Đọc lời giải thích về từ "Canh gà", chắc chắn nhiều người còn cảm thấy khó hiểu hơn.
Ông cha ta vẫn nói: “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam". Điều này thể hiện rõ qua kho từ vựng đồ sộ có học đến cả đời không biết hết. Thậm chí ngay cả người Việt đôi khi cũng cảm thấy khó nhằn.
Cộng đồng mạng từng được phen phát lú với cách lý giải ý nghĩa của từ “canh gà".
Cụ thể, một người dùng mạng xã hội đã đăng phần giải thích cắt nghĩa từ "Canh Gà" khi được cô giáo dạy: "Khi nói đến "Canh Gà" thì bạn có thể hiểu là "Canh Gà" hoặc "Canh Gà". Thật ra "Canh Gà" và "Canh Gà" có 2 nghĩa khác nhau. Một bên là "Canh Gà" tức là "Canh Gà" còn bên kia thì "Canh Gà" tức là "Canh Gà".
Nếu hiểu theo nghĩa là "Canh Gà" thì nó là "Canh Gà", còn nếu hiểu theo nghĩa "Canh Gà" nó lại là "Canh Gà". Vì vậy không có gì lạ khi nghe cô giáo cất nghĩa "Canh Gà" mọi người lại hiểu là "Canh Gà". Chữ "Canh Gà" ở đây có nghĩa là "Canh Gà" còn cô giáo lại hiểu là "Canh Gà". Nhưng thực tế "Canh Gà" ở đây lại là "Canh Gà". Rất dễ nhầm lẫn bởi vì "Canh Gà" và "Canh Gà" tuy khác nhau nhưng lại có nhiều điểm giống nhau...".
Bài đăng nhận được nhiều sự quan tâm vì cách lý giải không thể nào “lú” hơn.
Cách giải thích có phần hóm hỉnh này khiến người đọc sau khi đọc xong còn thấy khó hiểu hơn. Ngoài nghĩa nó là một món ăn quen thuộc của người Việt: món canh gà, thì theo từ điển tiếng Việt, từ "Canh Gà" là danh từ chỉ thời gian cuối đêm, lúc trời sắp sáng. Trong ca dao và văn chương từ này cũng được sử dụng nhiều, ví dụ:
"Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa,
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh.
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương"
(Ca dao)
Hay "Hai cái sừng trăng đã mở to, đã đầy dần. Rồi vừng trăng tròn vẽ lên trời, lần thì cái quầng, lần thì cái tán. Thế rồi nó khuyết ở đầu ngọn tre, những lúc gió sớm giục canh gà gọi nước bể dâng lên. Trăng tháng tư đã gần hết một tuần", tác phẩm "Những cái ấm đất" (Nguyễn Tuân).
Cũng từng có nhiều ý kiến trái chiều đưa ra khi lý giải cách hiểu cụm từ “canh gà Thọ Xương". Bên cạnh việc tìm hiểu nguồn gốc những câu thơ trên, nội dung được nhiều cư dân mạng tranh luận và bỏ công tìm hiểu là liệu có tồn tại món ăn mang tên “canh gà Thọ Xương” hay không hay cụm từ này mang một ý nghĩa khác.
Nhiều ý kiến xoay quanh cách lý giải câu thơ “Canh gà Thọ Xương”.
Về chữ “canh” trong câu “canh gà Thọ Xương”, theo PGS.TS. Trịnh Khắc Mạnh (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm), viết chữ 更 để nói về tiếng gà báo canh, không có chữ Canh 羹 (bát canh, món canh). Trong văn cảnh của bài thơ này thì nên hiểu “canh” là canh giờ, “canh gà Thọ Xương” là tiếng gà gáy báo canh ở Thọ Xương - Hà Nội. Còn chữ “canh” là 羹, theo từ điển mới được hiểu là món canh, hoặc là nấu canh.
Như vậy, canh gà Thọ Xương được hiểu là tiếng gà gáy điểm canh tại Thọ Xương, vùng tây cố đô Thăng Long. Tác giả đã dụ ý tiếng gà gáy vang lên cùng lúc với tiếng trống điểm canh năm. Vì thế tác giả mới nảy ra ý nghĩ ngộ nghĩnh là con gà gáy điểm canh! Đây là một nghệ thuật chơi chữ táo bạo của các nhà thơ, nhà văn, có dụng ý đánh động sự hiếu kỳ của độc giả hay thính giả.