Nguyên nhân chính là sinh viên tốt nghiệp hệ cử tuyển học quá lâu không ra trường, năng lực yếu nên bị địa phương “ngầm” chê. Vì những lý do này, có tỉnh đã ngưng cho đi học cử tuyển.
Những năm qua, hàng ngàn sinh viên cử tuyển ở miền Trung được đưa đi học nhằm trở về phục vụ địa phương nhưng có rất ít trường hợp được bố trí việc làm, phần lớn còn lại vẫn đang thất nghiệp.
Không làm được phép tính thập phân
Theo báo cáo giám sát của HĐND tỉnh Quảng Ngãi, hiện toàn tỉnh có 208 người đang theo học tại các trường ĐH, CĐ hệ cử tuyển. Trong giai đoạn 2008-2014, chỉ tiêu tuyển sinh hệ cử tuyển được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phân bổ cho tỉnh Quảng Ngãi 446 người (bậc ĐH chiếm hơn 80%). Tỉnh cử đi học 427 người và đã phân công công tác 166 người, phần lớn còn lại chưa được bố trí, sắp xếp công việc.
Tại hội nghị sơ kết thực hiện công tác đào tạo cử tuyển mới đây, ông Đoàn Dụng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi, cho biết nguyên nhân khiến sinh viên hệ cử tuyển không được bố trí việc làm là do chất lượng cử tuyển không bảo đảm, các địa phương chưa gắn kết với nhu cầu sử dụng sinh viên cử tuyển sau khi tốt nghiệp... “Có trường hợp sau khi tốt nghiệp hệ cử tuyển được phân công giảng dạy tại các huyện miền núi nhưng không làm được các phép tính thập phân hay những bài toán đơn giản” - ông Dụng cho biết.
Nhiều giáo viên ở huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi học xong hệ cử tuyển chỉ dạy hợp đồng vài tháng chứ chưa tìm được việc làm chính thức Ảnh: Tử Trực
Ông Nguyễn Văn Thuần - Chủ tịch UBND huyện Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi - đánh giá phần lớn học viên cử tuyển ra trường đều có học lực chỉ trung bình hoặc trung bình - khá nhưng tỉnh phải tuyển dụng. Trong khi đó, rất nhiều con em đồng bào dân tộc thiểu số học giỏi lại không được tuyển vì “nhường suất” cho hệ cử tuyển. Như vậy, chính sách thu hút nhân tài chưa thực sự cân bằng khi không tuyển những người giỏi này.
Chưa biết đi đâu, về đâu
Từ năm 1999 đến 2009, tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, đã có 135 con em là người dân tộc thiểu số được theo học cử tuyển ở các trường ĐH, CĐ và trung cấp nghề. Đến nay, toàn bộ số sinh viên này đều ra trường nhưng vẫn còn 34 người chưa có việc làm, bao gồm 12 trường hợp tốt nghiệp ĐH y dược, 9 trường hợp tốt nghiệp ĐH sư phạm và 13 trường hợp tốt nghiệp ĐH các ngành khác. Theo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, các huyện và các ngành quá chậm trễ trong việc bố trí việc làm cho những sinh viên cử tuyển.
Bà Cao Đăng Ngọc Phượng, Trưởng Phòng Giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết đối với hệ cử tuyển thì thí sinh là người dân tộc thiểu số không cần thi tuyển đầu vào những trường ĐH mà được các địa phương cử đi học. Số lượng sinh viên đào tạo mỗi năm đều dựa trên nhu cầu cán bộ còn thiếu của các huyện; sau khi tốt nghiệp sẽ được đưa về làm việc mà không qua thi tuyển công chức, viên chức. Cũng theo bà Phượng, nguyên nhân chậm trễ trong việc bố trí việc làm cho sinh viên cử tuyển một phần do các huyện chưa nhận thức đúng đối với chính sách này, một phần vì hầu hết sinh viên cử tuyển không tốt nghiệp đúng niên hạn, học lực lại chỉ ở mức trung bình.
Mới đây, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chủ trì cuộc họp với Sở GD-ĐT, Sở Nội vụ và UBND các huyện trong tỉnh về giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp hệ cử tuyển. Tỉnh yêu cầu các huyện cần có kế hoạch tuyển dụng không qua thi tuyển; đối với những nơi không còn biên chế thì trước mắt bố trí hợp đồng theo quy định. Đối với 12 sinh viên tốt nghiệp ĐH y dược, Sở Y tế sẽ tổ chức tuyển dụng hoặc ký hợp đồng theo quỹ lương, hoàn thành trước ngày 15-2. Đối với 9 sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm, các huyện phải tuyển dụng hết trong thời gian từ nay đến tháng 6-2015.
Còn đối với 13 trường hợp tốt nghiệp những ngành khác, các huyện trước mắt phải ký hợp đồng, trong vài năm tới tổ chức tuyển dụng theo quy định. UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu các huyện và ngành giáo dục không được tuyển dụng các ngành nghề tương tự ngoài số sinh viên cử tuyển cho đến khi thực hiện xong chế độ cử tuyển, trừ trường hợp đặc biệt phải xin ý kiến của UBND tỉnh.
Ông Hồ Xuân Trăng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới, cho biết huyện đã có chủ trương tuyển dụng 13 trường hợp sinh viên cử tuyển vào các đơn vị sự nghiệp, giáo dục trong thời gian sớm nhất.
Còn ở tỉnh Quảng Ngãi, hệ cử tuyển cũng đang rơi vào tình trạng thừa mứa. Tại 6 huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn 68 trường hợp cử tuyển ra trường đã nhiều năm mà không được bố trí công việc. Trong vài năm tới sẽ có thêm khoảng 300 trường hợp nữa, không biết sẽ đi đâu, về đâu!
Theo ông Lê Quang Thích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, sắp tới tỉnh sẽ từng bước nâng cao chất lượng hệ cử tuyển; đồng thời, căn cứ vào nhu cầu nguồn nhân lực, các địa phương sẽ có kế hoạch đào tạo hợp lý cho sinh viên hệ này, không để tình trạng dư thừa xảy ra như hiện nay.
Quảng Nam dừng đào tạo hệ cử tuyển Ông Nguyễn Chín, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết do nhận thấy có nhiều bất cập trong việc đào tạo hệ cử tuyển, tỉnh Quảng Nam đã quyết định tạm dừng hình thức đào tạo này, bắt đầu từ năm 2015. Từ năm 2007 đến 2014, tỉnh Quảng Nam đã cử 1.372 trường hợp đi đào tạo hệ cử tuyển. Đã có 408 trường hợp tốt nghiệp nhưng mới chỉ bố trí được việc làm cho 264 trường hợp. Ngoài ra, còn 750 trường hợp nữa đang học hệ cử tuyển tại các trường ĐH. Số này cũng cần phải bố trí, sắp xếp công việc trong tương lai và việc này đã tạo ra áp lực cho địa phương. Một vấn đề khác nảy sinh nữa là trong quá trình tuyển đầu vào, do các học sinh có trình độ hạn chế nên không thể theo học một số ngành khó, khoảng 15% học sinh thôi học giữa chừng vì không theo kịp chương trình. “Chúng tôi ngưng nhằm điều chỉnh, sắp xếp lại cho phù hợp, qua đó nâng cao hiệu quả chương trình. Thực tế cho thấy cung đã vượt quá cầu ở một số ngành, địa phương” - ông Chín nói. Q.Vinh |