Ngày 29 Tết, Hà Nội rét và có mưa, TP.HCM hơi nắng nóng và sẽ mát dần từ ngày mồng 2 Tết.
Năm nay không có ngày 30 nên 29 Tết được coi như ngày 30 Tết. Vào đêm Giao thừa 29 Tết nhiệt độ tại Hà Nội sẽ giảm mạnh. Nguyên nhân do đêm ngày 28 Tết sẽ có một đợt gió mùa Đông Bắc tràn về miền Bắc. Đầu tiên sẽ tràn về phía Đông Bắc bộ, sau đó tràn xuống vùng Đồng Bằng Bắc bộ và các tỉnh Bắc Trung bộ. Đây là đợt gió mùa Đông Bắc có cường độ mạnh nên nhiệt độ giảm khá sâu. Do vậy, Hà Nội sẽ có tiết trời chuyển rét. Nhiệt độ từ 14 - 17 độ C, sẽ có mưa phùn nhỏ rải rác ở một số nơi mang lại không khí mùa xuân đặc trưng cho Thủ đô trong ngày đón thời khắc năm cũ chuyển giao năm mới.
Sang đến ngày 1 và 2 Tết (ngày 10/2 và 11/2), tiết trời Hà Nội sẽ tiếp tục lạnh sâu, nhiệt độ thấp nhất giảm xuống chỉ còn 12 độ C - 13 độ C, trời có mưa phùn. Nếu đi ngoài trời trong những ngày này cần mặc đủ áo ấm vì có thể gây cóng buốt tay chân, ảnh hưởng tới sức khỏe, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ.
Hà Nội rực rỡ đèn hoa chờ đón Giao thừa
Sau đó, khoảng mồng 3, mồng 4 Tết (ngày 12/2), dự báo sẽ có một đợt không khí lạnh bổ sung, khiến nhiệt độ tại Hà Nội tiếp tục giảm xuống khoảng 1 độ C nên nhiệt độ thấp nhất chỉ còn từ 11 độ C đến 12 độ C. Kiểu thời tiết này dự kiến kéo dài ít nhất hết ngày 5 Tết (14/2). Theo ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc TTDBKTTV: “Xác suất nắng ở Hà Nội trong những ngày này là rất ít”.
Đến giai đoạn ngày 7, mồng 8, mồng 9 Tết là lúc mọi người đi làm, theo ông Hải sẽ tiếp tục có những dự báo cụ thể trong thời gian tới.
Trong đêm Giao thừa, ở một số nơi vùng núi cao như Sơn La, Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng và một số điểm du lịch như Sa Pa (Lào Cai), Mẫu Sơn (Lạng Sơn), nhiệt độ giảm xuống chỉ còn từ 5 độ C đến 7 độ C.
Thời tiết đẹp ở TP.HCM
Còn tại TP.HCM, trong ngày 29 Tết, nhiệt độ từ 23 độ C đến 33 độ C, giảm nhẹ khoảng 2 độ C so với ngày 28 Tết nên trời sẽ mát mẻ hơn, đêm Giao thừa sẽ không có mưa.
Tuy nhiên, ông Hải cũng lưu ý, trong những ngày này, ở TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ, nhiệt độ có thể lên tới 36 độ C ở cục bộ một vài nơi ở những ngày nóng nhất.
Đến mồng 2, mồng 3, mồng 4 Tết, theo dự báo của TTKTTV sẽ đến thời kỳ thời tiết tương đối đẹp vì không còn nắng nóng gay gắt, oi bức sẽ giảm bớt đi. Đây là kiểu thời tiết khá lý tưởng để đi du xuân. Năm nay, Đường hoa Nguyễn Huệ sẽ khai trương vào ngày 7/2 tới với chủ đề “Trái tim Việt Nam”.
Tại thời khắc Giao thừa đêm 29 Tết, TP.HCM cũng sẽ tổ chức bắn pháo hoa dài 15 phút ở 5 địa điểm là Đường hầm sông Sài Gòn (quận 2), Công viên Đầm Sen (quận 11), Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc (quận 9), Đền Tưởng niệm Bến Dược (Củ Chi), sân bóng đá huyện Cần Giờ, Khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã Ba Giồng (Hóc Môn).
