COVID-19 15/3: Thêm 2.000 F0/ngày, địa phương cho học sinh mầm non, tiểu học nghỉ học

K.T - Ngày 15/03/2022 12:14 PM (GMT+7)

Dịch COVID-19 tại Hà Nam đang tiếp tục diễn biến phức tạp với liên tiếp 9 ngày có trên 2.000 ca mắc mới/ngày. Cùng với các biện pháp phòng chống dịch khẩn cấp, tỉnh Hà Nam quyết định tiếp tục cho học sinh từ mầm non đến lớp 6 nghỉ học trực tiếp.

8 diễn biến

Thêm 2.000 F0/ngày, Hà Nam cho học sinh mầm non, tiểu học nghỉ học

Báo cáo của Ban chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Hà Nam cho biết, diễn biến dịch tại tỉnh này tiếp tục phức tạp với số ca mắc mới mỗi ngày lên tới trên 2.000 ca.

Cụ thể, ngày 14/3, tỉnh Hà Nam tiếp tục có 2.295 trường hợp mắc COVID-19 mới, tạo thành chuỗi 9 ngày liên tiếp có trên 2.000 ca mắc mới/ngày (từ 6/3 đến 13/3, mỗi ngày tỉnh Hà Nam có từ trên 2.300 đến 2.400 ca mắc mới).

Ông Trần Xuân Dưỡng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết, trước diễn biến dịch phức tạp như trên, tỉnh này đã triển khai các biện pháp nâng mức phòng chống dịch.

Tỉnh Hà Nam cũng quyết định tiếp tục cho học sinh từ lớp 6 trở xuống được nghỉ học trực tiếp.

Học sinh từ mầm non đến lớp 6 tại Hà Nam sẽ tiếp tục nghỉ học để phòng chống dịch - Ảnh: NT

Học sinh từ mầm non đến lớp 6 tại Hà Nam sẽ tiếp tục nghỉ học để phòng chống dịch - Ảnh: NT

Theo đó, trẻ mầm non, học sinh tiểu học, học sinh lớp 6 các cơ sở giáo dục tiếp tục được nghỉ học trực tiếp tại trường trong thời gian từ nay đến hết ngày 31/3/2022 nhằm giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh trong trường học.

Trong đó, học sinh tiểu học, học sinh lớp 6 tiếp tục chuyển sang hình thức học trực tuyến ở nhà.

Trước đó, vào cuối tháng 2, khi dịch COVID-19 tại Hà Nam có dấu hiệu gia tăng, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Nam Lê Thị Thuỷ đã chỉ đạo cho số học sinh trên nghỉ học từ ngày 22/2.

Liên quan đến dịch COVID-19 tại Hà Nam, cũng theo ông Dưỡng, tỉnh Hà Nam đang dần tiếp cận được các mục tiêu về tiêm phòng vắc xin COVID-19.

Theo thống kê, kết quả tiêm vắc xin COVID-19 của tỉnh Hà Nam tính đến 12 giờ ngày 14/3/2022 đã đạt 1.857.594 mũi.

Trong đó, tiêm cho người trên 18 tuổi là 1.716.918 mũi (mũi 1: 609.040 chiếm 99,48%; mũi 2: 586.430 chiếm 95,79%; mũi 3: 521.448 chiếm 85,17%).

Đối tượng trên 65 tuổi tiêm đủ 2 mũi vắc xin đạt 82.711/ 84.694 người, đạt tỷ lệ 97,65%.

Đối tượng trên 50 tuổi tiêm đủ 2 mũi vắc xin là 237.948/ 246.716 người, đạt tỷ lệ 96,44%.

Đối tượng từ 12-14 tuổi tiêm được 76.117 mũi (mũi 1 tiêm được 38.515/ 39.210, đạt tỷ lệ 98,23%; Mũi 2 tiêm được 37.602/ 39.210, đạt tỷ lệ 95.89%).

Đối tượng từ 15-17 tuổi tiêm được 64.559 mũi (mũi 1: 32.923/ 33.048 người, đạt tỷ lệ 99,60%; Mũi 2: 31.636/ 33.048 người, đạt tỷ lệ 95,72%).

Nguồn: https://tienphong.vn/them-2-000-f0-ngay-ha-nam-cho-hoc-sinh-mam-non-tieu-hoc-nghi-hoc-p...

Hậu COVID-19, hiểu để không hoang mang

Theo PGS. TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cần hiểu về tác động của COVID-19 gây ra để không hoang mang.

