Sau khi ăn nhãn, bé trai 3 tuổi ở Thái Nguyên bị hóc hạt và đã tử vong trên đường đến bệnh viện.
Tối 16/8, facebooker Bích Beo đăng tải lên trang cá nhân về trường hợp một bé trai tử vong do hóc hạt nhãn tại bệnh viện A (Thái Nguyên). Bài viết này đã nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng mạng khi có tới hơn 30 nghìn lượt chia sẻ.
Sự việc đã dấy lên một hồi chuông cảnh báo đối với các bậc cha mẹ đang chăm sóc con nhỏ. Nhiều người tỏ ra tiếc thương cho sự ra đi của cháu bé và giật mình vì hằng ngày vẫn cho con nhỏ ăn nhãn mà chưa bỏ hạt.
Facebooker Răng Khểnh bình luận: “Nguy hiểm quá, em toàn cho con ăn cả quả xong bé tự nhằn hạt ra”.
Ngày 17/8, trao đổi với phóng viên, bác sĩ Đặng Thị Mai Anh – Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện A Thái Nguyên) xác nhận có trường hợp cháu bé tử vong do hóc hạt nhãn tại bệnh viện.
Cháu bé 3 tuổi bị tử vong do hóc hạt nhãn tại bệnh viện A Thái Nguyên. Ảnh FB Bích Beo.
Bác sĩ Mai Anh cho biết, khoảng hơn 20 giờ tối 16/8, gia đình đưa cháu bé vào viện. Qua kiểm tra, các bác sĩ nhận định cháu bé đã tử vong từ trước đó. Dù đã được các bác sĩ cố gắng cấp cứu nhưng cháu bé không qua khỏi. Sau đó, gia đình đã đưa cháu bé về nhà ở xã Phúc Trìu (TP Thái Nguyên) lo hậu sự.
“Đã có nhiều trường hợp hóc dị vật được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng đây là trường hợp hóc hạt nhãn đầu tiên mà bệnh viện chúng tôi đón nhận. Chúng tôi đã rất cố gắng cấp cứu nhưng các bộ phận của cháu bé đã ngừng tuần hoàn trước khi vào viện”, bác sĩ Mai Anh chia sẻ.
Bác sĩ Mai Anh đưa khuyến cáo, các bậc cha mẹ cần phải hết sức lưu ý khi cho con nhỏ ăn hoa quả, nhất là các loại hoa quả có hạt vì nó có thể làm tắc đường thở của trẻ nhỏ.
Đối với những loại thực phẩm dễ có nguy cơ khiến trẻ bị hóc như nho, nhãn, chôm chôm, lạc rang, hạt điều, xúc xích, kẹo cứng… tuyệt đối không để trẻ tự ý ăn mà cần phải có sự kiểm soát chặt chẽ.
Nên cắt đồ ăn thật nhỏ trước khi cho con ăn, điều này hạn chế sự nguy hiểm đối với trẻ. Tuyệt đối không được cho trẻ chạy, đùa nghịch hay nằm xuống trong khi ăn.
Khi thấy trẻ có triệu chứng bị hóc dị vật cần thực hiện các biện pháp sơ cứu như để trẻ nằm sấp dọc trên tay người sơ cứu và vỗ lưng hay nằm ngửa trên tay và dùng 2 ngón tay ấn vào ngực (vị trí giữa xương ức và đường nối 2 núm vú).
Nếu dị vật không ra thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. Tuyệt đối không được dùng tay móc dị vật vì hành động này có thể khiến dị vật vào sâu hơn, nguy kịch đến trẻ.