Trấn Thành gây tranh cãi khi giải nghĩa tên Trùng Dương là gì trong phim Mai, CĐM bình luận: "Không thể bênh nổi!"

H.A - Ngày 26/02/2024 21:59 PM (GMT+7)

Cách giải thích của Trấn Thành về tên nhân vật Trùng Dương trong bộ phim Mai đang gây chú ý trên MXH. Khán giả khó chấp nhận vì vị đạo diễn hiểu "khác lạ" về nghĩa của từ này.

"Mai" của đạo diễn Trấn Thành đang là 1 trong 2 bộ phim điện ảnh hot nhất thời điểm hiện tại, trong đó "Mai" liên tục xác lập kỷ lục ở phòng vé. Nội dung phim xoay quanh cuộc sống của nữ chính tên Mai (do Phương Anh Đào đảm nhận), một nhân viên massage gần 40 tuổi tình cờ gặp nhạc công Dương (do Tuấn Trần thủ vai) và được anh săn đón. Song mối quan hệ của họ sớm gặp sóng gió khi Mai có quá khứ nhiều bi kịch.

Sức nóng của bộ phim được lan tỏa trên khắp cõi mạng và thu hút lượng quan tâm lớn. Mới đây, tác giả sách quen thuộc với nhiều bậc phụ huynh - chị Trần Thu Hà đã có bài đăng phân tích về các nhân vật và nội dung trong phim Mai. Hồi đáp lại sự yêu mến của khán giả, Trấn Thành đã bình luận dưới bài đăng của tài khoản này: "Chị viết hay quá. Kế bên Mai là Bình Minh và Dương. Đều là ánh sáng của đời Mai. Nhưng Bình Minh là tươi sáng. Nhưng bên kia là Trùng Dương. Tuy là ánh dương nhưng sẽ trùng xuống. Cám ơn chị đã ngẫm bộ phim thật sâu". Sau đó, anh sửa thành "chùng xuống".

Màn giải nghĩa tên nhân vật của Trấn Thành gây xôn xao mạng xã hội

Màn giải nghĩa tên nhân vật của Trấn Thành gây xôn xao mạng xã hội

Việc một đạo diễn hồi đáp lại sự yêu thương của khán giả dành cho "đứa con tinh thần" của mình là việc bình thường, tăng tương tác và mang bộ phim đến gần hơn với khán giả. Chị Trần Thu Hà cũng bày tỏ sự cảm ơn khi Trấn Thành đọc và hồi đáp ý kiến của mình.

Nhưng điều làm cho khán giả tranh luận khắp cõi mạng là phần giải nghĩa của Trấn Thành cho cái tên của nam chính - "Trùng Dương". Theo vị đạo diễn, Trùng Dương có nghĩa là ánh dương nhưng sẽ chùng xuống. Nhiều ý kiến bày tỏ khó chấp nhận với màn giải nghĩa của đạo diễn Trấn Thành vì sai lệch về ngữ nghĩa:

"Trấn Thành giải thích ý đồ đặt tên nhân vật nghe cứ sai sai. Dương trong từ "trùng dương" thường được hiểu là biển lớn, chứ không phải mặt trời. Chữ "trùng" ở đây cũng không phải là "chùng xuống""

"Một pha lý giải đi vào lòng đất. Đang mê phim quá trời mà đọc xong màn giải nghĩa của đạo diễn lại xỉu ngang. Lần này không thể bênh nổi luôn".

"Chữ "dương" Trấn Thành giải thích theo nghĩa Hán Việt, còn chữ "trùng" lại nói theo nghĩa thuần Việt thì không hợp lý. Mà dùng từ "chùng" ở đây cũng không đúng, chẳng ai nói "Chùng Dương" là ánh dương bị chùng xuống cả".

Một số KOL nổi tiếng cũng có màn" troll" đùa sau phần giải nghĩa của Trần Thành. KOL Lâm Minh Chánh viết: "Tôi mê cao thủ võ Lâm Vương Trùng Dương, đệ nhất Thiên hạ ngũ tuyệt.Giờ mới hiểu lý do ông chết sớm: ánh dương của ông bị "chùng"".

Chia sẻ trên báo Dân trí, PGS.TS Phạm Văn Tình - nguyên Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam - cho biết về mặt chữ, "trùng" và "chùng" là 2 từ hoàn toàn khác nhau. Về mặt nghĩa, cách lý giải của Trấn Thành cũng không chính xác.

"Theo tôi, Trấn Thành nhầm lẫn rất lớn. Phát ngôn của Trấn Thành sai về mặt chính tả, sai cả về mặt ý nghĩa âm tiết. Chính tả phải phản ánh chính âm, còn ở đây chính tả lại không phản ánh chính âm".

Trấn Thành gây tranh cãi khi giải nghĩa tên Trùng Dương là gì trong phim Mai, CĐM bình luận: amp;#34;Không thể bênh nổi!amp;#34; - 2

Theo từ điển Hán - Nôm: "trùng dương" có nghĩa là biển xa, biển cả nghìn trùng cách trở, biển cả liên tiếp. Trong đó, từ "trùng" có nghĩa lặp lại, lại, lặp đi lặp lại nhiều lần, lớp lớp chồng lên nhau, "dương" có nghĩa là đại dương, biển khơi.

Trùng dương nghĩa là biển cả mênh mông chứ không phải nói về ánh mặt trời. Trong văn chương Việt Nam thường dùng từ này để chỉ biển cả bao la rộng lớn, liên tiếp nhau. 

"Giải thích "trùng" theo nghĩa "chùng xuống" cũng hoàn toàn sai. "Chùng" là từ thuần Việt, chỉ trạng thái không được kéo căng, ví dụ như chúng ta hay nói "dây đàn bị chùng". Còn "trùng" là từ Hán - Việt", PGS.TS Phạm Văn Tình nói.

Trùng Dương còn là tên gọi của một ngày lễ truyền thống được tổ chức vào ngày 9/9 âm lịch hàng năm ở Trung Quốc. Theo quan niệm dân gian, số 9 là con số dương, ngày mùng 9 tháng 9 có hai số 9 trùng nhau nên gọi là "Trùng Cửu" hay "Trùng Dương".

Ngày này tượng trưng cho sự hưởng thọ, sức khỏe và may mắn. Là dịp để con cháu thể hiện lòng hiếu thảo, kính trọng đối với ông bà cha mẹ và được coi là một ngày lễ quan trọng của Nho giáo.

Đây không phải lần đầu tiên Trấn Thành vướng ồn ào về việc sử dụng ngôn ngữ. Tuy vậy, cũng không thể phủ nhận thực tế là phim "Mai" vẫn tiếp tục viral trên mạng xã hội, thu hút sự chú ý của cư dân mạng. 

Vẻ đẹp của Tiếng Việt qua cổ mỹ từ, ngày càng ít người sử dụng: Du nhiên, yển nguyệt, tầm phương... nghĩa là gì?
Cổ mỹ từ là những từ có sắc thái cổ, vốn dĩ mang ý nghĩa rất đẹp trong tiếng Việt cổ xưa. Tuy nhiên theo thời gian, những từ ngữ này dần biến mất do bị các từ mới, ngôn ngữ hiện đại thay thế. Dưới đây là một số cổ mỹ từ hay mà ít người biết đến.

Những khám phá thú vị về tiếng Việt

Theo H.A
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Những khám phá thú vị về tiếng Việt