Theo Chủ tịch câu lạc bộ Yoga cười Việt Nam, cần phải đặt Lệ Rơi về đúng vị trí, không nên tôn vinh anh như ca sỹ.
Thời gian gần đây, “hiện tượng ca sĩ Lệ Rơi” trở thành cái tên nổi tiếng, được dư luận quan tâm đặc biệt. Điều đáng nói, chàng “ca sỹ” quê tỉnh Hải Dương, tên thật là Nguyễn Đức Hậu không có giọng hát hay, thậm chí hát sai nhạc, phát âm sai...
Trên các phương tiện thông tin, có ý kiến tỏ ra yêu mến, nhưng cũng có “ném đá” đến mức Lệ Rơi không còn chịu được áp lực, phải “giải nghệ”.
Anh nói hôm 29/6: “Ca sỹ Lệ Rơi thì chỉ hát cho nó vui, hát cho nó có phong trào và hát để xua đi nỗi sầu. Nhưng một số bạn trẻ có ý kiến quá khích và không được tốt”.
“Ca sỹ Lệ Rơi mạn phép nói với cả nhà rằng, ca sỹ Lệ Rơi từ hôm nay hát bài này để kết thúc chương trình biểu diễn, từ dày sẽ không còn ca sỹ Lệ Rơi hát nữa”.
“Hiện tượng ca sĩ Lệ Rơi” trở thành cái tên nổi tiếng, được dư luận quan tâm đặc biệt
Dưới con mắt của nhà xã hội học, tiến sỹ Trịnh Hòa Bình – Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) nhìn nhận, “hiện tượng ca sỹ Lệ Rơi” đáng tồn tại và xã hội phải chấp nhận.
Ông phân tích, các video đưa lên mạng internet của Lệ Rơi thỏa mãn được khía cạnh hài hước, đáp ứng được thị hiếu của một bộ phận công chúng.
“Nếu mang giọng hát, lời dẫn, trình độ thu âm của Lệ Rơi so sánh với hệ thống âm nhạc chuẩn mực, sẽ là sự bôi bác”.
“Nhưng chính từ giọng nói sai chính tả, khuôn mặt đậm nét chân quê, giọng hát sai tông, sai nhạc... hòa lẫn với nhau thành “tác phẩm” hoàn chỉnh của sự hài hước”.
Tiến sỹ Bình cũng cho rằng, trong bối cảnh xã hội đơn điệu, cứng nhắc... lối biểu diễn của Lệ Rơi cho dù “phản nghệ thuật” nhưng lại giống như tác phẩm hài, hình thức diễn xướng mới.
“Hiện tượng ca sĩ Lệ Rơi” ký tặng người hâm mộ
“Bên cạnh đó cần lưu ý Lệ Rơi không hề vi phạm pháp luật, không cởi đồ khoe thân... tự mọi người thích xem video của Lệ Rơi trên mạng đấy chứ”, TS Trịnh Hòa Bình nói.
Nhà xã hội học cho rằng, “Lệ Rơi” không phải là hiện tượng đáng để học theo nhưng hiện tượng này tồn tại như sự bổ sung cho nghệ thuật chuẩn mực chính thống.
Bày tỏ quan điểm về “hiện trượng ca sỹ Lệ Rơi”, ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch câu lạc bộ Yoga cười Việt Nam cho rằng, đây là hiện tượng tốt.
Bởi mục đích của giải trí là mang lại niềm vui và giải tỏa căng thẳng cho con người. Sản phẩm giải trí tốt khi được nhiều người đón nhận.
“Vấn đề là chúng ta đặt “hiện tượng ca sỹ Lệ Rơi” ở khía cạnh nào trong cuộc sống? Không được xếp Lệ Rơi ở dạng ca sỹ hát, mà coi đó là người hài hước, nghệ sỹ tấu hài với các bài hát mang lại sự vui vẻ”.
“Hãy tôn vinh anh ấy như một người mang lại sự hài hước cho cuộc sống này, anh ấy có thể xuất hiện trong cuộc họp báo cùng với các diễn viên hài Xuân Bắc, Tự Long”, ông Sơn nói.
“Ca sĩ Lệ Rơi” tên thật là Nguyễn Đức Hậu
Giảng viên cao cấp Lê Anh Sơn lý giải, nếu là ca sỹ chính thống cần có những yêu cầu như không được phép hát nhép, không được phép hát xuyên tạc (vi phạm bản quyền); hoặc tội đạo nhạc có thể khiến ca sỹ mất nghiệp...
Bên cạnh đó, khi ca sỹ chính thống hát, ngôn từ phải nói lên giá trị nghệ thuật, tình yêu đất nước, nét đẹp cuộc sống... Nhưng nếu là vai trò người tấu hài, có thể thoải mái bịa ra các kiểu lời hát, cách hát thoải mái.
Ông cũng cho rằng, nếu cổ xúy Lệ Rơi như một ca sỹ, có thể dẫn đến hậu quả không hay. Ví dụ, ca sỹ không ai muốn cố gắng luyện tập hát nữa, cứ hát như Lệ Rơi là hay rồi.
“Qua “hiện tượng Lệ Rơi” cho thấy, con người đừng mặc cảm với cái tôi của mình, đừng quan trọng giọng hát hay dở hãy thể hiện niềm đam mê của mình, hãy làm cho cuộc đời vui hơn”, Chủ tịch câu lạc bộ Yoga cười Việt Nam nói.