PGS Khuê thông tin, theo ghi nhận thực tế của các bác sĩ, hầu hết những biến chứng hậu COVID-19 không gây nguy hiểm hay tử vong, mà chủ yếu ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của người bệnh.

“Bộ Y tế cũng đã có những bước chuẩn bị cho sự xuất hiện của hội chứng hậu COVID-19 từ trước đó. Cụ thể, chiến lược của Bộ Y tế là các bệnh viện hoạt động bình thường, và bệnh nhân COVID-19 mắc bệnh nền thuộc chuyên khoa nào thì sẽ được điều trị tại bệnh viện chuyên khoa đó”, ông Khuê nói.

Bác sĩ BV Thanh Nhàn kiểm tra phim chụp phổi của bệnh nhân COVID-19.

Bác sĩ BV Thanh Nhàn kiểm tra phim chụp phổi của bệnh nhân COVID-19.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết tại Bệnh viện Bạch Mai, 50-60% những bệnh nhân sau mắc COVID-19 với triệu chứng hô hấp kéo dài đến khám được chụp X-quang hoặc chụp cắt lớp vi tính lồng ngực thấy có tổn thương; sốt nhẹ, khó thở, mệt mỏi, đau cơ, khớp, rụng tóc, xơ phổi, tim đập nhanh hoặc đánh trống ngực, rối loạn nội tiết, huyết học bị huyết khối…

“Có trường hợp xuất hiện rối loạn tiêu hóa: ăn không ngon miệng, chán ăn, đau dạ dày, tiêu chảy; buồn nôn, nôn, đau thượng vị; rối loạn vị giác hoặc khứu giác, phát ban. Các triệu chứng về tâm thần như: rối loạn tâm lí, giảm sự tập trung, lo âu, trầm cảm, bồn chồn, rối loạn giấc ngủ, mau quên, không tập trung. Một số người xuất hiện tình trạng não sương mù, nhận thức kém, đọc chậm, giảm trí nhớ ngắn hạn, thay đổi tâm trạng”, TS Khuê thông tin.

Ông đồng thời cảnh báo, không ít trường hợp bác sĩ hẹn khám lại nhưng không tới khám, trong khi đó lại uống thuốc không rõ nguồn gốc trên mạng khiến tình trạng sức khỏe càng thêm yếu hơn.

Không giống một số hội chứng hậu bệnh lý khác có xu hướng chỉ xảy ra ở những người đã bị bệnh nặng, hậu COVID-19 có thể xảy ra với bất kỳ người nào đã mắc COVID-19, ngay cả khi bị bệnh nhẹ, Cục trưởng Khuê cho biết thêm.

Đáng chú ý, những người mắc COVID-19 nhưng không có triệu chứng vẫn có thể bị hậu COVID-19 và nó có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em. Tại các bệnh viện, F0 nặng/nguy kịch, có bệnh nền thì các vấn đề về hậu COVID-19 sẽ nhiều và trầm trọng hơn.

Người có bệnh nền, người mắc COVID-19 trở nặng, nguy kịch, người cao tuổi cần đi khám hậu COVID-19.

Nguồn: https://tienphong.vn/hau-covid-19-hieu-de-khong-hoang-mang-post1423115.tpo

Đà Nẵng huy động bác sĩ, nhân viên y tế tư vấn cho F0 qua tổng đài

Từ hôm nay (15/3) người nhiễm COVID-19 tại Đà Nẵng có thể gọi đến Tổng đài chăm sóc, tư vấn cho người nhiễm COVID-19 tại Đà Nẵng qua đầu số (0236) 3931022 để được tư vấn, hỗ trợ.

Trường hợp cần hỗ trợ tư vấn chung, người dân bấm phím 1, hỗ trợ chuyên khoa Nhi bấm phím 2, chuyên khoa Sản bấm phím 3, chuyên khoa Tâm thần bấm phím 4.

Người dân gọi đến tổng đài sẽ gặp được các bác sĩ, nhân viên y tế do Sở Y tế Đà Nẵng huy động từ các Trung tâm Y tế, Hội Thầy thuốc trẻ thành phố, các bệnh viện chuyên khoa … và được tư vấn, hướng dẫn về y tế.

Trường hợp tất cả bác sĩ, nhân viên y tế đều bận, cuộc gọi tự động đổ về nhân viên Tổng đài 1022 trực dự phòng, ghi nhận thông tin để hỗ trợ sau.

Các bác sĩ, nhân viên y tế sẽ trực, nhận cuộc gọi từ 07h30 đến 22h30 các ngày trong tuần.

