Nhắc đến chuyện có bán gốc cây này không, người đàn ông thừa nhận vào năm 2016, một khách du lịch ngoài Khánh Hòa ghé tới tham quan có ngỏ ý mua với giá 8 tỷ đồng.
Người dân thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng) không ai không biết ông Chiến (73 tuổi) – đại gia sở hữu khối tài sản “siêu khủng”, trong đó có một gốc cây cổ thụ trị giá hàng chục tỉ đồng. Đó là gốc cây bàng, có tuổi thọ lên tới hơn nghìn năm tuổi. Đặc biệt cây có bán kính lên tới hàng chục mét, được trưng trong khu nhà xưởng rộng 600m2.
Ông Chiến tâm sự: “Tôi sở hữu gốc cây này gần 10 năm rồi. Tôi vẫn nhờ rõ nguồn gốc của cây, thậm chí không bao giờ có thể quên được câu chuyện ấy.
Năm 2014, cây nằm ở đình Phụng Tường (Kế Sách). Cây tồn tại hàng nghìn năm nhưng vẫn tươi tốt, cho đến khi nhà nước làm đường Nam Sông Hậu (tức Quốc lộ 91B), công nhân vận chuyển cát đá theo đường sát cây bàng này.
Ông Chiến - chủ nhân của gốc bàng cổ thụ.
Một thời gian ngắn, đường bị sụt lún phải đổ cát đè lên. Mưa xuống, đường ngập nước khiến cây cũng ngập theo, cứ héo chết dần dần. Lúc đó ông thư ký đình mới tìm người đốn gốc cây vì sợ cành khô gãy rơi trúng người dân”.
Nhóm thợ đốn cây được 2-3 ngày liền bỏ cuộc giữa chừng, thậm chí không lấy tiền công. Sau đó ông thư ký tìm đến ông Chiến nhờ đốn giúp gốc cây bàng cổ. “Tôi hỏi han tình trạng của cây bàng rồi ngỏ ý muốn mua lại với giá 30 triệu đồng. Nếu họ đồng ý bán với giá đó, tôi sẽ đến đốn.
Ông thư ký đồng ý, tôi liền vác đồ nghề đến đốn. Tôi còn xin ông cây hãy giúp đỡ mình hoàn thành công việc, nguyện đem về trưng bày và chăm sóc mỗi ngày”, ông Chiến nhớ lại.
Cây bàng được đốn xong, vị đại gia đem về trưng trong nhà xưởng rộng lớn. Ông còn dành phần đất mặt tiền để bày, tiện cho việc người dân trong vùng đến chiêm ngưỡng. “Thời gian đầu, tôi thuê 10-15 nhân công chăm sóc gốc cây. Mỗi người một nhiệm vụ: lột vỏ, chà nhám sạch sẽ và bỏ hơn 100 triệu đồng mua 10.000 lít dầu cộng thuốc trị mối về quết lên để tránh mối mọt.
Một phần của gốc cây bàng.
Sau đó tôi dần cắt bớt nhân sự, giờ chỉ còn 2 người chăm sóc hằng ngày. Tính đến giờ tôi gom lại mất chừng 2-3 tỷ đồng để “phục vụ” gốc cây này”, ông Chiến cho hay.
Gần 10 năm gắn bó, ông Chiến luôn coi gốc cây cổ thụ là người thân, người bạn tâm giao chẳng thể rời xa. Ông kể chỉ cần đi đâu xa vài ngày là thấy nhớ nhung, chỉ muốn về gặp gỡ ngay lập tức. Ông buồn trong người, chỉ cần đi một vòng là lòng cảm thấy nhẹ nhõm, niềm vui quay trở lại.
Nhắc đến chuyện có bán gốc cây này không, người đàn ông thừa nhận vào năm 2016, một khách du lịch ở Khánh Hòa ghé tới tham quan có ngỏ ý mua với giá 8 tỷ đồng. Ông không muốn bán. Họ liền trả lên 10 tỷ đồng nhưng thất bại.
Gốc cây cổ thụ có bán kính rộng lớn.
Một tháng sau, người này tiếp tục quay trở lại và trả 12 tỷ đồng. Song ông Chiến vẫn không có ý định bán vì không cần tiền. “Giá cao nhất mà khách trả cho tôi lên tới 30 tỷ rồi 32 tỷ đồng. Tôi lắc đầu. Họ cho số điện thoại với hi vọng khi nào muốn bán hãy liên hệ. Tôi trả lời thẳng thắn không bán nên không có nhu cầu lấy số.
Bây giờ tôi muốn nhượng lại cho ai đó trân trọng và có duyên với gốc cây này. Thực sự tôi không còn trẻ, chẳng thể chăm sóc chu đáo như trước. Hai con của tôi có sự nghiệp riêng, không có sở thích như tôi. Tôi tính nếu chúng có đam mê với cây cối sẽ để lại chơi tiếp nhưng không có đành phải tìm người có duyên với nó”, ông Chiến chia sẻ.
Người đàn ông 73 tuổi tiết lộ sẽ bán gốc cây cổ này với giá 30 tỷ đồng. Ông sẽ trích một phần làm từ thiện, giúp đỡ người dân gặp khó khăn trong vùng.