Người đứng sau bản rap “À lôi" hot hit này không ai khác chính là Double2T - anh chàng điển trai đến từ chương trình “Rap Việt” mùa 3.
“Tại vì thích em nhiều quá. Nhưng em lại nói là à lôi. Cũng thích solo hiphop cùng với trai bản nhưng mà thôi. Anh gửi vào trong câu rap cho em dính cả thính cả mồi. Nhà em có mấy quả đồi ừ thì anh cũng tính cả rồi...”. Đây chính là đoạn rap viral được trích ra từ ca khúc “À Lôi" gây sốt mạng xã hội những ngày qua. Sản phẩm là sự hợp tác giữa rapper “mới nổi" Double2T và phù thuỷ âm nhạc Masew.
“À Lôi” được yêu thích bởi sự kết hợp độc đáo giữa rap hiện đại và nền nhạc dân tộc.
Ở thời điểm hiện tại, bản hit À Lôi đang sở hữu thành tích siêu khủng khi liên tục giữ vị trí số 1 trên nhiều bảng xếp hạng âm nhạc và nền tảng xã hội như bảng xếp hạng tuần Làn sóng xanh, TikTok, Nhạc của tui, Zing chart, tab thịnh hành YouTube.
"À lôi" hay "à lôi nỏ" chính là câu nói đặc trưng của người dân tộc Tày, có nghĩa là "Hả?" hay "Trời ơi". Cụm từ này được dùng để thể hiện cảm xúc ngạc nhiên đến sửng sốt, sự bất ngờ trước một sự vật hay sự việc nào đó.
Thực chất, từ khóa “à lôi” bắt đầu được cư dân mạng biết đến nhiều qua một clip lan truyền trên TikTok với hình ảnh những chàng trai mặc trang phục dân tộc hét lên “à lôi, à lôi”... Ngay sau đó, chàng rapper trẻ Double2T đã nhanh chóng bắt trend và cho ra mắt đoạn nhạc vô cùng bắt tai.
Double2T là chàng rapper trẻ được nhiều người yêu thích từ chương trình Rap Việt mùa 3.
Bài rap À lôi của rapper “người miền núi chất” trên nền nhạc rap hiện đại hoà cùng thanh âm của người miền núi thu hút hơn 4,4 triệu lượt xem chỉ sau 6 ngày phát hành trên Youtube. Nhiều trend biến hình thành trai, gái bản hay nhảy trên nền nhạc này cũng thu hút hàng trăm ngàn đến hàng triệu lượt xem.
Cũng từng mang tiếng nói dân tộc vào trong câu hát, BigDaddy và Đoàn Thúy Trang đã cho ra mắt bài hát “Tình yêu màu nắng” với câu nói tạo trend một thời “Ai mặc nọong lái lai”. Đây là một cụm từ có nguồn gốc từ dân tộc Thái ở nước ta và có ý nghĩa “Anh yêu em nhiều lắm.” Điều đặc biệt là cụm từ này mang trong nó sự dày công, tinh tế và thú vị của văn hóa dân gian Thái.
Trong cụm từ này, “Ai” được dùng để chỉ “Anh”, biểu hiện tình cảm và lòng yêu thương của người nói dành cho người hỏi. “Mặc” trong tiếng Thái có nghĩa là “yêu”, thể hiện sự thân ái, ấm áp và quan tâm. “Noọng” tương đương với “em”, mang ý nghĩa tôn kính và gần gũi. Cuối cùng, “lái lai” đồng nghĩa với “nhiều lắm”, thể hiện sự mãnh liệt và sâu sắc của tình yêu.
“Ai mặc nọong lái lai” trong tiếng dân tộc Thái có nghĩa là “Anh yêu em nhiều lắm”.
Bên cạnh đó còn có cụm từ “noọng mặc ai lái lai” cũng rất ý nghĩa, là cách người nói thể hiện tình yêu vô bờ bến dành cho người được yêu. Đó là sự gắn kết chặt chẽ và sẵn lòng hy sinh, là khẳng định mạnh mẽ về mối quan hệ đáng quý và tình cảm mãnh liệt không thể lìa xa.
Cũng có mong muốn lưu giữ tiếng nói dân tộc, ca sĩ người Jrai - Balin đã sáng tác nhiều ca khúc song ngữ (Jrai - Việt) và thể hiện chúng. Chàng trai sinh năm 1994 tại làng Mrong Yố, xã Ia Ka, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai, vốn nổi tiếng trên mạng xã hội với những bài hát cover đạt hàng chục triệu lượt xem.
Từ cuối năm 2017 đến nay, Balin đã sáng tác hàng chục ca khúc song ngữ (Jrai - Việt), trong đó phải kể đến những bài hát nổi bật như: “R’ngot Adơi” (Nhớ em), “Khắp Adơi na nao” (Yêu em mãi mãi), “Do cang adơi” (Vẫn đợi em)… Ca khúc “R’ngot Adơi” đã được nhiều bạn trẻ yêu thích và được hát trong lễ hội, buổi tiệc, đám cưới…
Ca sĩ Balin cho rằng, tiếng dân tộc mình rất đẹp và rất hay. Mỗi lần hát bằng tiếng dân tộc của mình, anh cảm thấy như được thăng hoa. Anh rất tự hào khi nhận được nhiều lời động viên từ những người bà con dân tộc mình.
Balin (bên phải) là người đã đem tiếng dân tộc mình vào trong câu hát, nhằm giữ gìn vẻ đẹp của tiếng nói này.
“Người Tây Nguyên rất yêu âm nhạc và âm nhạc của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên cũng rất đa dạng, phong phú, trong đó có dân tộc Jrai của tôi. Tôi được sinh ra ở vùng đất này, nơi những đứa trẻ lớn lên đã thấm nhuần những điệu dân ca. Hơn nữa, một thuận lợi khi sáng tác song ngữ là tiếng Jrai rất dễ nghe, có cách phát âm rất nhẹ nhàng” - Balin nhấn mạnh.
Thông qua âm nhạc sẽ đem được những bản sắc thanh âm của người miền núi đến gần hơn với mọi người, để kết nối khoảng cách giữa miền núi và đồng bằng xích lại gần nhau hơn, để mọi người có thể hiểu nhiều hơn phong tục tập quán cũng như cuộc sống của người miền núi. Sự kết hợp độc đáo giữa âm nhạc hiện đại và tiếng nói dân tộc nhận được nhiều sự thích thú của giới còn là cách để lưu giữ bản sắc dân tộc tuyệt đẹp của Việt Nam ta.