Sư giả hành khất, trẻ em mồ côi bán tăm tre, ủng hộ nạn nhân chất độc màu da cam, mua điện thoại và máy tính giá rẻ,… có cả hàng sê-ri chiêu trò lừa đảo được tung ra trong mùa thi đại học nhằm “móc túi” phụ huynh khi đưa con đi thi.
Tăm tre “nhân đạo” giá “cắt cổ”
Đến hẹn lại… tái xuất, trong những ngày gần đây, ở khu vực trước cổng trường ĐHSP Hà Nội (Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội) lại xuất hiện một nhóm thanh thiếu niên bao gồm cả nam lẫn nữ trạc tuổi khoảng 15 – 17 liên tục chèo kéo người đi đường mua tăm tre. Đối tượng mà nhóm này nhắm đến chính là các bậc phụ huynh đưa con đi thi đại học mới ở quê ra. Với lời giới thiệu “mua tăm để ủng hộ trẻ mồ côi làng trẻ S.O.S”, nhóm bán tăm này đã luôn bám theo các bậc phụ huynh đưa con đi thi để chèo kéo họ mua tăm.
Vẫn là những chiêu trò quen thuộc: bán tăm để ủng hộ trẻ em nghèo, trẻ em mồ côi, nhưng mỗi gói tăm có giá “cắt cổ”: từ 10 – 15.000 đồng. Nếu có ai đó “quyên góp” 5.000 đồng hay 10.000 đồng, những kẻ bán tăm sẽ giở sổ ra, chỉ tay vào và nói: “Đây, bác xem, họ đều ủng hộ từ 15.000 là ít nhất. Có người còn ủng hộ cả trăm nghìn”. Nhiều bậc phụ huynh vì nhẹ dạ cả tin, đã không ngần ngại “móc hầu bao” để “làm phúc” và trở thành nạn nhân của nhóm lừa đảo này.
Nhóm "nữ quái" lừa đảo bán tăm tre "nhân đạo" bị CA P.Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội) triệt phá vào năm 2013. Năm nay, lợi dụng mùa thi ĐH, trò lừa đảo này lại tái diễn.
Trước đó, đầu năm 2013, công an phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy) cũng đã phải mở một đợt ra quân để triệt phá một nhóm “nữ quái” chuyên lừa đảo, đe dọa sinh viên và người đi đường cũng với chiêu trò “bán tăm nhân đạo” tại khu vực này.
Sau một thời gian yên tĩnh, gần đây, lợi dụng kì thi tuyển sinh ĐH-CĐ, những kẻ lừa đảo với chiêu trò trên lại tiếp tục tái xuất.
PV đã trực tiếp liên hệ với phía Làng trẻ S.O.S (có địa chỉ tại đường Doãn Kế Thiện, Cầu Giấy) để xác minh về nhóm bán tăm “nhân đạo” này. Ông Nguyễn Văn Sinh – Giám đốc Làng trẻ S.O.S khẳng định: “Làng trẻ S.O.S không hề cử bất kì ai đi bán tăm “nhân đạo” như trên. Đó là những kẻ mượn danh làng trẻ để đi lừa đảo”.
Tuy nhiên, trong những ngày qua, lợi dụng việc các phụ huynh đưa con đi thi đại học, nhóm lừa đảo này vẫn ngang nhiên hoạt động và rất nhiều thí sinh lẫn người nhà đã trở thành nạn nhân những kẻ “mượn danh tình thương” để lừa đảo này.
Bị lừa vì ham mua laptop giá rẻ
Trong lúc ngồi đợi con làm bài thi môn Toán tại cụm thi trường ĐH Bách khoa Hà Nội sáng nay (4/7), anh Nguyễn Văn Tùng (46 tuổi, quê Ý Yên, Nam Định) cho biết cách đây hai hôm, anh vừa bị lừa mất 3 triệu đồng vì ham mua điện thoại giá rẻ.
Anh Tùng cho biết, anh đưa con lên Hà Nội thi đại học, hai cha con thuê một phòng trọ trên đường Lê Thanh Nghị để cho tiện việc đưa con đi thi. Buổi tối, có hai thanh niên vào xóm trọ, tự xưng là nhân viên của công ty X. chuyên về mua bán, sửa chữa máy tính, linh kiện điện tử. Hai thanh niên này đem theo khoảng 5 – 6 chiếc máy tính cùng nhiều phiếu điều tra, khảo sát khách hàng và cho biết đây là sản phẩm máy tính mới nhập về, nên đem đi tiếp thị.
Mùa thi ĐH cũng là lúc nhiều đơn vị kinh doanh tung nhân viên ra tiếp thị. Song điều đáng nói là cũng không ít kẻ lừa đảo cũng lợi dụng việc này để lừa các phụ huynh.
Một trong hai “nhân viên” này mời anh Tùng xem qua sản phẩm mới và mời chào anh mua sản phẩm. “Họ bảo nếu tôi mua và đưa tiền ngay thì giá một chiếc laptop là 3 triệu đồng. Nếu mua trả góp thì phải phô tô chứng minh thư và hộ khẩu, giá là 4 triệu đồng, trả trước một nửa (2 triệu đồng), còn lại chuyển khoản sau”, anh Tùng nói.
Anh Tùng kể: “Thấy laptop giá rẻ, nhân viên mời chào và giới thiệu nhiệt tình, con tôi năm nay lại thi khoa công nghệ thông tin nên tôi đã quyết định mua một chiếc laptop và trả tiền ngay với giá 3 triệu đồng. Nhân viên nọ viết giấy bảo hành, ghi lại địa chỉ công ty cho tôi và cam kết nếu trong khi sử dụng có vấn đề gì thì cứ đem qua công ty”.
“Tuy nhiên, khi tôi đem chuyện này nói với bà chủ nhà trọ thì bà mới bảo rằng tôi đã bị lừa, ở đây những kẻ lừa đảo dạng này nhiều lắm. Sáng hôm sau tôi thuê xe ôm chở đến địa chỉ coog ty ghi trong giấy thì mới biết đó là địa chỉ giả, số điện thoại cũng không liên lạc được. Khi đem máy laptop vào một quán mua bán laptop trên đường Lê Thanh Nghị, nhân viên của quán họ tháo máy ra tôi mới biết là máy rởm, chỉ có vỏ bên ngoài là mới, bên trong toàn là linh kiện cũ lắp ghép”, anh Tùng kể.
“Khi tôi hỏi giá chiếc laptop để định bán thì nhân viên chỉ cười bảo nếu bán thì giá không quá 500.000 đồng vì máy đã cũ, chip, RAM, ổ cứng đều là đồ Trung Quốc đã cũ, lắp ráp vội vào,… giá không đáng bao nhiêu”, anh Tùng cho biết thêm.
Vòng vây “sư giả”
Cũng trong sáng nay (4/7), tại một số địa điểm thi như trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế Quốc dân,… xuất hiện hàng chục vị sư đi… hành khất. Những vị sư này len lỏi vào các quán nước trên vỉa hè nơi có rất nhiều phụ huynh đang ngồi đợi thí sinh để xin bố thí.
Bà Lan, chủ quán trà đá trên đường Trần Đại Nghĩa (P. Bách Khoa, Q.Hai Bà Trưng) cảnh báo: “Sư giả đấy, không phải thật đâu. Tôi bán nước ở đây hàng chục năm, nhẵn mặt từng người. Mọi hôm bị công an phường họ dẹp, không dám xuất hiện. Hôm nay có lẽ lợi dụng phụ huynh đem con đi thi nên mới tụ tập nhau để… hành nghề”.
"Sư giả" đang bủa vây phụ huynh đưa con đi thi ĐH trước cổng trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội vào sáng nay (4/7).
Với câu cửa miệng: “Đưa sĩ tử đi thi, các thí chủ làm ơn làm phước bố thí, cũng là cầu may cầu phước cho con đậu đại học…”, các vị sư “lạ” này đã khiến không ít phụ huynh mở hầu bao lấy tiền để bố thí.
Tuy nhiên, khi được hỏi thầy tu ở chùa nào thì tất cả các “nhà sư” trên đều im lặng. Đặc biệt, khi vừa thấy bóng dáng của xe trật tự công an phường đi đến, nhanh như cắt, các vị sư này bỏ mõ, bát vào tay nải và… chạy nhanh vào hẻm trước hàng trăm ánh mắt ngạc nhiên của nhiều bậc phụ huynh vừa trót bố thí.
Về vấn đề khất thực, Đại đức Thích Thanh Phương – trụ trì chùa Sủi (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết: “Việc khất thực chỉ có ở Phật giáo Nam Tông, chứ Bắc Tông thì không có. Nhưng ngay cả việc khất thực của các nhà tu hành phái Nam Tông cũng có những quy định riêng, rất nghiêm khắc: nhà sư chỉ đi khất thực vào buổi sáng, trước 12 giờ trưa phải trở về chùa, không ai được đi quá giờ Ngọ”.
Đại đức Thích Thanh Phương cũng cho biết hiện nay, rất nhiều người đã giả dạng nhà sư, lợi dụng việc khất thực để lừa đảo, làm ảnh hưởng đến thanh danh và uy tín của người tu hành chính đạo.
“Thứ nhất, nhà sư đi khất thực chỉ có vào thời điểm buổi sáng, trước 12 giờ trưa phải trở về chùa, không ai được khất thực nữa. Vì vậy, những vị sư mà cứ lang thang ngoài đường cả ngày thì chắc chắn đó là kẻ giả tu hành. Thứ hai, nhà sư khất thực của phái Nam Tông rất giản dị, ai bố thí gì nhận nấy, tuyệt đối không đòi hỏi thêm và cũng không hề “tiếp thị” mua bán bất cứ vật gì. Thứ ba, phong thái nhà tu hành đường hoàng, điềm đạm và giản dị, không lén lén lút lút khi ở chỗ đông người”, Đại đức Thích Thanh Phương nói.
Qua tìm hiểu được biết, hầu hết những “sư giả” hành khất hiện nay đều chủ yếu là từ Bắc Ninh xuống Hà Nội, sáng đi chiều về và họ coi việc giả dạng sư sãi để hành khất là “nghề”. Nhưng vì không rõ “chân tướng” của những “vị sư” này, lại mới ở quê ra, do nhẹ dạ cả tin nên nhiều phụ huynh khi đưa con đi thi đại học đã trở thành nạn nhân của chiêu trò lừa đảo này.