Sau biến cố mất gia đình và tài sản vì cá cược đua ngựa, ông Lâm không còn minh mẫn nhưng vẫn nuôi giấc mơ "khởi nghiệp". Ở tuổi xế chiều, người đàn ông này còn mong được đoàn tụ cùng vợ con, chuộc lại lỗi lầm năm xưa.
Đại gia xà bông mất trắng cơ ngơi vì mê đỏ đen
Ông Trương Lâm (SN 1958, ngụ quận 8, người gốc Hoa) từng là chủ hãng xà bông nức tiếng ở mạn Chợ Lớn - Sài Gòn, sở hữu khối tài sản "khủng". Không những thế, cuộc sống hôn nhân của ông thời điểm đó vô cùng viên mãn với vợ đẹp, con ngoan. Thế nhưng, chỉ vì lao vào trò may rủi, ông Lâm đã rơi vào bị kịch, tài sản bị cuốn bay trong tích tắc.
Thời trai trẻ, ông Lâm học nghề nấu xà bông ở hãng xà bông Huê Vân. Sau đó, ông vừa học nghề vừa bỏ vốn mua xà bông đi bỏ mối tại các khu chợ lớn nhỏ ở Sài Gòn. Với bản tính chăm chỉ, chịu khó học hỏi, ông Lâm nhanh chóng thành thạo nghề và nắm chắc kỹ thuật nấu xà bông.
Có cái nghề trong tay, ông Lâm tự tin lấy vợ và quyết định mở xưởng kinh doanh, đặt tên là Thuận Phát. Thời gian đầu, xà bông cây lãi rất ít nhưng càng làm xưởng sản xuất của ông Lâm ngày càng phất. Đặc biệt, hãng xà bông Thuận Phát nổi tiếng vang dội khắp các khu chợ ở Sài Thành.
Làm nên cơ đồ từ hai bàn tay trắng nên ông Lâm rất trân trọng đồng tiền, tự dặn lòng không được phép sa đà vào cám dỗ, bài bạc, tửu sắc. Ấy vậy mà trong một lần đi giao hàng qua trường đua ngựa, ông đã bị tiếng hò hét huyên náo thu hút nên đã mua vé vào xem. Nghe nhân viên giới thiệu cách đặt cược cùng giải thưởng lớn, ông không ngần ngại rút tiền chơi thử.
Ông Trương Lâm đại gia xà bông một thời giờ sống cảnh cơ cực
"Nghĩ mình đã làm việc cật lực, cần được giải trí, tôi rút tiền đặt cược thử. Cuối chặng đua, con ngựa tôi cược về nhất bị tụt lại cuối cùng”, ông Lâm kể lại.
Vốn tính hiếu thắng, ông Lâm quyết phục thù nên ngày nào cũng ghé trường đua ngựa để cược. Tuy nhiên, càng chơi ông càng thua đậm. Những đồng tiền cuối cùng cũng dần tan theo vó ngựa trường đua. Không còn tiền sản xuất, xưởng xà bông của ông "bay màu", ông trở thành kẻ trắng tay. Vợ ông Lâm khuyên chồng không được đã ôm 2 con về nhà mẹ đẻ sống.
Từng xuất hiện trên báo chí vào cuối năm 2022, ông Lâm cho biết ông chưa từng gặp lại vợ con, cuộc sống lủi thủi trong căn nhà hoang tàn chẳng còn gì đáng giá, ngày ngày bán từng gói đậu phộng rang kiếm ăn.
Thời điểm năm 2022, cứ 2 tuần ông làm đậu phộng rang một lần và chỉ sản xuất 5-10 bịch. Bên trong tất cả các gói đậu phộng này đều có tờ thông tin do ông Lâm tự thiết kế, tỉ mỉ tô vẽ từng nét chữ, hoàn thiện từng hình ảnh.
Giá mỗi gói đậu phộng chỉ từ 2000 - 3000 đồng, "lợi nhuận" chẳng đáng là bao, nhưng với ông Lâm, đó không chỉ đơn thuần là món hàng mưu sinh mà còn là niềm đam mê, là ý chí và nghị lực phi thường của một người đàn ông từng trải qua thăng trầm cuộc sống.
Ước mơ đoàn tụ dang dở…
Trong hàng trăm ký ức chắp vá, ông Lâm nhớ như in 2 con số là 1988 và 1990. Đây là năm sinh của con trai và con gái ông. Ông Lâm vẫn ở căn nhà cũ với mong muốn ngày nào đó được gặp lại các con. Ở tuổi xế chiều, ông Lâm vẫn ấp ủ về "thương hiệu đậu phộng" của riêng mình với hy vọng làm lại cuộc đời. Và sâu thẳm trong lòng, người đàn ông này vẫn nuôi hy vọng vợ con quay về, cả nhà đoàn tụ.
Người đàn ông này sống trong căn nhà lụp xụp, không điện, không nước...
Ông vẫn thường luyên thuyên về những kế hoạch phát triển thương hiệu đậu phộng rang của mình. Trên tường nhà, chằng chịt hình vẽ bản đồ các quận, huyện với chi tiết từng cung đường - những con đường ngày xưa ông từng đi giao xà bông. Tất cả đều được ghi lại chính xác qua ký ức của ông Lâm.
Năm 2022, hình ảnh ông Trương Lâm rong ruổi trên những con đường Sài Gòn, cần mẫn nhặt ve chai, xin tiền mua cơm đã trở nên quen thuộc với người dân nơi đây. Tuy cuộc sống khó khăn, thiếu thốn nhưng ông Lâm luôn giữ cho mình lòng tự trọng, xin đủ tiền mua cơm ông sẽ ngưng nhận tiền. Thỉnh thoảng, ông Lâm còn dành thời gian rang đậu phộng để bán, kiếm thêm thu nhập.
Đến bây giờ, mỗi khi nhắc đến đại gia xà bông Trương Lâm, những người biết tới ông đều bày tỏ sự tiếc nuối cho người đàn ông từng có cả cơ nghiệp, gia đình hạnh phúc, rồi sống những năm xế chiều trong cảnh nghèo khổ, thiếu thốn.