Câu thành ngữ “đều như vắt tranh" thường được sử dụng trong đời sống hàng ngày khi miêu tả việc gì đó lặp đi lặp lại một cách đều đặn và dễ dàng. Tuy vậy, nhiều người vẫn thường hay hiểu sai về ý nghĩa sâu xa của thành ngữ này.
Dù được sử dụng khá rộng rãi, nhiều người vẫn thường nhầm lẫn giữa cụm từ “vắt chanh” và “vắt tranh" trong câu thành ngữ “đều như vắt tranh". Thực chất, từ ngữ đúng trong thành ngữ này phải là “vắt tranh". Với cách giải thích rằng cụm từ này ám chỉ là hành động dùng cây cỏ tranh để lợp mái nhà, khi đó người ta dùng cỏ tranh đan vào nhau thành từng vắt một đều tăm tắp, nên gọi là vắt tranh. Còn hành động “vắt chanh” thì không thể thực hiện đều, lặp lại như nhau được.
"Vắt" trong câu này được hiểu như một danh từ mang nghĩa từng lượng được đong đếm, ví dụ như vắt cơm, vắt xôi được tạo thành nắm chứ không phải là một động từ. "Đều như vắt tranh" có nghĩa là làm một cái gì đấy rất đồng đều. Có thể nhiều người không biết tranh là gì hoặc do từ ngữ vùng miền nên theo thói quen đọc ra chữ "chanh" và lâu dần thành một câu thành ngữ thông dụng.
“Vắt tranh” dùng để chỉ từng bó cỏ tranh được xếp đều tăm tắp khi lợp mái nhà.
Với thế hệ trẻ thời nay, khái niệm “vắt tranh" có thể nghe khá xa lạ, nhưng những mái nhà lợp bằng tranh lại mang đậm đà nét văn hoá của kiến trúc dân gian cổ. Từ xa xưa, nhà tranh vách đất là kiểu nhà được người nông dân dựng lên từ những nguyên liệu như tre, nứa, rơm, tranh, bùn… với mục đích che nắng, che mưa. Dù chỉ là kiểu nhà ở mộc mạc, bình dị nhưng mang đậm nét đặc sắc của vùng nông thôn Việt Nam. Muốn có được vắt tranh đều để khi lợp lên mái nhà trông đẹp, không bị thấm nước mưa đòi hỏi người thợ làm phải có “bàn tay vàng" mới được gia chủ tin tưởng giao phó.
Nhà tranh vách đá là kiểu kiến trúc đậm nét văn hoá của người nông dân thời xưa.
Để có được những tấm tranh để lợp mái hoặc dựng vách, những người thợ lành nghề này phải “đánh” tranh, tức là bện tranh thành từng tấm theo kích thước phù hợp với quy mô của nhà. Đây là công việc không phải ai cũng có thể làm được, bởi lẽ không chỉ cần kỹ thuật khéo léo mà còn cần phải có con mắt nghệ thuật, xếp tranh sao cho vừa đều, vừa đẹp, lại cân nhắc tính toán sao cho không để lọt hạt nắng, giọt mưa nào vào nhà.
Muốn “đánh” được vắt tranh đều tăm tắp, tay người thợ đong làm sao cho lượng tranh vắt nào cũng bằng nhau, lượng sợi trong tay phải vừa vặn, ngón cái cụng với ngón trỏ, nếu ít hơn thì thêm vào và ngược lại. Với sự khéo léo cần thiết trong cách làm này, vắt tranh dần được coi như là một nét đẹp của văn hoá nước ta. Người thợ còn được ví như một nghệ nhân thực thụ, đi cả vào trong thơ ca: “Đàn ông lợp nhà, đàn bà đi chợ”.
Tuy đơn sơ nhưng nhà tranh đòi hỏi người thợ phải khéo léo mới làm ra được từng vắt đều nhau.
Lợp mái nhà bằng tranh rất bền chắc, nếu lợp dày 15 – 20cm thì đến cả chục năm mới phải lợp lại một lần. So với lợp bằng ngói, bằng tôn và các loại tấm lợp hiện đại... thì nhà có mái lợp bằng cỏ tranh sẽ mát mẻ hơn.