo tàng cuối tuần qua, trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 suy giảm. Vào cuối tháng 11, nước này dự tính mở cửa trở lại 3 điểm du lịch cho các du khách đã tiêm chủng đầy đủ. Du khách đã tiêm chủng đầy đủ sẽ chỉ phải cách ly 5 ngày ở tỉnh Sihanoukville, Koh Rong và Koh Kong. 

Nguồn:

https://danviet.vn/quoc-gia-dong-nam-a-chinh-thuc-mo-cua-tro-lai-50202111115443718.htm

Bất ngờ với quốc gia vừa ghi nhận ca Covid-19 đầu tiên

Hôm qua (29/10), Tonga, một quốc đảo ở Tây Nam Thái Bình Dương, mới ghi nhận ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên. Ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên được xác nhận tại Tonga là một hành khách người New Zealand.

Ngày 29/10, Thủ tướng Tonga Pohiva Tu'i'onetoa đích thân thông báo về ca nhiễm này qua bài phát biểu trên đài phát thanh. Theo ông Pohiva Tu'i'onetoa, vị khách dương tính với Covid-19 nằm trong số 215 hành khách từ thành phố Christchurch (New Zealand) tới nước này hôm 27/10 qua đường hàng không và đã được cách ly ngay tại khách sạn.

Theo trang tin Matangi Tonga, Thủ tướng Pohiva Tu'i'onetoa dự định sẽ thông báo về khả năng giới nghiêm (nếu cần) vào ngày 1/11 tới.

Ca nhiễm mới đặt ra thách thức rất lớn với quốc đảo Tonga vì hệ thống y tế của nước này còn yếu kém.

Tonga đã duy trì được sự yên bình, không có Covid-19 trong suốt gần 2 năm qua

Tonga đã duy trì được sự yên bình, không có Covid-19 trong suốt gần 2 năm qua

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Tonga Siale 'Akau'ola, chuyến bay chở 215 hành khách New Zealand đã rời TP. Christchurch trước khi có thông tin bùng phát ca nhiễm mới trong cộng đồng tại đây.

Tất cả nhân viên tuyến đầu bao gồm nhân viên y tế, cảnh sát, nhân viên sân bay làm nhiệm vụ đón đoàn khách New Zealand đó đã được đưa đi cách ly.

Về phía New Zealand, giới chức y tế nước này cho biết, tất cả hành khách tới Tonga đều đã được tiêm phòng vaccine Pfizer đầy đủ, có kết qủa xét nghiệm âm tính trước khi lên máy bay.

Giới chức New Zealand khẳng định sẽ làm việc với đối tác tại Tonga để xác nhận tình trạng ca nhiễm và cung cấp thêm thông tin trong thời gian tới.

Tonga nằm ở phía Đông Bắc New Zealand, là quốc đảo có 106.000 người sinh sống. Hiện đã có 31% người Tonga tiêm đủ 2 mũi và 48% người đã tiêm ít nhất 1 mũi, theo nhóm nghiên cứu Our World in Data.

Tonga từng là một trong số rất ít những quốc gia trên thế giới “sạch bóng Covid-19” dù trận đại dịch kinh hoàng đã hoành hành khắp thế giới gần 2 năm. Cũng như nhiều nước láng giềng, Tonga đã thực hiện các biện pháp đóng cửa biên giới, áp quy định đi lại từ nước ngoài vào Tonga rất chặt, hạn chế các hoạt động xã hội đông người,… để phòng dịch.

Nguồn:

https://www.baogiaothong.vn/bat-ngo-voi-quoc-gia-vua-ghi-nhan-ca-covid-19-dau-tien-d530465.html

Cuộc sống tại thủ đô Italy gần như đã trở về thời trước đại dịch COVID-19?

Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2021 đã được lên kế hoạch diễn ra vào 2 ngày 30 và 31/10 tại thủ đô Rome của Italy. Sau gần 2 năm hứng chịu những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu, hội nghị này được kỳ vọng sẽ đạt được các thoả thuận tích cực trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh.

Được biết, trong đợt bùng phát dịch đầu tiên trên toàn thế giới, Italy từng là một trong những tâm dịch COVID-19 ở châu Âu với tỷ lệ ca mắc và tử vong cao hàng đầu. Khi ấy, Italy đã phải áp đặt các lệnh giãn cách xã hội nghiêm ngặt, làm nhiều cách để ngăn chặn dịch bệnh và giảm bớt gánh nặng cho ngành y tế.

Tuy nhiên, trở lại thủ đô Rome của Italy để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G20 ngày 26/10, phóng viên Linette Lai của Straits Times chia sẻ cuộc sống tại đây gần như đã trở lại trước thời đại dịch xuất hiện.

Sân bay Fiumicino của Rome đã hoạt động trở lại sau khi nới lỏng hạn chế. Ảnh: Straits Times

Sân bay Fiumicino của Rome đã hoạt động trở lại sau khi nới lỏng hạn chế. Ảnh: Straits Times

Cụ thể, phóng viên Linette Lai cho biết trước khi lên đường tới Rome, cô đã có nhiều câu hỏi và lo lắng về giấy tờ cần chuẩn bị để được nhập cảnh vào Italy trong thời đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, cô viết: "Hóa ra, tôi không cần phải lo lắng. Khi tôi đến sân bay Fiumicino của Rome vào sáng 26/10 cùng với đồng nghiệp của tôi, phóng viên ảnh Lim Yaohui, không ai yêu cầu chúng tôi xuất trình chứng nhận tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 hoặc xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2".

Linette cho biết cô chỉ đơn giản phải đi lấy hành lý, đi qua cảnh cửa và tới sảnh sân bay, được chào đón bởi các tài xế taxi. Cô Linette Lai bình luận: "Nếu không phải mọi người đang đeo khẩu trang, mọi thứ đã hoàn toàn giống với thời kỳ trước đại dịch". 