Các chị em có con nhỏ có thể cùng gia đình đến các khu vui chơi trẻ m ở quận 4, sẽ có nhiều hoạt động đón xuân từ ngày mồng 2 đến mồng 8 Tết Nguyên Đán với nhiều cho chơi dân gian.
Mách nhỏ Những ngày Tết ở Hà Nội, điểm lưu ý nhất với thời tiết năm nay là độ ẩm không khí lên cao, tiết trời nồm cộng với có mưa nhỏ xen kẽ không chỉ làm đường xá lép nhép bẩn mà quần áo rất lâu khô và dễ ẩm mốc. Để chuẩn bị những bộ váy, áo khô ráo, tươi xinh diện Tết, khi giặt và phơi quần áo, chị em nên phơi ở những chỗ càng kín gió càng tốt. Điều này trái ngược với khi phơi ở điều kiện độ ẩm không khí thấp vì trong tiết trời nồm, càng chỗ thoáng gió, độ ẩm không khí cao. Chị em cũng không nên hong khô quần áo ẩm bằng quạt vì chỉ khiến cho hơi nước ngưng tụ nhiều hơn. Nếu có máy sấy, chị em có thể sấy bằng máy sấy cho khô hẳn. Nếu không có máy sấy, phơi quần áo ẩm dưới bóng đèn hoặc là quần áo trước khi cất là một trong những giải pháp tối ưu tránh cho quần áo bị mốc do không thể khô hẳn trong điều kiện tự nhiên. Đối với thực phẩm, tiết trời nồm duy trì đến hết ngày 28 Tết, là điều kiện làm cho thực phẩm rất dễ hỏng, mốc, phát sinh các chất độc không tốt cho sức khỏe gia đình. Đặc biệt đối với các món ăn truyền thống như dưa, cà muối, trời nồm ẩm sẽ khiến các món này dễ bị khú, sinh ra các chất thuộc nhóm chất nitrite và nitrate, là các yếu tố gây ung thư thực nghiệm trên động vật. Các chất thuộc hai nhóm trên cũng dễ xuất hiện trong thịt, cá được chế biến bằng chất bảo quản để chống ôi thiu trong những này nôm ẩm hay các loại thực phẩm ướp muối, hay ngâm muối như cá muối. Nhóm nguy cơ thứ hai là hạt ngũ cốc trong đó có gạo và hạt họ đậu mà điển hình là lạc. Một lượng lớn lạc rang được tiêu thụ hằng ngày ở các quán nhậu đồng thời được các gia đình mua tích trữ Tết. Những ngày nồm ẩm hiện nay, các hạt, đặc biệt là lạc, rất dễ bị nấm mốc. Phổ biến là nấm mốc Aspergillus flavus chứa độc tố không chỉ gây ngộ độc cấp tính mà còn tích lũy trong cơ thể gây ung thư gan, chị em nên chú ý. Còn cách bảo quản thực phẩm, theo lời khuyên của các chuyên gia, đối với thực phẩm tươi sống, khi mua về, chị em nên cất vào tủ lạnh càng nhanh càng tốt, tránh để ở ngoài một lúc mới cất vào vì lúc đó vi khuẩn đã xâm nhập vào trong thực phẩm, gặp điều kiện môi trường trong ngăn mát tủ lạnh, một số loài vi khuẩn sẽ phát triển rất nhanh. Với thực phẩm trữ trong ngăn đá, chị em nên chế biến ngay sau khi rã đông. Thực phẩm chín dư thừa nên cất ngay vào trong tủ lạnh, tránh để ở ngoài qua đêm vì thời tiết ẩm, thực phẩm rất dễ sinh nấm mốc mà mắt thường khó phá hiện, dù mùi và vị đều không phát hiện có gì khác lạ nhưng ăn vào rất có hại cho sức khỏe. |