Câu chuyện côn đồ dàn cảnh đâm xe được chia sẻ trên một trang cá nhân đang thu hút sự quan tâm của cư dân mạng.
Côn đồ gây tai nạn đòi tiền
Đây là câu chuyện của chị Nguyễn Thị Thảo (Quận Cầu Giấy, Hà Nội) được chia sẻ qua mạng xã hội Facebook thu hút sự quan tâm của nhiều cư dân mạng những ngày qua.
Sự việc xảy ra hôm thứ Bảy (20/4), khi chị cùng con gái và mẹ đẻ đi chơi về. Tiếp chúng tôi tại nơi làm việc, chị Thảo bình tĩnh kể lại sự việc, dù chân bị đau và việc di chuyển gặp khó khăn.
Status của chị Thảo trên Facebook cá nhân nhận được nhiều sự động viên từ bạn bè
Theo lời chị Thảo, trước khi sự việc mới đây xảy ra, chị đã bị cướp và trộm ba lần trong thời gian ngắn. Cách đây 2 năm, chị bị hai đối tượng thanh niên đi SH giật dây chuyền ngay trên phố Tràng Tiền (Hà Nội). Trong chuyến công tác gần đây, khi đang vẫy taxi trên đường Điện Biên Phủ (TP.Hồ Chí Minh), chị Thảo bị một đối tượng giật điện thoại GalaxyTab. Tiếp đó, khi đưa con gái đi chơi ở một siêu thị tại Hà Nội, chiếc điện thoại Galaxy S2 vừa mua cũng “không cánh mà bay”.
Hôm thứ Bảy (20/4), chị Thảo cùng con gái và mẹ đẻ đi chơi tại Vincom. Trên đường về, đến điểm rẽ từ đường Xã Đàn sang ngã 5 Khâm Thiên – Đê La Thành, một đôi nam nữ đi xe máy lao vào ngay đầu xe khiến chị không kịp trở tay.
Vết thương ở đầu gối của chị Thảo vẫn chưa khỏi hẳn
Chị Thảo cho biết: “Ngay lúc đó có một người đàn ông đi đường lại giúp tôi đỡ xe lên. Tôi nghĩ đó là tai nạn bình thường. Nhưng, khi ngẩng lên thấy đôi nam nữ xăm trổ từ đầu đến chân, không có mũ bảo hiểm. Chưa hiểu chuyện gì thì hai đối tượng văng tục và chửi bới rất ngổ ngáo”.
Dù chị Thảo đi đúng đường nhưng phải lên tiếng xin lỗi trước. Tuy nhiên, đối tượng nữ dám xông vào khóa cổ, đưa ra đòi hỏi đi bệnh viện và sửa xe. Thậm chí, chúng còn lên tiếng dọa sẽ gọi đồng bọn tới, nếu yêu sách không được đáp ứng.
Theo lời chị Thảo, nhiều người đi qua đường chỉ dám nhìn chứ không ai đứng lại giúp đỡ. “Tôi bình tĩnh xin đưa con về, chấp nhận đưa 200.000 đồng để hai đối tượng sửa xe nhưng chúng vẫn tiếp tục chửi bới. Cuối cùng, tôi đưa hết số tiền khoảng 800.000 đồng, câu chuyện mới dừng lại”, chị Thảo nói.
Ngay khi đối tượng gây tai nạn giở trò vòi tiền, dọa dẫm, chị nhận ra đây chỉ là màn dựng cảnh để trấn lột tiền một cách trắng trợn. Sau sự việc trên, chị Thảo phải nằm nghỉ tại nhà vài ngày do chấn thương ở đầu gối, con gái bị trầy xước, bà ngoại bị sưng mắt cá chân và mặt.
Chị Nguyễn Thị Thảo - nạn nhân trong vụ dựng cảnh tai nạn để trấn lột
Chính bản thân chị Thảo không đánh giá câu chuyện này liên quan đến thực trạng hay vấn đề của xã hội. Theo chị, đơn thuần chỉ là tình huống bình thường trong cuộc sống.
“Tôi cũng không nghĩ đến việc trình báo công an, vì không muốn dây tới những sự việc dài dòng. Tôi nghĩ sự rủi ro trong cuộc sống là chuyện bình thường”, chị Thảo lý giải.
Làm gì khi bị dàn cảnh để cướp?
Sau khi sự việc bị cướp trắng trợn của chị Thảo được đăng tải trên Facebook cá nhân đã nhận được gần 2000 lượt like, hơn 1.100 lượt chia sẻ và hàng trăm comment.
Nhiều bạn bè của chị Thảo bình luận bày tỏ sự phẫn nộ trước hành vi côn đồ của đôi nam, nữ bất nhân.
Một thành viên mạng Facebook nêu cách xử trí: “Đơn giản chỉ cần bấm số điện thoại 113 sau đấy gọi điện thoại cho người thân của mình đến. Không cần phải đôi co với chúng cũng không cần để ý đến chúng làm gì. Giữa chỗ đông người qua lại, bọn tội phạm không dám manh động làm tổn hại đến mình đâu”.
Trải qua một loạt sự việc, chị Thảo đưa ra lời khuyên: “Khi ra đường không nên mang nhiều tiền nhưng cũng nên cầm theo tiền. Các đồ đắt tiền nên để trong cốp, không nên đeo trang sức và nghe điện thoại khi đi đường. Khi xảy ra sự việc nên khóa cổ xe, bình tĩnh để giải quyết”.
Theo quan điểm của chị Thảo, để không xảy ra những sự việc như vừa qua, trước hết mỗi cá nhân cần chủ động thay đổi, nâng cao tinh thần cảnh giác,
Trao đổi với phóng viên, Trung tá Trịnh Quang Tuấn – Trưởng Công an Phường Nam Đồng (Đống Đa – Hà Nội) cho biết: Dựng cảnh va chạm giả là một trong những cách tội phạm lợi dụng để ăn vạ người đi đường. Ngoài ra, chúng còn lợi dụng sơ hở khi người dân đứng chờ đèn đỏ để móc túi hoặc trộm tài sản khi có tai nạn xảy ra.
Cũng theo Trung tá Tuấn, chưa có trình báo nào về việc dựng tai nạn giả để cướp tiền. Tuy nhiên, trước đây từng có tin báo về một số vụ móc túi người đứng chờ đèn đỏ ngay tại ngã 5 Khâm Thiên – Đê La Thành.
“Khi xảy ra sự việc dù nhỏ nên báo cáo với cơ quan công an. Có thể chưa tìm ra thủ phạm nhưng cũng giúp cơ quan công an có thể nắm được thông tin để tổ chức phòng ngừa cho các trường hợp khác”, vị trưởng Công an Phường Nam Đồng nhấn mạnh.
Khi gặp những tình huống như trường hợp của chị Thảo, Trung tá Trịnh Quang Tuấn đưa ra lời khuyên: “Tài sản có giá trị nên cho vào cốp. Trong trường hợp khi có đối tượng va chạm xe, đầu tiên cần khóa xe và rút chìa khóa ra khỏi ổ. Sau đó, bình tĩnh đưa xe vào vỉa hè, không để đối tượng dẫn dắt vào chỗ có lợi cho việc trộm cắp. Đồng thời, liên hệ với công an nơi gần nhất hoặc bất cứ công an nào đi qua đường dù không thuộc địa bàn phụ trách để nhận được sự hỗ trợ”.