Bé N.T.V. (7 tuổi, ngụ Q. Gò Vấp, TP.HCM) mắc phải hội chứng dị dạng tĩnh mạch xâm lấn bàng quang hiếm gặp gây chảy máu liên tục khi đi tiểu.
Ngày 9/11, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết, bệnh viện đang điều trị cho một bệnh nhi mắc phải hội chứng dị dạng tĩnh mạch xâm lấn bàng quang hiếm gặp gây chảy máu liên tục khi đi tiểu. Đây được xem là trường hợp rất hiếm gặp.
Anh Nguyễn Chi Bảo (cha cháu bé) cho biết: “Từ năm 4 tuổi, bé V. Xuấn hiện các mạch máu lớn bất thường ở chân. Các mạch máu lan lên cả vùng sinh dục ngoài, hậu môn. Thấy sự bất thường, gia đình đưa cháu đi khám rất nhiều nơi nhưng bác sĩ chẩn đoán bị bướu máu chân. Sau khi phẫu thuật 3 lần và được các bác sĩ tiêm thuốc xơ mạch nhưng cháu vẫn tăng sinh bất thường. Đi học, cháu phải mang tất y khoa để bó mạch máu lại nhưng vẫn chảy máu bất cứ lúc nào. Cháu đi tiểu ra máu rất nhiều, khoảng 10 lần/ngày dù không sốt không ho. Thấy vậy, gia đình tôi đưa con đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM để khám, điều trị”.
Gia đình bé V. tại bệnh viện
Thông tin từ Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết, cháu N. T. V. (7 tuổi) nhập viện ngày 21/10 trong tình trạng xanh xao, yếu ớt, thiếu máu nghiêm trọng. Qua siêu âm, các bác sĩ xác định bàng quang của bé có nhiều máu cục, dị dạng tĩnh mạch thành bàng quang và vùng sàn chậu. Các dị dạng mạch máu xâm lấn vào bàng quang dẫn đến đi tiểu ra máu. Các bác sĩ kết luận bé V. bị Hội chứng Klippel Trenaunay (loại dị dạng tĩnh mạch, mạch huyết vô cùng hiếm gặp).
Bác sĩ Đào Trung Hiếu – PGĐ Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, sau khi hội chẩn liên chuyên khoa, chúng tôi quyết định chụp và nội soi mạch máu thì bất ngờ phát hiện ra một phần bàng quang của bé bị xâm lấn bởi một búi tĩnh mạch có hình dạng bất thường, rỉ máu liên tục vào bàng quang. Trước tình trạng nguy cấp, ngay sau khi tìm được nguyên nhân gây rỉ máu vào bàng quang, gây tiểu ra máu thành dòng, ca mổ đã được tiến hành.
Sau 3 giờ phẫu thuật, các bác sĩ bóc tách thành công toàn bộ mạch máu biến dạng, cắt một phần bàng quang. Hiện bộ phận này của bé nhỏ hơn trước khi mổ, nhưng vẫn tiểu bình thường như các trẻ khác.
Dù phẫu thuật thành công nhưng bé V. phải tiếp tục điều trị
"Đây là một ca mổ khó. Nếu khống chế được chảy máu nhưng em bé bị són tiểu hoặc tiểu liên tục thì sẽ gây nhiều phiền hà. Đây là di chứng sẽ đeo đuổi em bé suốt cả cuộc đời. Chính vì thế, mục tiêu khi mổ là phải làm sao đảm bảo các chức năng của em bé vẫn giữ được như bình thường", bác sĩ Hiếu chia sẻ.
Sau 7 ngày phẫu thuật, bé V. đã không còn tiểu ra máu, đặc biệt, có thể tiểu chủ động, tiểu không đau, gắt, bảo toàn một cách mỹ mãn cơ chế của bàng quang.
Bác sĩ Huỳnh Thoại Loan, Trưởng khoa Thận – Nội tiết, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết: “Suốt 20 năm trong nghề, đây là trường hợp đầu tiên tôi gặp về hội chứng dị dạng hỗn hợp hiếm có này. Khó khăn lớn nhất của ca mổ là tránh làm tổn thương hệ thống thần kinh chi phối bàng quang gây tiểu dầm. Tuy nhiên, ca phẫu thuật đã thành công và hiện giờ bé không bị tình trạng tiểu són, mà vẫn có thể điều khiển hệ thần kinh chi phối bàng quang và tự chủ được trong việc đi tiểu”.