Tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) có hàng trăm ngôi mộ mà trong lòng mộ không có hài cốt thật được chôn cất. Những ngôi mộ đó được người dân trên đảo lo hương khói, chăm nom cẩn thận mỗi dịp Tết đến xuân về, người dân gọi đó là những ngôi mộ gió.
Nếu một lần đến Lý Sơn, đi dạo trên con đường mà hai bên là các ruộng hành và tỏi, du khách sẽ bất ngờ khi có nhiều ngôi mộ được chôn cất ngay trong ruộng. Nhiều người sẽ tự hỏi, việc chôn cất như vậy có sao không? Thế nhưng, câu trả lời là những ngôi mộ đó hoàn toàn không có hài cốt mà chỉ có hình nhân thế mạng bằng đất sét hay bột gạo.
Họ là những người không có người thân thích; có gia đình nhưng gặp nạn trên đường đi xa nhưng người thân không hề biết họ mất; và những người lính được thành kính biết ơn nhiều nhất là Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Ngoài được chôn cất tự nhiên trên nhiều ruộng đồng, đường làng, ngõ xóm thì họ được chôn tại Âm Linh Tự, thôn Tây, xã An Vĩnh.
Theo như nhiều vị cao niên tại đảo Lý Sơn, dưới thời các Chúa Nguyễn sau đó là các vua triều Nguyễn, nhà nước phong kiến Việt Nam đã thành lập Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải làm nhiệm vụ đi thuyền đến các đảo Hoàng Sa, Trường Sa để thu lượm sản vật, cắm mốc chủ quyền.
Trong các chuyến đi ấy, nhiều người đã mãi mãi mất đi giữa lòng biển khơi. Người Việt trong quan niệm truyền thống, người sống cần có ngôi nhà để ở, để che mưa che nắng thì người mất cũng cần có nấm mồ giữ ấm hình hài, người thân tìm đến thắp hương, làm lễ cúng tưởng nhớ.
Đội quân binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải năm xưa, khi mất trên biển không tìm thấy thi hài an táng, người thân nơi quê nhà mời thầy cúng gọi hồn nhập vào hình nhân thế mạng làm bằng đất sét hoặc bột gạo. Sau đó đem hình nhân thế mạng được đưa vào quan tài, đem chôn như người mất bình thường tại Âm Linh Tự.
Ghi nhớ công ơn của những bậc tiền nhân, người dân sinh sống trên đảo tận tâm chăm sóc, trông nom, lo hương khói như chính người thân của mình. Vào mỗi dịp Tết, đầu năm mới những ngôi mộ gió Lý Sơn được quét dọn sạch sẽ, thắp hương viếng của không chỉ người dân trên đảo mà còn có nhiều người là du khách đến khám phá, tìm hiểu về đảo Lý Sơn.
Những ngư dân trước khi ra biển, người làng đi làm ăn xa hay du khách thường đến Âm Linh Tự cầu xin sự may mắn, phúc lộc sung túc.
Vào ngày 3/8/2007, Âm Linh Tự và mộ những người lính Hải đội Hoàng Sa đã được Bộ VHTT&DL xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia.
Một góc đảo Lý Sơn nhìn từ trên cao
Có những ngôi mộ được chôn cất ngay bên trong ruộng tỏi
Âm Linh Tự trên đảo Lý Sơn chính là nơi thờ, xung quanh chôn cất nhiều ngôi mộ gió của những người lính Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải
Những ngôi mộ gió được chôn cất không có hài cốt
Những ngôi mộ của người lính Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải
Có hàng trăm ngôi mộ được chôn cất nhưng không có hài cốt sát nhà dân, vào các ngày lễ Tết được chăm nom hương khói cẩn thận
Vào mỗi dịp Tết, đặc biệt là ngày tổ chức Lễ khao lề Thế lính Hoàng Sa (15-16/3 âm lịch hằng năm) nhằm tưởng nhớ công ơn của các bậc hùng binh Bắc Hải năm xưa thu hút hàng nghìn người dân đến Lý Sơn