Đặc biệt, phóng viên Straits Times cho biết khi cô đặt chân tới Rome, cô đã bị choáng ngợp bởi cuộc sống sôi động tại thủ đô Italy. Theo miêu tả của cô, người dân tại Rome hoàn toàn thoải mái khi chung sống với dịch bệnh. Trong khi các hạn chế vẫn được áp đặt tại những vùng có nguy cơ dịch cao, tuy nhiên, trạng thái bình thường đã trở lại ở những khu vực khác.

Cuộc sống tại thủ đô Rome của Italy gần như đã trở lại thời kỳ trước đại dịch COVID-19. Ảnh: Straits Times

Cuộc sống tại thủ đô Rome của Italy gần như đã trở lại thời kỳ trước đại dịch COVID-19. Ảnh: Straits Times

Tại Rome, trong số 10 người hiện chỉ còn 1 người vẫn đeo khẩu trang ra đường bởi khẩu trang không còn là quy định bắt buộc. Các quán cà phê cũng được mở lại trên các vỉa hè với lượng khách hàng đông đúc, không ai còn quá bận tâm tới việc phải giữ khoảng cách như thời dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng. 

Dù vậy, vẫn có những dấu hiệu cho thấy sự đề phòng đối với đại dịch COVID-19 ở Rome. Trong đó, các điểm du lịch được mở cửa theo một cách thận trọng. Cụ thể, một số điểm du lịch yêu cầu du khách phải có "thẻ xanh" dành cho công dân Liên minh châu Âu. Đối với những du khách từ nơi khác đến, chứng nhận tiêm chủng của họ có thể không được chấp nhận và họ sẽ cần đi xét nghiệm COVID-19 bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên.

Các quán cà phê bên vỉa hè ở Rome đông đúc khách, không ai còn bận tâm tới việc phải giữ khoảng cách như thời đại dịch. Ảnh: Straits Times

Các quán cà phê bên vỉa hè ở Rome đông đúc khách, không ai còn bận tâm tới việc phải giữ khoảng cách như thời đại dịch. Ảnh: Straits Times 

Tại khách sạn, các nhân viên cũng thường xuyên đo nhiệt độ cho khách mỗi khi ra vào. Bữa sáng đối với khách được sắp xếp xen kẽ nhau để đảm bảo không có quá nhiều người bên trong nhà hàng. Ở sân bay, hành khách cũng được yêu cầu giữ khoảng cách khoảng 3 bậc thang khi di chuyển bằng thang cuốn và hành lý của họ được phun khử khuẩn để đảm bảo phòng dịch. 

Tuy nhiên, nhiều nơi vẫn thận trọng đề phòng sự bùng phát trở lại của COVID-19. Ảnh: Straits Times

Tuy nhiên, nhiều nơi vẫn thận trọng đề phòng sự bùng phát trở lại của COVID-19. Ảnh: Straits Times 

Phóng viên Linette cho biết trên đường từ sân bay tới khách sạn, cô đã đặt câu hỏi với tài xế taxi của mình về thái độ của người Italy đối với dịch bệnh hiện nay và liệu họ có cảm thấy lo sợ hay không. Đáp lại, người tài xế này chia sẻ: "Theo tôi thì mọi thứ là 50-50. Bản thân tôi cũng vậy, tôi đã được tiêm phòng đầy đủ. Vậy nên tôi biết rằng ngay cả khi mình mắc bệnh, tình hình cũng sẽ không quá nghiêm trọng".

Nguồn:

https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cuoc-song-tai-thu-do-italy-gan-nhu-da-tro-ve-thoi-truoc-dai-dich-covid-19-a517619.html

WHO cảnh báo 'sẽ có loại virus mới xuất hiện mà thế giới không ngăn chặn nổi'

Phát biểu tại cuộc họp của các bộ trưởng tài chính và y tế G20, ông Ghebreyesus cho biết: “Về mặt sinh học, chắc chắn rằng vào một thời điểm nào đó, sẽ có một loại virus mới xuất hiện mà chúng ta không thể ngăn chặn được.”

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: Reuters

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: Reuters

Người đứng đầu WHO kêu gọi cộng đồng quốc tế rút kinh nghiệm từ đại dịch COVID-19 để chuẩn bị đối phó với những đại dịch khác trong tương lai.

Theo ông Ghebreyesus, thế giới cần một WHO “được củng cố, trao quyền và tài trợ bền vững”, nói cách khác, là có một cơ chế tài chính mới để WHO có thể nhanh chóng ứng phó với đại dịch.

Để đạt được mục tiêu này, ông Ghebreyesus kêu gọi các quốc gia ủng hộ việc thành lập Hội đồng Tài trợ Ứng phó với các mối đe doạ y tế, và ký kết một thoả thuận quốc tế có tính ràng buộc về việc chuẩn bị và ứng phó với đại dịch.

Đến thời điểm hiện tại, thế giới đã ghi nhận tổng cộng gần 247 triệu ca mắc COVID-19, với hơn 5 triệu ca tử vong.

Nguồn:

https://tienphong.vn/who-canh-bao-se-co-loai-virus-moi-xuat-hien-ma-the-gioi-khong-ngan-chan-noi-post1389083.tpo

Thần đồng tiên tri Ấn Độ đưa ra dự đoán mới: 7 cuộc khủng hoảng ập đến, đỉnh điểm 10/12
Thần đồng tiên tri người Ấn Độ tin rằng thế giới sắp phải đối mặt với 7 cuộc khủng hoảng nghiêm trọng liên quan đến nhiều vấn đề khác nhau.

Chuyện lạ thế giới

Khánh Hằng (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19