Mẹ mất khi anh Hiếu 20 tuổi vì thiếu máu để truyền, anh day dứt mãi, quyết định sẽ đi hiến máu, hiến tạng, mô, để làm sao "cho những ai khi cần có là đủ"...
"Mẹ tôi mất do thiếu máu để truyền" - anh Nguyễn Trí Hiếu mở đầu câu chuyện với chúng tôi. Năm 1991, anh mới 20 tuổi, còn mẹ anh còn trẻ, chưa đến 50. Chàng thanh niên đó nhớ mãi hình ảnh gia đình đi huy động mọi người hiến máu, rồi đi mua máu mà vẫn không đủ để truyền cho người mẹ.
Khi ấy, phong trào
hiến máu tình nguyện chưa phát triển, việc mua máu vẫn còn rất khó khăn. Không chỉ mẹ anh Hiếu mà thời điểm đó, rất nhiều bệnh nhân lẽ ra có cơ hội được sống tiếp nhưng do thiếu máu mà đã phải rời xa thế giới này.
Anh Nguyễn Trí Hiếu, người hiến máu nhiều nhất (70 lần) được vinh danh năm 2019
"Nhiều khi nghĩ, nếu mẹ ở trong thời đại này, có lẽ mọi thứ đã khác", anh ngậm ngùi. Phải khi bản thân, hoặc gia đình có người trong cơn họan nạn bạn mới biết trân quý sự giúp đỡ từ cộng đồng như thế nào.
Vậy nên, vài năm sau sự ra đi của người mẹ, khi thấy thông tin về hiến máu, nhớ đến mẹ, anh quyết định đi đăng ký hiến máu luôn.
Nhưng lần đầu đó với anh Hiếu lại không trơn tru gì anh chuẩn bị kỹ, bao gồm cả việc ăn sáng no căng. Cũng vì ăn rồi nên anh không được hiến. Từ lần đó, đến nay, sau 22 năm anh đã hiến máu đến 70 lần.
Bản thân anh Hiếu cũng đã đăng ký hiến mô, hiến tạng từ nhiều năm trước. "Tôi thấy mình có thể cho đi thứ gì thì mình không giữ " - anh chia sẻ.
Mẹ mất vì thiếu máu để truyền, người đàn ông quyết định hiến máu, đăng ký hiến tạng
Anh Hiếu là một trong hai người hiến máu nhiều lần nhất được vinh danh tại chương trình họp báo vinh danh 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc, được Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương tổ chức sáng 4/6.
Cũng đến từ TP HCM như anh Hiếu, có ông Lâm Văn Vinh (57 tuổi). Ông Vinh có nhóm máu B Rh-, là nhóm máu hiếm, chỉ xấp xỉ từ 0,5% dân số. Những người có nhóm máu B- như ông Vinh chỉ có thể nhận máu từ những người có cùng nhóm máu B- hoặc người có nhóm máu O-.
Sinh năm 1961, ông Vinh bắt đầu hiến máu từ năm 2002, khi 31 tuổi, đến nay, ông đã hiến máu 45 lần.
Vì có nhóm máu hiếm nên không như người khác có thể đều đặn mỗi năm 4 lần hiến (mỗi lần cách nhau 3 tháng), ông Vinh được khuyến cáo phải... để dành, để hiến tặng những người có cùng nhóm máu. Ông đã từng 2 lần đi hiến máu cho một ca ghép thận và mổ tim ở Bệnh viện 115 (TP HCM).
"Hiến máu xong là... đi về thôi. Tôi cũng chưa từng gặp bất kỳ bệnh nhân nào nhận được máu của tôi đến cảm ơn, và tôi cũng không quan tâm điều đó", ông Vinh vui vẻ chia sẻ và cho biết, chỉ còn 3 năm nữa ông có cơ hội được hiến máu cứu người, nên ông sẽ tận dụng tối đa cơ hội được giúp đỡ mọi người qua việc hiến máu.
Trong danh sách 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm nay, bên cạnh những người đã hiến máu đến 60, 70 lần, Ban tổ chức đã lựa chọn tôn vinh những người hiến máu nhóm máu hiếm, những người là thành viên CLB hiến máu dự bị ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo...
Đây là hoạt động thường niên đã được tổ chức ở nước ta từ năm 2008 nhằm tri ân, biểu dương những tấm gương hiến máu và vận động hiến máu tiêu biểu trên khắp mọi miền đất nước; không phân biệt ngành nghề, độ tuổi, dân tộc.
TS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, năm 2018, toàn quốc đã vận động và tiếp nhận được gần 1,4 triệu đơn vị máu; trong đó 98,3% lượng máu tiếp nhận từ người hiến máu tình nguyện, tương đương hơn 1,4% dân số tham gia hiến máu.
Ngày Quốc tế người hiến máu 14/6 năm nay, chương trình vận động hiến máu "Hành trình Đỏ" lần thứ VII với thông điệp "Kết nối dòng máu Việt" sẽ chính thức bắt đầu từ ngày 13/6 đến 28/7 với sự tham gia của 39 tỉnh, thành phố. Đây là năm đầu tiên chương trình được tổ chức trong thời gian dài nhất, với sự tham gia của nhiều địa phương nhất.