Từng có thu nhập ổn định từ việc kinh doanh quán cà phê, nhưng sau hơn một năm chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 khiến anh phải xuống đường làm shipper.
Tác động tiêu cực của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 đã khiến những chủ cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, quán ăn bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều người đã phải đóng cửa hàng và xoay sở đủ nghề để vượt qua giai đoạn khó khăn bởi đại dịch.
Anh N.H chia sẻ trước khi xuống đường trở thành một shipper công nghệ, anh đã trải qua quãng thời gian hơn chục năm kinh doanh quán cà phê tại quận Gò Vấp, TP HCM với doanh thu vài chục triệu đồng/tháng. Số lãi thu được giúp cho gia đình anh có được cuộc sống ổn định và có phần tích lũy thêm.
Shipper công nghệ là công việc được nhiều người lựa chọn khi bị mất việc hay phải đóng cửa hàng kinh doanh do tác động tiêu cực của dịch Covid-19
Ông bố 2 con kể công việc kinh doanh của gia đình đã bị ảnh hưởng kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát đầu năm 2020. Trong những ngày đầu chịu tác động của dịch bệnh, quán của anh đã từng bước chuyển hướng kinh doanh bằng việc chuyển sang phục vụ khách mang đi. Nhưng do quán trước đây chỉ phục vụ khách ngồi tại chỗ nên việc thực hiện cách ly xã hội đã khiến doanh thu sụt giảm rất nhiều.
Để cải thiện thu nhập của gia đình, anh đã tìm hiểu và đưa cửa hàng của mình lên bán hàng trên các trang thương mại điện tử nhằm tiếp cận với nhiều khách hàng hơn. Bên cạnh đó, ngoài bán cà phê gia đình anh còn làm thêm các món ăn vặt bán trên các app công nghệ.
Tuy nhiên, đợt bùng phát lần thứ 4 của dịch Covid-19 kể từ cuối tháng 4 đến nay đã hạ gục nhiều chủ cửa hàng kinh doanh với quy mô nhỏ như anh khi nguồn thu chính của cả gia đình trở về 0 trong suốt gần 4 tháng qua.
Chia sẻ về công việc mới của mình, anh N.H cho biết làm shipper trong mùa dịch rất vất vả bởi bên cạnh việc chủ động phòng chống dịch bệnh, các shipper còn đối mặt khó khăn do nhiều tuyến đường được chính quyền khu vực rào chắn đề phòng chống dịch bệnh.
“Bình thường, nghề này đã vất vả rồi, vào thời điểm dịch bệnh như hiện nay, chúng tôi còn đối diện với nhiều khó khăn, rủi ro bởi phải đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người. Điều chúng tôi phải làm hiện nay là thực hiện nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch bệnh để đảm bảo an toàn cho khách hàng và bản thân”, anh N.H cho biết.
Cựu chủ quán cà phê này cũng cho biết với những shipper được phép xuống đường hoạt động trong thời gian dịch bệnh này lại có được nguồn thu nhập khá cao có thể lên tới 3 đến 4 triệu đồng/ngày do lượng đơn đặt hàng của người dân là rất nhiều. “Hằng ngày, cứ 7 giờ sáng, tôi bắt đầu nhận đơn hàng, sau đó đi giao hàng cho khách. Trung bình, tôi giao cả trăm đơn hàng/ngày”, anh N.H cho biết thêm.
Tuy nhiên, công việc tạm thời của anh N.H một lần nữa bị ảnh hưởng khi kể từ 0h ngày 23-8 đến ngày 6-9, TP HCM tạm ngưng lực lượng giao hàng bằng công nghệ (shipper) tại TP Thủ Đức và các quận huyện: 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh, Hóc Môn.
Dù từng có thu nhập cao từ công việc làm shipper trong mùa dịch, nhưng anh N.H vẫn hy vọng dịch Covid-19 sớm được kiểm soát để mọi hoạt động kinh tế, xã hội trở lại bình thường như trước đây.
Thống kê của Tổng cục Thống kê cho biết riêng tại TP HCM, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới sụt giảm mạnh, từ ngày 01/7/2021 đến 15/7/2021 chỉ có 1.126 đơn vị với vốn đăng ký là 16.030 tỷ đồng, giảm 47,3% về số doanh nghiệp và giảm 86,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế từ ngày 01/01/2021 đến 15/07/2021, thành phố HCM đã cấp phép 20.906 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 350,4 nghìn tỷ đồng, giảm 4,6% về số doanh nghiệp và giảm 9,1% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hoạt động sản xuất kinh doanh cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19. Trong 7 tháng đầu năm 2021, có tới 79.673 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng lưu ý, nhiều doanh nghiệp lớn cũng đang rút lui khỏi thị trường. Trong đó, doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có quy mô vốn 20-50 tỷ đồng tăng 45,3%, quy mô vốn 50-100 tỷ đồng tăng 23,4%, quy mô vốn trên 100 tỷ đồng tăng 32,3%.
Với các doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá 5 khó khăn lớn các doanh nghiệp đang phải đối mặt, đó là: thiếu hụt dòng tiền; chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển tăng; lưu thông hàng hóa bị cản trở; tạm dừng sản xuất tại các khu công nghiệp; khó tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ.