Dạy ngoại ngữ cho trẻ nhỏ qua thiết bị điện tử, cha mẹ đang rước họa cho con

Ngày 05/10/2016 07:00 AM (GMT+7)

Với mong muốn con học giỏi ngoại ngữ nên trẻ mới 2 tuổi nhiều bậc phụ huynh đã tải phần mềm về cho con tiếp xúc sớm mà không lường trước được hậu quả đáng sợ.

Học không đúng gây hậu quả khôn lường

Nhồi nhét kiến thức cho con quá sớm lại không đúng cách là thực trạng không ít của nhiều bậc phụ huynh hiện nay. Thậm chí, một số ông bố bà mẹ còn tải nhiều phần mềm trò chơi quảng cáo là phát triển trí thông minh, học ngoại ngữ về máy tính hoặc điện thoại cho con tiếp cận.

Là một chuyên gia về giáo dục, Tiến sĩ Vũ Thu Hương, Giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư Phạm Hà Nội bày tỏ: "Sáng sớm nay, tôi vào mạng và nhìn thấy quảng cáo dạy tiếng Anh cho trẻ từ 2 tuổi bằng phần mềm. Tôi nghĩ, việc cho con trẻ “chơi” với các thiết bị điện tử sớm để lại cho trẻ nhiều hậu quả đáng sợ thì không cần phải tranh cãi nữa.

Nếu các bố mẹ không tin, hãy đến các bệnh viện nhi để hỏi các bác sĩ xem tỉ lệ trẻ bị cận, gù lưng, rối loạn hành vi do thiết bị điện tử là bao nhiêu. 

Dạy ngoại ngữ cho trẻ nhỏ qua thiết bị điện tử, cha mẹ đang rước họa cho con - 1

Tiếp cận sớm các thiết bị điện tử khiến trẻ bị cận, gù lưng, rối loạn hành vi (Ảnh minh họa)

Tôi biết, có vô khối các bài viết dụ dỗ cha mẹ dạy con tiếng Anh, dạy con đọc viết sớm đã lấy lý do là tầm tuổi đó não trẻ dễ dàng tiếp thu mọi thứ. Thế nhưng, vấn đề là não trẻ cần tiếp thu rất nhiều kiến thức, kĩ năng, không chỉ có những thứ mà lớn học cũng được như đọc viết hay tiếng Anh".

Ý kiến của tiến sĩ Thu Hương nhận được nhiều đồng tình của phụ huynh. Một thành viên mạng cho biết: "Tôi vẫn ủng hộ việc tiếp xúc tiếng Anh sớm. Nhưng tiếp xúc qua các thiết bị điện tử thì không bao giờ".

Hay một người khác chia sẻ: "Chương trình giáo dục hiện nay của Bộ cho trẻ lớp 1 theo tôi cũng là quá nặng. Lớp 1 chỉ nên tập trung vào việc dạy trẻ đánh vần và biết đọc biết viết, giống như lớp Vỡ lòng ngày xưa là phù hợp. Giờ lớp 1 đã phải học đến mấy môn rồi có trường lại dạy luôn tiếng Anh nữa, bọn trẻ tẩu hỏa nhập ma là phải".

Giáo dục là cả một quá trình

Theo Tiến sĩ Thu Hương, giáo dục là cả một quá trình và để thực hiện quá trình đó, người ta phải tìm hiểu kĩ càng các em bé. Chúng ta cũng cần phải sắp xếp các nội dung cần học theo lộ trình.

"Với người Đức và nhiều nước châu Âu khác, bắt đầu muộn là sự lựa chọn khôn ngoan. Trẻ Đức hoàn toàn không học chữ vào thời gian mầm non, trẻ Đức cũng không học ngoại ngữ vào lúc này. Bọn trẻ được học nhiều kĩ năng và được yêu cầu sống tự lập càng nhiều càng tốt.

Khi bắt đầu vào học chữ, bọn trẻ học tiểu học rất ít. Kiến thức lớp 1 vô cùng nhẹ nhàng, kĩ năng vẫn chiếm vai trò chủ đạo. Theo năm tháng, lượng kiến thức nhiều dần lên. Nội dung học vấn thời phổ thông của Đức theo hình nón lộn ngược. Lớp 1 là ít nhất, dần dần lên cao, lượng kiến thức nhiều dần. Song song với đó là kĩ năng sống được rèn luyện mỗi ngày.

Chính vì vậy, xuất phát điểm của người Đức là chậm, nhưng lượng kiến thức họ có trong đầu lại không hề ít. Theo thống kê vào năm 2012 cho thấy học sinh 15 tuổi tại Đức có kết quả học tập cao hơn nhiều mức trung bình trên thế giới, những học sinh này có lượng kiến thức tốt thêm vào đó tính tự giác cao và sức khoẻ cùng nhận thức xã hội vượt trội.

Ở Việt Nam, dường như các bố mẹ luôn cảm thấy sốt ruột mong muốn con mình giỏi giang. Chính vì vậy, việc ép con học từ sớm khiến cho giáo dục bị biến thành dạng hình ống. Nghĩa là bọn trẻ phải học với lượng kiến thức nhiều ngang nhau từ lúc nhỏ cho đến lúc trưởng thành. Thời gian trẻ còn nhỏ, do sốt ruột, các cha mẹ ép con học từ rất sớm mà không quan tâm đến quá trình trưởng thành của đứa trẻ.

Bọn trẻ ngay từ khi chưa lớn đã phải làm quen với áp lực học tập. Đến khi học tiểu học, điều cha mẹ quan tâm nhất vẫn tiếp tục là động lực học tập (áp lực). Lên cấp học cao hơn, khi chương trình học của trẻ mở rộng, lượng kiến thức dồi dào hơn, các cha mẹ lại cảm thấy thương con mình học quá nhiều nên kêu gào đòi giảm tải. Vì thế, hình chóp nón là mô hình phù hợp với trẻ đã bị biến thành hình ống tại Việt Nam.

Với mô hình ống trụ như thế, bọn trẻ Việt sống trong áp lực học tập và ghét học là điều đơn giản. Những bức thư kêu gào đòi giảm tải của các bạn trẻ đến từ các nguyên nhân thành tích của người lớn chứ đâu đến từ lượng kiến thức chúng phải tiếp nhận.

Theo nghiên cứu của tôi, bọn trẻ Việt khi tốt nghiệp phổ thông biết ít hơn học sinh thế giới rất nhiều. Mô hình ống trụ này đã khiến cho bọn trẻ căm ghét học, có thái độ phản đối rõ rệt với nhà trường và thầy cô giáo. Kiến thức lỏng lẻo, kĩ năng ít, hầu như không có do không được học và do cha mẹ chăm bẵm quá mức, bọn trẻ Việt trở nên ngô ngọng ngay khi đã trưởng thành. Có thể nói, đó là lý do tụt hậu của Việt Nam", vị tiến sĩ này bày tỏ.

Bà Thu Hương nhấn mạnh trên trang cá nhân của mình: "Tôi nghĩ, đã đến lúc ngưng ngay việc dạy con học chữ từ 2 tuổi, quan tâm hơn nữa đến việc đào tạo kĩ năng cho trẻ và ngừng can thiệp vào công việc trường học. Chỉ có thực hiện nghiêm túc mấy việc trên, các phụ huynh mới thực sự trợ giúp đắc lực cho sự trưởng thành của trẻ".

Tào Nga (ghi)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự