Những cây đào khi ra phố dù phải “chống nạng” và có phần mục ruỗng nhưng vẫn được chào bán với giá hàng chục triệu đồng và được nhiều đại gia đón nhận.
Đầu tháng 12 âm lịch nhiều con phố ở Hà Nội đã tập kết đào ra các điểm bán, nhằm phục vụ nhu cầu chơi Tết của các gia đình. Ngoài những gốc đào cỡ nhỏ hoặc tầm trung, một số địa điểm trên đường Lạc Long Quân, Võ Chí Công… còn xuất hiện những gốc đào cổ thụ được bày bán. Đáng nói, những gốc đào này dù chưa hé nụ, nhìn bề ngoài giống như những khúc gỗ mục, phải chống nạng đứng bên đường nhưng lại thu hút được rất nhiều người xem và đặt hàng.
Anh Hoàng Quân (chủ cơ sở bán đào trên phố Võ Chí Công) cho biết, dù gốc đào cổ thụ nhìn bề ngoài không thật bắt mắt, tuy nhiên nó vẫn có những giá trị riêng mà không phải ai cũng có thể sở hữu được. Thậm chí, có những gốc đào còn được gọi là "cụ đào” vì tuổi đời khá cao lên đến 70-80 năm vì thế việc bị mục ruỗng hoặc rêu phong là chuyện rất bình thường.
Nhiều tuyến phố ở Hà Nội đào cổ thụ bắt đầu xuống phố để phục vụ thị trường Tết.
Một số nơi vẫn còn đang ở trong công tác chuẩn bị nhưng đã có khách đến đặt hàng.
“Ngay với chúng tôi là dân buôn đào mà tìm được những sản phẩm này cũng rất khó khăn, bởi ở Hà Nội nếu có được gốc đào cổ thụ nguyên bản như vậy dường như không thể có. Chúng tôi phải lặn lội đi tìm kiếm khắp các vùng rừng núi, rồi công vận chuyển, chăm sóc nhiều năm mới cho ra được sản phẩm như vậy”, anh Quân nói.
Theo người đàn ông này, một gốc đào cổ thụ vài chục năm tuổi dường như để có hoa và cành nguyên bản là rất khó, chủ vườn đào sau khi mua về phải tạo thế, tạo dáng rồi ghép cành, chăm sóc rất công phu, thời gian mất vài năm mới có thể cho ra sản phẩm hoàn chỉnh. Vì thế, với những người biết chơi đào, giá chúng tôi bán lên đến 40-50 triệu đồng/gốc, hoặc cho thuê khoảng trên 20 triệu không có gì là đắt. "Dù mới xuống phố nhưng vườn đào nhà tôi đã có khách đặt được 15% số gốc", anh Quân cho hay.
Dù những gốc đào bị mục ruỗng, phải chống nạng và chưa nở hoa nhưng lại có giá trị rất cao, không phải ai cũng mua được.
Anh Hoàn (chủ vườn đào Văn Hoàn) ở Nhật Tân cho biết, với những cây đào cổ thụ ngoài việc chăm sóc rất đặc biệt thì khi đưa ra phố bán vào dịp Tết cũng cần phải rất lưu ý trong khâu vận chuyển. “Với nhiều gốc đào cổ thụ đôi khi có giá nào chúng tôi cũng không bán, bởi chỉ cho thuê thì vẫn là tài sản của mình, còn khi bán là sẽ mất, có khi tìm lại sẽ không bao giờ có được gốc như thế nữa”, anh Minh chia sẻ.
Lý giải về việc những gốc đào phải chống nạng xuống phố, anh Hoàn cho biết do những gốc đào già, bị mục ruỗng bên trong nên khi vận chuyển phải bó, nẹp lại để nếu có va chạm không bị gãy. Với khách hàng, đôi khi họ lại thích những gốc đào như vậy bởi có sự cổ kính, bụi bặm. Khi những gốc đào này có khách hàng đặt mua, chủ các vườn đào sẽ gỡ bỏ những thanh nẹp và dây buộc, làm sao có sản phẩm đến tay người tiêu dùng tốt nhất.
Một số hình ảnh phóng viên ghi nhận tại một số điểm bán đào trên địa bàn Hà Nội:
Tại một số con phố như Lạc Long Quân, Âu Cơ, Võ Chí Công... nhiều cây đào tuổi đời vài chục năm bắt đầu xuống phố phục vụ người dân chơi Tết.
Đa số các cây đào cổ thụ có thân lớn nhưng cành nhỏ vì được cả chủ nhà đào ghép vào, vì thế phải dùng nạng chống đỡ khi vận chuyển để không bị gãy rụng.
Có cây đào lớn, ghép nhiều cành phải dùng dụng cụ to để chống đỡ, tránh bị gãy cành.
Những cây đào cổ thụ dù phải dùng nạng chống đỡ nhưng có giá không hề rẻ, lên tới vài chục triệu đồng/gốc.
Một gốc đào bị mục ruỗng như cành củi khô nhưng thân cây này có tuổi đời đã gần 50 năm.
Ngoài dùng nạng chống, nhiều gốc đào mục gần hết phải dùng nẹp lớn buộc chặt để tránh bị tai nạn.