Hiện Đà Nẵng có hơn 95% ca nhiễm COVID-19 điều trị tại nhà. Mỗi trạm y tế, trạm y tế lưu động tại các phường trên địa bàn quản lý khoảng 3.000 - 5.000 F0. Việc được tư vấn qua Tổng đài sẽ hỗ trợ tích cực cho các F0 trong quá trình điều trị cũng như giảm tải cho các trạm.

Nguồn: https://tienphong.vn/da-nang-huy-dong-bac-si-nhan-vien-y-te-tu-van-cho-f0-qua-tong-dai-...

Sẵn sàng tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi và lập phương án tiêm mũi 4

Thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19  đến sáng 15-3, tổng số liều vắc-xin COVID-19  đã tiêm ở nước ta là gần 200,5 triệu liều vắc-xin. Trong đó, số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là hơn gần 183,4 triệu liều và số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là hơn 17 triệu liều.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, hiện ngành y tế đang lên phương án tiêm vắc-xin COVID-19  (về nhân lực, cơ sở hạ tầng) để sẵn sàng tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi và kể cả phương án tiêm vắc-xin mũi thứ 4 đối với người có bệnh nền và một số đối tượng cần bảo vệ.

Tiêm vắc-xin COVID-19  cho học sinh. Ảnh: Hoàng Triều

Tiêm vắc-xin COVID-19  cho học sinh. Ảnh: Hoàng Triều

"Hiện Bộ Y tế đang giao cho các cơ quan chuyên môn, hội đồng khoa học, các chuyên gia để đánh giá, nghiên cứu một cách thận trọng, kỹ lưỡng, khoa học, hiệu quả để phù hợp với từng giai đoạn. Bộ Y tế sẽ phân tích các yếu tố nguy cơ về những lợi ích và rủi ro để từ đó triển khai tiêm cho những đối tượng này"- Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, chiến dịch tiêm vắc-xin COVID-19  lớn nhất đã triển khai thành công với hơn 200 triệu liều vắc-xin, trong đó tỉ lệ bao phủ tiêm vắc-xin hiện nay thuộc những nước hàng đầu trên thế giới và đã về đích sớm hơn so với mục tiêu khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Trong chiến dịch này, Việt Nam đã nhận được hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ, nhân dân các nước và các tổ chức quốc tế như UNICEF, WHO qua cơ chế phân bổ vắc-xin quốc tế COVAX. Từ lô vắc-xin đầu tiên từ COVAX vào ngày 1-4-2021 với hơn 800.000 liều, đến nay COVAX đã hỗ trợ Việt Nam hơn 53 triệu liều.

Cùng với viện trợ song phương, Việt Nam cũng đã nhận được 29,5 triệu liều, nâng tổng số viện trợ qua COVAX và kênh song phương là gần 83 triệu liều, chiếm gần 40% trong tổng số 217 triệu liều vắc-xin mà Việt Nam nhận được tính đến thời điểm này.

Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/san-sang-tiem-vac-xin-covid-19-cho-tre-tu-5-11-tuoi-va-lap-...

Nếu thiếu vắc xin để xảy ra hậu quả, Bộ trưởng Y tế phải chịu trách nhiệm

Cụ thể, xét kiến nghị của Bộ Y tế về việc trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt "Kế hoạch sử dụng vắc xin phòng COVID-19 năm 2022", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế tập trung chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương “thần tốc” hơn nữa công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên và dứt khoát không để chậm trễ việc mua, tổ chức tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 64/CĐ-TTg và các văn bản có liên quan.

Theo dõi sát tình hình, khuyến nghị, kinh nghiệm quốc tế việc tiêm mũi 4 như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tại nhiều phiên họp, sự kiện để sớm chủ động xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề vượt thẩm quyền.

Nếu thiếu vắc xin để xảy ra hậu quả, Bộ trưởng Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, tại văn bản số 1487, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương thực hiện chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 14/NQ-CP của Chính phủ về việc mua vắc xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi; kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý các tổ chức, cá nhân để chậm trễ theo đúng quy định.

Tại Nghị quyết số 14/NQ-CP, Chính phủ quyết nghị đồng ý việc Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật đấu thầu đối với việc mua 21,9 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Nguồn: https://tienphong.vn/neu-thieu-vac-xin-de-xay-ra-hau-qua-bo-truong-y-te-phai-chiu-trach...

Tp.HCM: Phối hợp đảm bảo sức khỏe cho trẻ em khi đi học trực tiếp

Phát biểu tại buổi họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19  ngày 14/3, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Tp.HCM đã chia sẻ nhiều thông tin liên quan đến tình hình đi học của học sinh.

