Tại Trung tâm điều phối tạng quốc gia, hầu như ngày nào cũng tiếp những vị khách đến xin tư vấn về bán tạng. Thậm chí có hai vợ chồng vì quá túng quẫn, đưa nhau đến xin bán hai quả thận. Tuy nhiên, luật pháp Việt Nam nghiêm cấm vấn đề này.
Cả hai vợ chồng rủ nhau bán thận
Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Phúc – Phó Giám đốc Trung tâm điều phối và ghép tạng Quốc gia tâm sự, từ khi thành lập trung tâm đến nay, rất nhiều người đã gọi điện đến đường dây nóng của trung tâm, đến trực tiếp trung tâm với mong muốn được bán tạng của mình.
Vừa tiếp một cặp vợ chồng đến xin bán mỗi người một quả thận, thạc sĩ Phúc kể lại, hai vợ chồng này vì điều kiện gia đình khó khăn, nợ nần chồng chất, năm hết tết đến nên họ muốn được bán mỗi người một quả thận.
Ảnh một ca ghép tạng.
Anh Nguyễn Văn Th 42 tuổi, từng làm giám đốc một công ty chuyên khoan cọc nhồi xây dựng. Ở thời điểm thịnh vượng có ngày anh Th. kiếm được vài trăm triệu đồng. Đến khi làm ăn thất bát, công ty phá sản, nợ nần chồng chất đến nỗi tiền sinh hoạt phí của gia đình cũng là vấn đề lớn với người đàn ông này.
Quá túng quẫn, anh ta nghĩ cách đến trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia để “bán thận”. Anh ta nói rằng cần tiền và sẵn sàng bán một quả thận để lấy tiền chi tiêu vào vài việc còn dang dở.
Hay như trường hợp sinh viên Trần Khánh H. quê ở Quảng Ninh, đang là sinh viên của một trường đại học nhưng H. nghiện các trò chơi cờ bạc, lô đề. H nợ bạn bè, thậm chí còn cầm cố cả thẻ sinh viên, máy tính, xe máy bố mẹ sắm cho cậu để chơi đề.
Trong cơn túng quẫn, H. tìm đến Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia xin bán thận và bán được gì cậu cũng bán để kiếm tiền trang trải nợ nần, không muốn bố mẹ phải suy nghĩ.
Đây chỉ là một vài trường hợp trong hàng trăm trường hợp tìm đến các cơ quan y tế để xin bán tạng.
Pháp luật nghiêm cấm
Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Phúc cho biết, hầu như ngày nào ông cũng gặp trường hợp khách như thế này nhưng mọi câu trả lời đều là không được vì pháp luật nghiêm cấm.
Việc “nghiêm cấm hoàn toàn” mua bán, kinh doanh nội tạng là do những hệ quả khôn lường về mặt xã hội và nhân đạo, đặc biệt nó có liên quan đến tội phạm mua bán người - một trong những loại tội phạm được cả thế giới quan tâm ngăn chặn hiện nay.
Việt Nam đã quy định về vấn đề này cụ thể trong điều 11 của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác (Quy định cụ thể về việc nghiêm cấm mua bán nội tạng cũng như quảng cáo liên quan đến mua bán và ghép tạng).
Trong điều 154 Bộ Luật Hình sự cũng quy định rõ về mức phạt tù với người có hành vi mua bán nội tạng. Theo đó, người thực hiện hành vi trên sẽ phải đối mặt với mức phạt tù ít nhất là 3-7 năm tù.
Nếu hoạt động từ 2 người trở lên hoặc có tổ chức, mức phạt tù sẽ là từ 7-15 năm tù và từ 20 năm tù trở lên nếu vi phạm nghiêm trọng. Như vậy, Luật pháp đã quy định rõ ràng và chặt chẽ: Việt Nam chỉ chấp nhận nghĩa cử cao đẹp là hiến tạng tự nguyện.
Chính vì vậy, bất cứ ai muốn bán thận, một phần tạng của mình là phi pháp vì pháp luật không thừa nhận.