Sự việc đau lòng xảy ra khi bé trai đi bơi cùng gia đình tại một hồ bơi ở quận 9, TP.HCM.
Chiều 13/3, BS Nguyễn Văn Lộc, Trưởng khoa Cấp cứu bệnh viện (BV) Nhi đồng 2 TP.HCM, cho biết bé QA (8 tuổi), nạn nhân vụ đuối nước xảy ra tại một hồ bơi ở quận 9 (TP.HCM) đã không qua khỏi sau quá trình được điều trị tích cực tại BV. Theo BS Lộc, bệnh nhi được chuyển đến BV vào chiều tối 11-3 trong tình trạng nguy kịch khi hôn mê sâu, sốc thần kinh... Thời gian chìm trong nước quá lâu đã khiến bé bị chết não.
Theo lời người nhà bệnh nhi QA, chiều 11-3, gia đình bé từ quận Bình Thạnh đến một hồ bơi ở phường Phú Hữu, quận 9 chơi. Khi đang bơi trong hồ, bé bất ngờ chìm sâu xuống đáy. Người nhà cũng không rõ bé chìm xuống nước khi nào.
Khoa cấp cứu bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM tiếp nhận bệnh nhi chiều tối 11-3.
Tại hiện trường, bé QA đã được hồi sức cấp cứu khoảng 25 phút rồi chuyển vào BV quận 2 và được các bác sĩ tại đây cấp cứu tích cực. Sau đó chuyển đến BV Nhi đồng 2. “Không rõ bé đã bị ngạt nước từ khi nào, nhưng chỉ cần não thiếu ô xy trên 4 phút mà không được xử trí ban đầu đúng cách, bệnh nhi gần như không còn khả năng cứu chữa”, BS Lộc phân tích.Cũng theo BS Lộc, BV thường xuyên cấp cứu cho những trường hợp bị đuối nước, cao điểm là vào mùa hè, mùa nắng nóng. Nhiều tai nạn có thể xảy ra bất ngờ, chẳng hạn chỉ cần chúi đầu vào một xô nước nhỏ, trẻ cũng có thể gặp nguy hiểm.
Cạnh đó, xử trí đuối nước ban đầu cho trẻ rất quan trọng. Trước tiên cần tìm cách thông đường thở cho bé. Sau khi đặt bé trên mặt phẳng thì hà hơi thổi ngạt, xoa bóp tim, tim làm sao cho bé ổn định tim mạch, hô hấp rồi mới đưa đến cơ sở y tế gần nhất để tiếp tục được cứu chữa.
"Người lớn khi đưa con đến các khu vui chơi phải có người quan sát, có đội cấp cứu thường trực. Trong nhà, tất cả vật dụng chứa nước dù không lớn, không sâu đều phải được chú ý để đảm bảo an toàn cho trẻ", BS Lộc khuyến cáo.