Tại Trung tâm chống độc – Bệnh viện Bạch Mai, BS Nguyễn Anh Tuấn cho biết, năm nay số ca nhập viện do uống phải thuốc trừ sâu, thuốc chuột gia tăng.
Theo thống kê, trong những ngày Tết, có nhiều ca nhập viện do uống phải các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật và thuốc diệt chuột.
“Nhiều khi do mâu thuẫn gia đình, hoặc một lý do nào đó mà họ uống những loại “thuốc” này, chứ nói uống nhầm thì rất hiếm, vì không ai để thuốc trừ sâu trên bàn trong ngày Tết.
Nhưng khi khai thác từ phía gia đình, họ luôn nói đó là do ngộ độc, uống nhầm… Nhưng là bác sĩ chúng tôi cũng luôn phải cảnh báo và hiểu đúng bản chất để có phác đồ điều trị cho hợp lý chứ không phải trường hợp nào cũng rửa ruột được”, BS Anh Tuấn nói.
Hiện nay, tuy chưa có con số thống kê đẩy đủ về tình hình nhập viện trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, nhưng theo cảnh báo của các bác sĩ, sau đợt nghỉ Tết này số người nhập viện do ngộ độc thực phẩm sẽ tăng cao.
Tiếp phóng viên trong buổi cuối cùng của đợt nghỉ Tết Nguyên đán 2016, trực lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ngày hôm nay rất nhiều bệnh nhân đã được ký giấy ra viện hoặc chuyển tuyến dưới do đã được điều trị thuyên giảm. Ngoài ra, các bác sĩ còn nhận định: “Trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán năm 2016, tình hình nhập viện của các bệnh nhận nhìn chung là “nhẹ nhàng” hơn các năm trước”.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên tại các khoa chuyên môn, phóng viên ghi nhận các bác sĩ dù trực và làm việc hết công suất nhưng việc đáp ứng số giường bệnh và máy thở vẫn không thể đáp ứng đủ nhu cầu.
Các bác sĩ đang chăm sóc một bệnh nhân ở khoa Truyền nhiễm (BV Bạch Mai) chiều mùng 7 Tết. Ảnh: Lê Phương.
Theo đó, tại khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Bạch Mai, BS Nguyễn Thị Thu Trang (trực ngày mùng 7 Tết) cho biết, năm nay số bệnh nhân đến khám tăng hơn so với những ngày bình thường, đa số các ca đến khám đều là những ca nặng. “Có những ngày khoa tăng cường hết số giường cơ hữu và số máy thở trong khoa, thậm chí còn tăng cường thêm từ khoa khác về, đa số các trường hợp nặng là liên quan đến viêm và tổn thương não”, BS Trang cho biết.
Cũng theo BS Trang, trung bình độ tuổi nhập viện là những bệnh nhận nhân cao tuổi, bệnh nặng và ở tuyến dưới chuyển lên. “Cũng trong dịp Tết này, khoa và phía Bệnh viện chăm lo đủ dinh dưỡng cho bệnh nhân (bữa ăn) từ 29 đến mùng 3 Tết”.
BS Nguyễn Anh Tuấn, Trung tâm chống độc – Bệnh viện Bạch Mai, cũng cho biết thêm, trong dịp Tết năm nay có 7 ca ngộ độc rượu nặng nhập viện, trong đó có những ca ngộ độc nặng phải xin về. Điển hình như một ca ở Hà Nội (hơn 50 tuổi) do uống rượu ở nồng độ cao, tiền sử nghiện rượu nặng, men gan tăng và gia đình đã xin về.
Đáng báo động trong số những ca ngộ độc rượu phải nhập viện cấp cứu năm ngay có rất nhiều còn ở trong độ tuổi rất trẻ. Khi mới uống rượu thường có biểu hiện nói nhiều, sau đó mê sảng rồi cuối cùng là hôn mê…
Một trường hợp ngộ độc đang được các bác sĩ điều trị tích cực tại BV Bạch Mai. Ảnh: Lê Phương
Không chỉ có ngộ độc rượu, số ca nhập viện do sử dụng ma túy trong đợt Tết cũng có khoảng 4-5 ca, nhiều ca do cấp cứu tại chỗ sai cách nên gây tổn thương nặng. “Những bác sĩ trực như chúng tôi rất lo ngại những ca nhập viện do ma túy đá, bởi họ thường dùng bạo lực hoặc có ảo giác có ma quỷ đang giết mình.
Vì thế, khi cấp cứu bệnh nhân “ngáo đá” những người bạn đi cùng lúc vào vẫn bình thường, nhưng sau đó “ngấm thuốc” liên tưởng bác sĩ giết bạn mình và sẵn sàng đâm sau bác sĩ, những lúc đó bác sĩ sẽ không kịp phản ứng”, BS Tuấn cho biết.
Còn tại Bệnh viện Viện Đức, trong vòng 7 ngày Tết có hơn 1.000 bệnh nhân đến khám cấp cứu, 60% là do tai nạn giao thông trong đó có 1/3 không đội mũ bảo hiểm. Đáng chú ý có nhiều trường hợp bị chấn thương sọ não do không đội mũ bảo hiểm. Thạc sĩ Pham Gia Anh, Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Việt Đức cho biết, trong 7 ngày nghỉ Tết vừa qua, Bệnh viện có hơn 1.000 bệnh nhân đến khám cấp cứu, 60% là do tai nạn giao thông. Trong số các ca bị tai nạn giao thông 2/3 bị chấn thương sọ não, 1/3 không đội mũ bảo hiểm. Chỉ có 2 trường hợp tử vong tại viện, nhưng có đến 23 trường hợp nặng xin về trong số này 17 ca bị tai nạn giao thông. Theo BS Anh, trong những ngày nghỉ Tết, ngày đến khám cấp cứu thấp nhất là ngày 30 Tết với 100 lượt khám cấp cứu, sau đó tăng dần đến ngày mùng 3 Tết vọt lên 176 và ngày mùng 5 Tết là 166. Trong khi vào các ngày bình thường cao điểm cũng khoảng 150, nhiều nhất là 200. Ngoài tai nạn giao thông, còn các tai nạn sinh hoạt, đánh nhau, có 2 trường hợp do pháo nổ. Gần 30 ca mổ lớn nhỏ được thực hiện, trong đó đến 2/3 là các mổ lớn. |