Sau khi được sơ cấp cứu, cậu bé 14 tuổi bị đuối nước hồi tỉnh, thấy khỏe và tự đi xe đạp về nhà. Tuy nhiên, chỉ vài tiếng sau cháu bất ngờ rơi vào trạng thái hôn mê, người tím đen.
Sáng ngày 11/9, Khoa Nhi BV Bạch Mai cho biết vừa cứu sống trường hợp trẻ tím đen toàn thân sau đuối nước. Bệnh nhi là cháu Nguyễn Đăng Đan, 13 tuổi ở Quế Võ, Bắc Ninh.
Theo lời kể của bố cháu bé, 5h chiều ngày 4/9, trên đường đi học về gặp trời mưa to, ướt hết quần áo nên các bạn Đan rủ cháu đi ra mương chơi. Do không biết bơi nên Đan chỉ đứng chơi ở chỗ nông mà không xuống tắm như các bạn của mình. Chơi được một lúc, các bạn đùa nghịch kéo Đan và dìm xuống nước. Thấy Đan bị đẩy ra chỗ nước sâu, chấp chới không nên được, các bạn hoảng sợ vội chạy lên bờ gọi người lớn đến cứu.
May mắn là gần đó các bác đang câu cá nên bác đã nhảy xuống mương vớt Đan lên. Được sơ cứu móc họng, ộc nước chỉ 5-10 phút sau cháu Đan tỉnh dậy, không có biểu hiện bất thường nên tự đi xe đạp về nhà. Tối hôm đó, Đan thấy khỏe mạnh, vẫn ăn tối và chơi đùa bình thường.
Tuy nhiên, đến tầm 21h cháu bắt đầu thấy mệt, sốt, ớn lạnh. Một lúc sau cháu bé ho, khó thở nhưng vẫn nói chuyện được. Gia đình đưa cháu đi đưa khám tại BV tư nhân gần nhà. Tuy nhiên, khi đưa đến viện này cháu Đan bỗng lịm đi, hôn mê không biết gì nữa. Nhận thấy tình trạng của cháu quá nặng, các bác sĩ tại BV tư nhân đã chuyển cháu Đan lên cấp cứu tại Khoa Nhi, BV Bạch Mai.
Tại đây các bác sĩ chụp phổi thấy 2 phổi gần như mờ hoàn toàn, không thấy hình tim như bình thường. Khắp người bé tím đen.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết, bệnh nhi được chẩn đoán phù phổi cấp, tổn thương do đuối nước. Do nước mương bẩn nên các vi khuẩn, chất độc trong nước đã phá hủy phổi của cháu bé chỉ sau vài tiếng, dẫn tới hội chứng suy hô hấp phổi tiến triển nhanh.
Ngay khi tiếp nhận bệnh nhi các bác sĩ Khoa Nhi, BV Bạch Mai đã tiến hành cho thở máy. Sau 3h thở máy bệnh nhi có tiến triển tốt, có thể rút được máy thở.
Cháu Đan, cùng bố kể lại những giờ đầu sau khi đuối nước (Ảnh Mai Hương)
Theo PGS.TS Dũng, cháu Đan dù đã tự thở, tỉnh táo khi được sơ cấp cứu đúng cách sau đuối nước nhưng lúc này phổi cháu đã bị phù, tổn thương. Nếu ngay lúc đó, gia đình đưa đi viện (dù bệnh nhi không có biểu hiện nặng) thì việc chữa trị đơn giản hơn. Các vi trùng, chất độc trong dòng nước ô nhiễm tràn vào phổi đã phá hủy phổi dần dần, khiến tình trạng phù phổi càng nặng hơn, phổi không trao đổi được khí. Điều này lý giải vì sao sau vài tiếng cháu Đan bỗng rơi vào tình trạng hôn mê, người tím đen, tính mạng bị đe dọa.
“Trường hợp của cháu Đan y học gọi là chết đuối trên cạn. Với ca bệnh này nếu không được thở máy kịp thời bệnh nhân sẽ tử vong nhanh chóng”, PGS.TS Dũng nói.
Do đó, bác sĩ khuyến cáo, với trường hợp trẻ bị đuối nước ở hồ, ao, kênh, rạch … sau khi cấp cứu ban đầu, người nhà cần đưa ngay nạn nhân vào bệnh viện, kể cả khi bệnh nhân đã tự thở được. Bởi có tới 1/3 trường hợp gặp nạn có biến chứng phù phổi cấp tổn thương. Nếu không được cấp cứu kịp thời bệnh nhân rất dễ tử vong.
Rất may cháu Đan do được cấp cứu kịp thời nên đã thoát chết và không có di chứng về não. Hiện bé đã đi lại được, ăn uống tốt nhưng vẫn còn bị viêm phổi. Tuy nhiên, bác sĩ cho biết chứng viêm phổi này nhẹ, sẽ khỏi hoàn toàn sau 1-2 ngày điều trị tới và bệnh nhi có thể xuất viện.