Đề cập đến tình hình số ca F0 tăng nhanh trong trường học khiến phụ huynh lo lắng, ông Minh cho biết toàn ngành giáo dục, y tế và hệ thống quản lý của Tp.HCM đã nỗ lực đưa học sinh quay trở lại trường. Đặc biệt, các cơ sở y tế địa phương đã hỗ trợ trường học rất nhiều trong việc phát hiện, xử lý, xác định F0, F1.

“Hiện nay các trường ở Tp.HCM vẫn đang duy trì 2 hình thức dạy học song song trực tuyến và trực tiếp. Những học sinh thuộc diện F0, F1 sẽ được sắp xếp học trực tuyến riêng, để đảm bảo quyền lợi cho các em”, ông Minh nói.

Tính từ 14/2 đến nay, học sinh từ lớp 1 - 6 đến trường học trực tiếp đã được 1 tháng theo quyết định của UBND Tp.HCM.

Việc đi học lại của nhóm học sinh này hoàn toàn dựa trên tinh thần tự nguyện và các em có thể đăng ký học trực tiếp tại trường hoặc đăng ký trực tuyến tại nhà, ngay cả những học sinh không thuộc diện F0, F1. Do vậy, trước mắt việc học sẽ tiếp tục duy trì cả 2 hình thức như hiện nay, phụ huynh và học sinh có quyền được lựa chọn phương án tốt nhất cho mình.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế Tp.HCM cho biết, ngành y tế đang phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục để phòng chống dịch cho đối tượng trẻ em khi học sinh tiểu học đi học trực tiếp.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế Tp.HCM cho biết, ngành y tế đang phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục để phòng chống dịch cho đối tượng trẻ em khi học sinh tiểu học đi học trực tiếp.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế Tp.HCM cho biết, số trẻ mắc COVID-19 tăng trong thời gian qua do học sinh đi học trực tiếp trở lại.

Tuần 7-13/2 có 449 ca trẻ mắc Covid-19; tuần 14-21/2 có 6.799 ca; tuần 22-28/2 có 18.522 ca; tuần 1-7/3 có 34.202 ca. Trong đó, số học sinh tiểu học có ca mắc cao hơn các nhóm học sinh khác.

“Ngành y tế và giáo dục đã họp, triển khai các hoạt động như hướng dẫn xử lý F0, có các kịch bản đáp ứng tuỳ theo điều kiện tình hình. Số trẻ mắc COVID-19 diễn tiến nặng thời gian qua không nhiều nhưng Sở đã chỉ đạo các cơ sở y tế trực thuộc sẵn sàng thu dung điều trị trẻ mắc Covid-19”, bà Mai thông tin.

Theo đó, để chủ động ứng phó với tình huống số mắc ở trẻ em tăng cao, Sở Y tế Tp.HCM yêu cầu các bệnh viện, gồm Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Tp.HCM tăng số giường điều trị tại khoa COVID-19  lên tối thiểu 300 giường, trong đó có 50 giường hồi sức. Trước đó, các bệnh viện này được giao mỗi cơ sở 150 giường cho bệnh nhi Covid-19.

Các bệnh viện quận, huyện, bệnh viện đa khoa có chuyên khoa nhi, tổ chức khám, sàng lọc, điều trị cho trẻ em mắc COVID-19  theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế.

Đồng thời, các cơ sở y tế sẽ sẵn sàng thu dung, điều trị trẻ mắc COVID-19 mức độ trung bình và nhẹ, đối với các trẻ không đủ điều kiện cách ly tại nhà bên cạnh công tác rà soát, chủ động chuẩn bị cơ số giường nội trú ở khu vực điều trị Covid-19, tối thiểu 30%-50% tổng số giường dành để điều trị cho trẻ em.

Các bệnh viện này chỉ chuyển tuyến trong trường hợp trẻ có dấu hiệu chuyển nặng, hội chẩn với bệnh viện nhi tuyến trên trước khi chuyển viện. Sở Y tế Tp.HCM chỉ đạo tăng cường công tác hội chẩn từ xa, trao đổi chuyên môn, chuyển tuyến theo đúng cụm điều trị đã được phân công để nâng cao năng lực chăm sóc cho trẻ em.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/tphcm-dam-bao-suc-khoe-doi-voi-tre-em-khi-di-hoc-truc-tiep-a...

Có thể đã qua đỉnh dịch COVID-19 ở Đà Nẵng

Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Thị Kim Yến nhận định có thể Đà Nẵng đã qua đỉnh dịch. Trên thực tế số ca nhiễm những ngày gần đây có xu hướng giảm mạnh (hơn 1.000 ca) so với những ngày đầu tháng 3 (gần 2.000 ca).

Phó Chủ tịch yêu cầu Trung tâm kiểm soát bệnh tật tiếp tục theo dõi, Sở Y tế kiểm tra đánh giá thận trọng tình hình để xác định chính xác đỉnh dịch ở thời điểm nào. Đồng thời tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng chống dịch (BCĐ) diễn biến trong thời gian đến.

“Việc xác định đúng đỉnh dịch rất quan trọng để Đà Nẵng có biện pháp phòng chống dịch phù hợp cho giai đoạn tiếp theo cũng như triển khai các hoạt động khác”, bà Yến nhấn mạnh.

Hiện số lượng trẻ, học sinh tới trường học trực tiếp đã bắt đầu tăng. Phó Chủ tịch TP yêu cầu Sở GD&ĐT theo dõi sát, kịp thời đánh giá, đề xuất sớm với BCĐ về tình hình đi học trực tiếp của học sinh, cũng như giải pháp đảm bảo chất lượng đào tạo. Trong trường hợp cần thiết, có thể đề xuất kéo dài thời điểm kết thúc năm học 2021-2022, để đảm bảo hoàn thành chương trình đào tạo của các cấp.

Bà cũng lưu ý các đơn vị liên quan nghiên cứu giải pháp đơn giản hóa các thủ tục cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho người dân, bớt hồ sơ, đi lại, tránh phiền hà.

Nguồn: https://tienphong.vn/co-the-da-qua-dinh-dich-covid-19-o-da-nang-post1423291.tpo

Nóng: Hà Nội cho phép nhà hàng, quán ăn hoạt động bình thường sau 21h

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh chiều 15/3 đã ký ban hành văn bản về việc triển khai thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và mở cửa lại các hoạt động du lịch trong tình hình mới trên địa bàn TP.

Theo đó, Hà Nội điều chỉnh một số biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19.

Cụ thể, các cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, quán ăn, uống được phép hoạt động bình thường (không quy định đóng cửa trước 21h hàng ngày), đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của cơ quan y tế và các quy định liên quan.

Trên cơ sở thực hiện hướng dẫn tại quyết định số 218 của Bộ Y tế và tình hình thực tế tại địa phương, UBND quận, huyện, thị xã chủ động triển khai, quyết định số lượng người tham gia các hoạt động tập trung trong nhà, ngoài trời đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Thực hiện thông điệp 5K theo thứ tự ưu tiên: 1) Khẩu trang (đảm bảo 100% thực hiện); 2) Khử khuẩn (vệ sinh tay, vệ sinh môi trường, vệ sinh bề mặt thường xuyên...); 3) Khai báo y tế; 4) Khoảng cách; 5) Không tụ tập đông người.

UBND thành phố đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường chỉ đạo các phường, xã, thị trấn và các đơn vị liên quan tuyệt đối không chủ quan, lơ là, tiếp tục thực hiện đầy đủ, đồng bộ các quy định, phương châm, biện pháp phòng, chống dịch theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; trong đó tuân thủ nghiêm yêu cầu "5K" đối với cá nhân, yêu cầu an toàn Covid-19 đối với tổ chức, cơ quan, đơn vị và các biện pháp phòng dịch khác. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong công tác phòng, chống dịch.

Các địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả hơn nữa công tác tiêm chủng vắc xin, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả; rà soát nguyên nhân đạt tỷ lệ tiêm thấp, hoàn thành tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong tháng 3/2022. Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm về việc triển khai tiêm vắc xin trên địa bàn.

Đối với sở Du lịch cần tiếp tục rà soát, cập nhật các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ để thực hiện việc đón khách du lịch quốc tế đến Hà Nội; phối hợp với các quận huyện và cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, đôn đốc các cơ sở lưu trú, các công ty lữ hành, các cơ sở kinh doanh dịch vụ đảm bảo phòng, chống dịch.

Nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nong-ha-noi-cho-phep-nha-hang-quan-an-hoat-...

Tới viện thăm bố vừa khỏi COVID-19, con gái sốc nặng khi biết sự thật về người nằm trên giường
Nghe nói bố mình vừa qua cơn nguy kịch do nhiễm COVID-19, người con gái lập tức chạy tới bệnh viện thăm nhưng lại ngỡ ngàng với danh tính người nằm...

Tin tức 24h

K.T
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h