Sáng nay, 4 học sinh trường THCS Hồ Tùng Mậu đã bị chết đuối tại sông Sêrêpok, gần nhà máy thuỷ điện Sêrêpok 4.
Theo thông tin ban đầu, sáng nay, có khoảng 20 em học sinh lớp 6 của trường Hồ Tùng Mậu vào khu vực hồ chứa nước Thủy điện Serepok 4 chơi.
Đến khoảng 10 giờ sáng, nhà trường và người dân địa phương hay tin có nhiều em bị lọt xuống khu vực lòng hồ, đoạn gần sông Serepok nên lập tức tổ chức lực lượng cứu hộ cứu nạn.
12h trưa nay, ông Thích, một cán bộ Ban chỉ huy quân sự huyện Buôn Đôn tham gia tìm kiếm cứu hộ cho biết: Các em học sinh này sau khi thi xong đã rủ nhau đi bộ vào hồ chứa nước Thủy điện Srêpok 4 chơi. Do đang bắt đầu mùa mưa, con đường mòn vốn là đường lớn bị ngập dưới lòng hồ, một số em đã bị thụt chân sa xuống hồ sâu.
Sông Serepok từng có vụ tai nạn kinh hoàng. (Ảnh Internet)
Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Buôn Đôn cho biết: Cách đây 5 năm, khi vừa xây dựng đập thủy điện, đã có 5 người tử vong tại khu vực này. Đây là lần thứ 2 xảy ra tai nạn thương tâm tại đây. |
Do số học sinh này đi chơi tự phát, không có tổ chức nên chưa thể ước lượng chính xác có bao nhiêu học sinh đã đi xuống khu vực lòng hồ. Ông Thích cho biết, mới xác định được 6 nạn nhân, ngoài 4 em tử nạn, một em đã trở về nhà, em còn lại đang được cấp cứu tại BV Đa khoa huyện Buôn Đôn.
Chị Trần Thị Tính, 34 tuổi, phụ huynh cháu Trần Đức Cảnh, học sinh lớp 6A Trường trung học cơ sở Hồ Tùng Mậu, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắc Lắc kể lại: Sáng nay, con chị thi xong, có đi cùng khoảng 35 bạn ra hồ chơi nhưng cháu không xuống lòng hồ. Một lát sau, chị nhận được tin báo của hàng xóm là có rất nhiều học sinh bị chết đuối dưới lòng hồ. Chị hớt hải chạy ra tìm con thì thấy người dân đã vớt được 4 cháu (3 nam, 1 nữ).
Em Nguyễn Thị Tường Vi may mắn thoát chết và đang được chăm sóc sức khỏe (Ảnh: Giang Nam - Báo ĐăkLăk)
Ông Huỳnh Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn, Đắc Lắc, xác nhận: khoảng 10 giờ 30 sáng nay 14/5, đã có 4 học sinh chết đuối và 1 học sinh được vớt kịp thời đưa đi cấp cứu tại bệnh viện (đều là HS của Trường THCS Hồ Tùng Mậu). Khu vực các học sinh gặp nạn tại mép hồ chứa nước của hồ Thuỷ điện Serepok.
Theo ông Quang, tại hiện trường vẫn còn 5 đôi dép của các em vẫn để lại trên bờ vì thế có khả năng các em xuống tắm và bị chết đuối. Khu vực nơi các em chết đuối nước sâu chỉ khoảng 1,5m.
Hiện thi thể 4 em chết đuối đã được các lực lượng chức năng của huyện vớt đưa lên bờ và gia đình đã đưa về lo hậu sự. Riêng 1 em được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Buôn Đôn đã tỉnh lại và uống được sữa…
Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắc Lắc - ông Nguyễn Hữu Trung - cho biết: Theo thông tin ông nhận được, đây là nhóm học sinh lớp 6 trường Hồ Tùng Mậu huyện Buôn Đôn. Sau kì thi học kì II, nhóm học sinh này xuống hồ nước ở thủy điện tắm và gặp nạn.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức Lộc - Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Buôn Đôn cho biết: Trong 4 cháu đã tử vong, có 3 học sinh nam và 1 học sinh nữ. Khi vớt các học sinh này lên, 2 cháu đã tử vong. 3 cháu còn lại được nhập viện. Song, hai cháu đã không qua khỏi. Học sinh còn lại sau khi được cấp cứu đã hồi phục tốt.
Cơ quan chức năng cho biết, ngoài các em đã tử vong và cấp cứu tại bệnh viện, các em học sinh còn lại đã trở về nhà an toàn.
Lãnh đạo trường THCS Hồ Tùng Mậu khẳng định, có 4 em đã tử vong trong vụ tai nạn thương tâm, không phải hàng chục em như một số nghi vấn ban đầu.
Danh sách các học sinh chết đuối:
1. Nguyễn Thị Minh Hiền (SN 2001, ở xã Tân Hoà, huyện Buôn Đôn)
2. Nguyễn Thị Bình An (SN 2001, ở xã Ea Ven, huyện Buôn Đôn)
3. Ngô Thế Hiệp (SN 2001, ở xã Ea Ven)
4. Lê Thị Ngọc Huyền (SN 2001, ở xã Ea Ven)
Học sinh đang cấp cứu tại bệnh viện là Nguyễn Thị Tường Vi (SN 2001, xã Ea Ven).
* Tiếp tục cập nhật…
Ông Trần Minh Thế - Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án thủy điện Serepok 4 cho biết, điểm xảy ra tai nạn là khu vực hết sức nguy hiểm, bởi đây là hố tiêu năng của đập tràn có cao trình chênh lệch hơn 15m, có nhiều hầm và tảng bê tông nhằm giảm lưu lực nước đổ từ trên đập xuống, làm cho hạ lưu dòng sông chảy bình thường. Vì là khu vực rất nguy hiểm nên công trình đã đặt nhiều biển cảnh báo cấm người vào. Ông Trần Minh Thế nói: “Về đảm bảo an ninh cho công trình, chúng tôi đều có biển báo, rồi những cảnh báo, giăng lưới không cho vào vùng nguy hiểm. Chúng tôi đã làm hết nhưng người dân vẫn không hiểu và mặc dầu đã có cảnh báo nhưng họ vẫn vào ở đó đánh cá, rồi cả trẻ con tắm đó không ngăn được". (Theo VOV) |