Đến năm 2018, TP.HCM hết ngập nặng?

Ngày 30/09/2015 15:24 PM (GMT+7)

Các chuyên gia khuyến nghị TP HCM nên ứng dụng toàn bộ công nghệ mới để chống ngập.

Sáng 29-9, Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín cùng lãnh đạo các sở, ngành của TP đã nghe giải pháp chống ngập từ các chuyên gia đến từ nước ngoài. Các chuyên gia cho rằng tình trạng ngập lụt tại TP HCM đã tới mức “báo động đỏ”, nhất là trận mưa lớn ngày 15-9 đã vượt tần suất 142 mm chỉ trong 45 phút. Đây là lượng mưa cao nhất trong nhiều năm qua.

“Sống chung với lũ”

Cơn mưa kỷ lục ngày 15-9 đã làm 77 tuyến đường ở TP HCM ngập nặng với diện tích từ 400 m2 đến hơn 31.300 m2.

Ông I Chang Tsai, chuyên gia chống ngập của Đài Loan, cảnh báo: “Giả sử mỗi năm đất TP HCM sụt lún 15 mm, mực nước biển dâng 15 mm thì đến năm 2050, chúng ta sẽ sống trên “đảo Hồ Chí Minh” thuộc vùng đồng bằng sông Mê Kông”.

Với biến đổi khí hậu bất thường như hiện nay, TP HCM cần tính tới tình huống xấu nhất có thể xảy ra là 12% dân số chịu thiệt hại, 23% đất đai bị xói mòn không sử dụng được, thậm chí GDP có thể thụt lùi nhiều năm do phát sinh lũ lụt lớn.

Nguyên nhân TP HCM ngập là do rất nhiều tuyến phố mới xây dựng chưa có hệ thống thoát nước; tốc độ đô thị hóa nhanh; thiếu cống thoát nước ở những huyện ngoại thành mới; sông và kênh rạch tắc dòng chảy do rác thải, san lấp; cốt nền đô thị trở nên thấp hơn do sụt lún và triều cường ngày càng cao trong khi các tuyến đê kè xa trung tâm chưa được củng cố.

Đến năm 2018, TP.HCM hết ngập nặng? - 1

Ngay trong những ngày nắng, vẫn có những tuyến đường ở TP HCM ngập nước. (Ảnh chụp ngày 28-9) - Ảnh: QUỐC CHIẾN

Ông OlafJueHner, chuyên gia người Đức, cho biết trước đây, châu Âu chống ngập thiên về các giải pháp công trình chống lại tự nhiên (như xây dựng hệ thống đê điều và hệ thống dẫn nước) nhưng gần đây bắt đầu thực hiện triết lý mới “sống chung với lũ”. Việc làm này sẽ tạo không gian dành cho nước, chấp nhận quy luật của tự nhiên bởi chống lại thiên nhiên có khi sẽ thất bại.

Trong khi đó, chuyên gia đến từ Malaysia, ông Haris F.Abdullah, gợi mở: “Để chống ngập, Malaysia đã xây hệ thống đường ngầm vừa là đường thoát nước vừa làm đường giao thông. Khi ngập, các phương tiện sẽ lưu thông trên mặt đất. Cách làm này được Malaysia áp dụng thành công”. Ông Abdullah cho biết nếu TP HCM có nhu cầu, ông sẵn sàng tư vấn đầu tư hệ thống đường ngầm chống ngập này theo hình thức BOT (kinh doanh - xây dựng - chuyển giao), BT (xây dựng - chuyển giao) hay BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh)…

Các chuyên gia cũng khuyến nghị TP HCM nên ứng dụng toàn bộ công nghệ mới để nâng cấp hệ thống cũ và xây dựng cơ sở hạ tầng cho công tác chống ngập với thời gian nhanh hơn. Ngoài ra, cần có những chiến lược để đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động này.

Gợi mở nhiều giải pháp

Đánh giá về các ý kiến, Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải hoan nghênh các chuyên gia đã tìm hiểu cặn kẽ về tình trạng ngập ở TP, gợi mở nhiều giải pháp chống ngập. Ông Lê Thanh Hải yêu cầu UBND TP  HCM cùng các sở, ngành nghiên cứu để lựa chọn giải pháp phù hợp, khả thi, xem xét vốn đầu tư như thế nào để tiết kiệm nhưng hiệu quả cao nhất. Nếu cái nào vượt quá thẩm quyền của TP  HCM thì sẽ kiến nghị Thủ tướng xin chủ trương thực hiện.

Ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP HCM, cho rằng các giải pháp của chuyên gia đều phù hợp với đánh giá, hướng đi chống ngập hiện nay của TP HCM, chỉ khác về công nghệ. Cái khó là nhu cầu về vốn đối với hạ tầng thoát nước quá lớn, TP chưa đáp ứng nổi. TP HCM cũng kêu gọi xã hội hóa nhưng công trình thoát nước mang tính lợi ích cộng đồng nhiều nên chưa thu hút nhà đầu tư. Do đó, TP HCM phải tìm đến Ngân hàng Thế giới để vay vốn với lãi suất ưu đãi.

Trong giai đoạn 2016-2020, TP HCM sẽ xây dựng 6 cống ngăn triều lớn và 68 cống nhỏ dưới đê, 7 km đê bao xung yếu thuộc bờ hữu sông Sài Gòn và khoảng 12 km đê bao xung yếu thuộc bờ tả sông Sài Gòn, tổng vốn đầu tư hơn 12.000 tỉ đồng. Hiện nay, TP cũng xác định được 122 nơi làm hồ điều tiết để chống ngập. Ông Công hy vọng với các giải pháp đồng bộ như thế, đến năm 2018 sẽ giải quyết hết 31 điểm ngập nặng hiện nay.

Thông tin rõ hơn về các giải pháp chống ngập, ông Nguyễn Hữu Tín cho biết TP HCM ngập là do mưa tần suất lớn hơn mà hệ thống thoát nước chưa đáp ứng, kết hợp với triều cường xâm nhập nội thành qua 3 tuyến sông Sài Gòn, Đồng Nai, Vàm Cỏ thông qua 9 cửa sông lớn và 68 cửa kênh rạch nhỏ. Giải pháp căn cơ vẫn là xây dựng các cống ngăn triều tại 9 cửa sông lớn.

Hiện tại, TP HCM đã hoàn thành một cống ngăn triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè và đang xúc tiến đầu tư 2 cống tiếp theo. Ngoài ra, TP phải xây dựng và nâng cấp hệ thống thoát nước hiện nay, đồng thời thực hiện nạo vét hệ thống sông, rạch mới kỳ vọng giúp chống ngập triệt để.

Giải quyết kẹt xe bằng giải pháp ngắn hạn

Báo cáo của Ban An toàn giao thông TP HCM  trong cuộc họp ngày 29-9 cho thấy 9 tháng đầu năm 2015, trên địa bàn không xảy ra vụ ùn tắc nào kéo dài quá 30 phút mà chỉ có 18 vụ ùn ứ giao thông. Theo Sở Giao thông Vận tải TP HCM, TP tồn tại 24 điểm nóng về nguy cơ ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm, tập trung trên các trục đường chính như xa lộ Hà Nội, Đồng Văn Cống, Điện Biên Phủ, Trường Chinh, Cộng Hòa, Nguyễn Văn Linh…

Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho biết trước mắt sẽ tập trung vào những giải pháp ngắn hạn, như: điều chỉnh tổ chức giao thông, lắp đặt bổ sung dải phân cách, huy động lực lượng điều tiết phân làn ở những giao lộ… Cụ thể, điều chỉnh phân luồng giao thông khu vực giao lộ Nguyễn Văn Cừ - Trần Hưng Đạo (quận 5), đường Hoàng Minh Giám (quận Phú Nhuận), giao lộ Trường Chinh - Tân Kỳ  Tân Quý (quận Tân Bình)… Ngoài ra, cải tạo kích thước hình học; lắp đặt mới và thường xuyên kiểm tra hệ thống camera quan sát giao thông trên những trục đường chính, các nút giao thông trọng điểm.

Về lâu dài, TP HCM sẽ đầu tư xây dựng các nút giao thông khác mức; nâng cấp, mở rộng các tuyến đường theo quy hoạch nhằm từng bước hoàn chỉnh, đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn.

G.Minh

Theo Phan Anh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot