Từng là tiểu thư con nhà khá giả, nhưng vì biến cố gia đình, cụ Dết phải mưu sinh từ khi mới 13 tuổi. Nhưng cũng vì điều ấy đã giúp cụ bà luôn cố gắng để sống phù hợp với từng hoàn cảnh khác nhau.
Cô tiểu thư tự lập từ năm 13 tuổi
Anh Nguyễn Thi (SN 1964) trước đây là một nghệ sĩ guitar cổ điển có tiếng ở Đà Lạt, từng đi biểu diễn nhiều nơi. Nhưng giờ đây, anh chủ yếu ở Đà Lạt dạy nhạc, kinh doanh tự do, đánh đàn guitar và cùng em trai chăm sóc mẹ.
Mẹ anh Thi là cụ Nguyễn Thị Dết, năm nay đã 96 tuổi. Anh Thi cho biết, dù tuổi đã cao nhưng mẹ anh vẫn minh mẫn, mắt sáng, có thể may vá, dọn dẹp nhà cửa, biết cách chăm sóc bản thân. Điều đặc biệt, bà lúc nào cũng sống ngăn nắp, luôn dặn các con biết quan tâm người khác và vẫn thích nặn tò he như ngày còn trẻ.
96 tuổi, cụ Dết mất vẫn sáng, còn đọc được sách báo. Ảnh: NVCC.
Tuy nhiên, anh Thi và em trai vẫn thay phiên nhau để ý đến mẹ. Họ chia nhau, người em ban đêm sẽ ngủ cùng mẹ để không may có chuyện gì xảy ra còn xử lý kịp.
Ban ngày, cụ Dết thường xuống quán cà phê của con trai ngồi đọc sách báo, xem tivi, ngồi thiền, trò chuyện với khách ra vào quán. Lúc đó, anh Thi sẽ vừa quản lý quán, dạy nhạc vừa để mắt tới mẹ. “Nói con chăm mẹ cho oai vậy thôi, mẹ tôi toàn làm ngược lại”, anh Thi hạnh phúc nói về mẹ.
Anh Thi cho biết, rất tự hào về mẹ vì bà là người phụ nữ giỏi giang, sống có tình có lý và lúc nào cũng hết lòng vì chồng con, những người xung quanh.
Anh kể, trước đây, cụ Dết là tiểu thư trong gia đình khá giả ở Đà Lạt, có ba làm việc cho những người Pháp và được chơi với những em bé con người Pháp, vì vậy bà khá thành thạo ngôn ngữ này. Tuy nhiên, sau đó, gia đình bà đã xảy ra nhiều biến cố dẫn đến phải ly tán, bà phải bôn ba đi buôn bán nhiều mặt hàng khác nhau khi chỉ mới 13 tuổi. Nhưng cũng nhờ vậy, bà học được nhiều điều và có thể thích ứng với những khó khăn sau này.
Anh Nguyễn Thi chụp hình với mẹ. Ảnh: NVCC.
Không phân biệt con chung con riêng
Anh Thi chia sẻ, cụ Dết có 7 người con, gồm con 4 đẻ và 3 con riêng của chồng với người vợ trước, nhưng bà chưa bao giờ phân biệt đối xử giữa các con, hay thương con mình hơn con chồng. “Mẹ luôn dạy 7 anh em tôi phải biết thương yêu, quý trọng và nhường nhịn nhau”, anh Thi chia sẻ.
Khó khăn lần thứ hai xảy ra với cụ Dết là sau năm 1975. Khi đó, ba anh Thi bị bệnh, cụ phải làm đủ nghề từ đi nấu ăn, buôn bán ở chợ, hái củi đến làm rẫy… mới có đủ kinh phí giúp chồng trị bệnh, lo cho các con ăn học.
“Lúc đó, tôi 11 tuổi, còn đang đi học. Sáng nào mẹ cũng dùng chiếc xe thồ chở hết các con một lượt đến trường. Chờ khi anh em chúng tôi vào lớp, mẹ mới đi làm”, anh Thi nhớ lại.
Cụ Dết chụp hình cũng chồng ngày hai người còn trẻ. Ảnh: NVCC.
Một mình nuôi 7 con nhỏ, chăm chồng bị bệnh, vất vả đủ đường nhưng chưa lần nào cụ than vãn nửa lời với chồng con. Thay vào đó cụ luôn động viên, khuyên bảo các con cần phải cố gắng, tự mình vươn lên. Cũng nhờ vậy đã dần làm cho kinh tế gia đình khá giả hơn, ba anh Thi cũng khỏi bệnh và mở được tiệm sửa các loại máy hát.
“Thời gian sau này, ba tôi làm ăn khá, các con dần lớn hơn, mẹ tôi cũng đỡ vất vả hơn rất nhiều”, anh Thi hạnh phúc nói.
Anh Thi vẫn còn nhớ năm 1996, khi ba anh bị ung thư gan giai đoạn cuối, còn sống chỉ được 6 tháng. Suốt thời gian chồng bị bệnh, cụ Dết luôn túc trực bên cạnh hết lau chùi, đút cháo, xoa bóp chân tay đến trò chuyện cho ông vui. Bà cũng dặn các con giai đoạn này, ngoài công việc thì cần phải quây quần bên ba, làm sao để ông vui, từ đó có động lực chiến thắng căn bệnh quái ác.
Cụ Dết bên các con gái và các cháu. Ảnh: NVCC.
“Tiếc rằng, ba tôi đã bị bệnh ở giai đoạn cuối rồi, nên mọi phương pháp chữa trị đều không có tác dụng. Trước khi mất, ba yếu lắm, vậy mà ông vẫn gắng hết sức ôm mẹ, nói cảm ơn vì mẹ đã lo cho ba. Ba còn hỏi, sao nhiều lần bị tôi cáu gắt, khó chịu bà vẫn không giận, vẫn một lòng lo cho tôi. Mẹ tôi không trả lời nhưng vẫn bĩnh tĩnh, nắm chặt tay ba”, anh Thi kể. Được chứng kiến cảnh cảm động của ba mẹ, 7 người con cụ Dết ai nước mắt cũng rưng rưng.
Anh Thi thừa nhận, vì đã lớn tuổi, cũng có khi cụ Dết thường làm những việc như người ta hay nói: “người già như hai lần con nít”, như chuyện cụ muốn ngày nào cũng được nấu ăn, dọn dẹp phòng ngủ của con. “Nếu ai không hiểu mẹ sẽ khó chịu”, anh Thi nói. Tuy nhiên, vì muốn mẹ vui, một phần người lớn tuổi, nếu được làm việc sẽ thấy thoải mái, ăn ngon, sống vui khỏe hơn. Vì vậy, thay vì tỏ ra khó chịu, anh để mẹ làm các việc mẹ thích, nhưng luôn theo dõi sát sao mẹ.
Nhân dịp Ngày 8/3, anh Thi dành tặng những lời tốt đẹp đến những người phụ nữ khác. Còn với mẹ mình thì không chỉ vào Ngày Quốc tế Phụ nữ, mà ngày nào trong năm anh cũng mong bà luôn khỏe mạnh, sống vui vẻ và mãi là niềm tự hào của con cháu.