Từng rất bi quan khi bị bán vào nhà thổ nhưng giờ đây, người phụ nữ này lại thấy bản thân may mắn khi thoát khỏi những gã đàn ông độc ác của xã hội ngoài kia.
Trời mờ sáng, Monowara Begum đã bắt đầu cuộc tuần tra của mình. Người phụ nữ 44 tuổi đi lại qua những con hẻm bẩn thỉu của Kandapara, khu nhà thổ lâu đời nhất Bangladesh. Nằm ở rìa một thị trấn dệt may phía tây bắc thủ đô Dhaka, đây là một trong 11 "ngôi làng nhà thổ" của Bangladesh.
Kandapara là nơi sinh sống của hơn 600 phụ nữ và trẻ em gái. Một ngày bình thường có khoảng 3.000 khách hàng thường xuyên tới lui nơi này. Hơn 30 năm trước, Monowara đã bị bán tới nơi này khi còn là một cô bé. Kể từ đó, cô đã học cách thích nghi với cuộc sống tại nơi phức tạp, tàn nhẫn này. Ngày nay, cô là một trong những người phụ nữ quyền lực nhất trong nhà thổ.
Sự kiên cường của Monowara đã giúp cô tồn tại được tới bây giờ. Khi đại dịch COVID-19 bắt đầu xâm nhập, cảnh sát đã phong tỏa nhà thổ để ngăn khách hàng bên trong ra ngoài. Nhiều tuần trôi qua, những phụ nữ bên trong không kiếm được tiền hay tiếp cận với thực phẩm. Có thời điểm gái mại dâm tại Kandapara cận kề nạn đói. Đứng trước đại dịch, Monowara luôn tỏ ra cứng rắn và mạnh mẽ bởi cuộc đời đã dạy cho cô một điều: Phụ nữ đừng bao giờ tỏ ra yếu đuối.
Monowara lớn lên trong một gia đình nông dân ở thị trấn Sakhipur và có những năm tháng đầu đời vô cùng hạnh phúc. Nhưng đến năm cô bé 11 tuổi thì mẹ qua đời trong lúc sinh nở, đứa em sơ sinh của Monowara cũng không qua khỏi. 6 tháng sau đó, bố của cô bé cũng qua đời. Monowara và chị gái trở thành "tài sản chung" của 7 người chú. Những người họ hàng này luôn tìm cách áp bức 2 cô gái nhỏ. Có những ngày 2 cô bé còn phải đi ngủ mà không có hạt cơm nào vào bụng.
Đến năm 1988, không lâu sau khi Monowara tròn 12 tuổi, một người chú đã gả bán cô cho một người đàn ông ngoài 30 tuổi. Ngay trong đêm tân hôn, gã chồng mới đã cưỡng hiếp Monowara và còn mời bạn bè đến nhà làm vậy với vợ mình. Không chịu nổi tủi nhục, Monowara đã bỏ chạy đến nhà cậu của mình. Tuy nhiên, số phận thật nghiệt ngã khi người cậu này cũng đã cố để cưỡng hiếp cháu gái.
Lúc này, Monowara nghĩ tới tin đồn về một ngôi làng gần Tangail cách đó 1h. Tại đó, phụ nữ và trẻ em gái sống với nhau, những người đàn ông đến thăm rồi đưa tiền cho họ. Monowara không biết đó là nơi nào nhưng cô tin rằng nó sẽ tốt hơn tình trạng hiện tại của mình. Chờ đến 3h sáng, khi cả nhà đang ngủ, cô đã lặng lẽ bỏ trốn, trên tay là bộ sari đám cưới của mẹ.
Điều cuối cùng mẹ Monowara nói với con gái trước khi qua đời đó là hãy cố gắng sống tử tế. Cô hy vọng có thể thực hiện được lời mẹ căn dặn khi tới ngôi làng kia. Monowara ra đi mà không có đồng bạc nào trong người. Cô được một người lái xe buýt quen biết cho đi nhờ tới Tangail. Thấy Monowara đang đứng ngơ ngác trước quầy hàng, một người bán trà đã đề nghị giúp cô tìm việc làm. Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng người chủ mới này cũng cố ép cô kết hôn. Monowara tiếp tục bỏ trốn lần thứ 3.
Trở lại đường phố Tangail, Monowara mô tả về ngôi làng phụ nữ với người lái xe kéo và xin anh ta đưa tới đó. Chỉ khi tới nơi, Monowara mới biết đó chính là một nhà thổ, nơi mà phụ nữ mua vui cho đàn ông. Sau khi phải tiếp khách và biết được sự thật, cô đã nhờ đến sự giúp đỡ của một người mặc cảnh phục đang tuần tra quanh nhà thổ. Tuy nhiên, cô bị chính người này cưỡng hiếp và không còn có lựa chọn nào khác.
Khi bị bắt trở lại nhà thổ, Monowara bắt đầu nghĩ về tương lai của mình. Cô đã nhìn thấy 2 con đường có thể thoát khỏi cảnh bán thân. Đầu tiên là phải tiết kiệm thật nhiều tiền, sau đó mua về những cô gái để thế thân cho mình. Nhưng Monowara không muốn làm vậy.
Cách thứ hai chính là biến một khách hàng trở thành bạn trai hoặc chồng mình. Tuy nhiên, tỷ lệ các cô gái làm được điều này rất thấp. Monowara không phải người mơ mộng. Hôn nhân sẽ luôn kết thúc bằng bạo lực hoặc cưỡng hiếp.
Vào những buổi chiều, khi không có khách, Monowara ngồi và lắng nghe những phụ nữ lớn tuổi trong nhà thổ nói chuyện. Họ dạy cô cách nấu ăn, chăm sóc sức khỏe. Dù không muốn trở thành một trong số họ nhưng với Monowara, đây có vẻ là lựa chọn khả thi nhất.
Thời tiết chuyển mùa, không khí ẩm ướt, Monawara vừa ho vừa lo lắng không biết mình có sống sót qua những tháng ngày sắp tới hay không. Giữa lúc đại dịch bùng phát, Monawara thường nghiền ngẫm về quá khứ, nhớ về những chiếc bánh nóng hổi bà ăn khi còn nhỏ, chiếc sari cưới, vết máu trên ghế xe kéo... Cuộc đời cô đã sai rất nhiều và Monawara cảm thấy đó là lỗi của chính mình.
Đôi khi, Monawara tưởng tượng về một cuộc sống khác. Liệu rằng một người phụ nữ 44 tuổi như cô có thể trở lại Kashipur để trống lúa mì mà không có đàn ông? Cô tự hỏi hôm nay gia đình mình sẽ như thế nào nếu cô có chồng, có con? Nhưng sau đó, Monowara lại hình dung đến gã đàn ông mà cô bị ép gả, những cái nắm tay thô bạo của anh ta. Khi ấy, Monowara lại thấy thật may mắn khi mình đã được tự do.