Nhiều người chưa sẵn sàng về mặt tâm lý hoặc có nỗi trăn trở khi không thu xếp được chuyện gia đình để quay trở lại công ty làm việc.
Từ 6h ngày 21/9, Hà Nội bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội, nhiều hoạt động – dịch vụ được mở lại. Trong đó, các cơ quan, công sở, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc theo nguyên tắc 50/50 (50% tại trụ sở và 50% online tại nhà).
Việc người dân được quay trở lại nơi làm việc là một động thái quan trọng giúp các doanh nghiệp phục hồi, phát triển nền kinh tế. Song nhiều người lại chưa sẵn sàng tâm lý hoặc có nỗi trăn trở khi không thu xếp được chuyện gia đình để... đi làm lại.
Nhận tin công ty sẽ bố trí nhân sự: 50% làm online và 50% làm tại trụ sở, chị Yến Anh (29 tuổi, Đống Đa) – nhân viên pháp chế tại một công ty luật thực sự cuống cuồng và lo lắng. Chị kể hay tin Hà Nội giãn cách, người giúp việc đã xin về quê tránh dịch. Khi ấy, chị nghĩ bản thân được làm việc ở nhà nên đồng ý cho họ về quê và thống nhất vợ chồng sẽ cùng nhau chăm 2 đứa con gái lên 6 tuổi và 2 tuổi. Hơn nữa, như thế chị có thể cắt giảm một phần chi tiêu trong nhà, tiết kiệm tiền giữa mùa dịch này.
“Hồi đầu, tôi mừng lắm vì đợt dịch này tiết kiệm được 12 triệu đồng tiền thuê giúp việc. Và giờ mới thấm thía sự khốn khổ. Hôm trước nhận tin công ty báo sang tuần đi làm trở lại, vợ chồng tôi quay cuồng không biết phải làm sao? Tối qua (23/9) tôi gọi điện tha thiết nhờ chị giúp việc lên trông con giúp nhưng không được. Bởi chị quê ở Phủ Lý (Hà Nam), đang thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, lên Hà Nội sẽ phải đi cách ly tập trung 14 ngày”, chị Yến Anh chia sẻ.
Nhiều người lo lắng khi nhận thông báo 50% nhân sự sẽ quay trở lại làm việc tại công ty. (Ảnh minh họa)
Không thuê được giúp việc, chị Yến Anh đành gọi điện về nhờ bà ngoại lên trông con giúp một thời gian. Song ở quê đang vào vụ thu hoạch lúa chiêm nên mẹ chị không thể lên ngay được, chừng chục ngày nữa mới thu xếp được công việc đồng áng. Còn mẹ chồng vướng chăm con dâu thứ mới sinh em bé.
“Thực sự vợ chồng tôi rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nam”, không biết xoay xở ra sao? Chúng tôi có thể thay phiên đăng kí làm online nhưng e rằng ông xã không thể vừa làm việc, vừa cho đứa lớn học online rồi trông đứa bé. Tuy nhiên tôi chẳng biết phải làm sao, bản thân cũng không thể xin nghỉ việc ở nhà trông con được”, người mẹ 2 con trăn trở.
Trên các hội nhóm tìm người giúp việc tại Hà Nội, rất nhiều người đã đăng tải bài viết tìm người giúp việc nhà, trông trẻ... bởi các công ty bắt đầu bố trí nhân viên quay trở lại làm việc, không cho làm ở nhà như trong giai đoạn siết chặt giãn cách xã hội, do đó, nhiều gia đình gấp rút tìm người để thu xếp việc nhà.
Rất đông người có nhu cầu tìm giúp việc để quay lại nhịp sinh hoạt bình thường.
Khác với giai đoạn trước, gần đây, thông báo tìm người giúp việc còn kèm theo tiêu chí "Đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin ngừa COVID-19" và "Test nhanh âm tính" trước khi đi làm.
Chị Nguyễn Loan (29 tuổi, Cầu Giấy) – nhân viên tại một công ty truyền thông ở Nam Từ Liêm cho biết: “Ban lãnh đạo công ty của mình đã lên phương án phân chia nhân lực làm việc luân phiên theo tuần: 50% tại nhà, 50% đến công ty. Mọi thứ bắt đầu từ ngày đầu tuần tới (27/9) để nhân viên có thời gian lựa chọn rồi đăng kí theo nguyện vọng.
Ban đầu, mình xin chị trưởng phòng tuần tới được làm việc online bởi chưa sẵn sàng tinh thần. Nhưng do nhiều đồng nghiệp chưa bố trí được người trông/kèm con học online, vì thế mình bị đẩy lên danh sách đi làm luôn”.
Mặc dù chị Loan đã tiêm 1 mũi vaccine COVID-19 nhưng ở nhà quá lâu khiến chị rơi vào tình trạng ngại ra ngoài, không muốn gặp gỡ ai,... thậm chí luôn tưởng tượng chẳng may đi đường va phải F0. Chị đã tìm đến bác sĩ tâm lý xin “đơn thuốc” điều trị nửa tháng nay và đang có tiến triển.
“Mình ở một mình suốt 2 tháng, tâm lý yếu nên sang chấn nhẹ. Vì thế khi công ty thông báo nhân sự đi làm trở lại, mình đã sốc nhẹ và cần có thêm thời gian để chuẩn bị tinh thần. Mình sợ nếu chưa sẵn sàng thì hiệu quả công việc chẳng đâu vào đâu rồi sức khỏe tiếp tục xuống dốc. Có lẽ, mình sẽ nói chuyện với sếp về vấn đề này và mong được thông cảm, tạo điều kiện cho mình làm online tại nhà một thời gian nữa”, người phụ nữ 29 tuổi nói.
Họ đã quen với guồng công việc làm online tại nhà.
Chị Minh Châu (27 tuổi, Hai Bà Trưng) – công tác tại công ty phần mềm công nghệ cho biết, bản thân không hề stress khi nghĩ đến cảnh hàng ngày đến công ty. Song chị lại có những nỗi lo mà nhiều đồng nghiệp “vướng phải” khi làm việc luân phiên giữa online và offline.
“Công ty mình có đặc thù riêng khác với những nơi khác – đó là bảo mật toàn bộ thông tin. Xưa nay đều phải sử dụng máy tính bàn của công ty cung cấp. Đợt Thủ đô mới giãn cách, chúng mình chật vật vận chuyển máy từ cơ quan về nhà để đảm bảo mọi thứ! Giờ 50% làm online, 50% làm offline luân phiên thì không biết công ty sẽ có giải pháp ra sao?”, chị Minh Châu nói.
Cũng theo chị Minh Châu, chị không thể cứ đầu tuần đem màn hình, bàn phím và cây máy lên công ty rồi cuối tuần lóc cóc chở về nhà được. Hơn nữa, chị không hề thành thạo trong việc lắp máy nên gặp khá nhiều khó khăn. “Mình mong công ty có phương án phù hợp, có thể linh động mọi thứ để nhân viên hoàn thành tốt công việc trong thời gian này. Nếu được, mình xin lựa chọn được làm việc online đến khi thành phố có công văn mới liên quan đến người lao động”, cô gái 27 tuổi bày tỏ.