Bên cạnh việc cắm biển cảnh báo, trang bị các phương tiện cứu hộ cứu nạn, các địa phương cũng như chủ các điểm du lịch phải thường xuyên nhắc nhở du khách mỗi khi đi tham quan hồ, thác
Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) nổi tiếng là thành phố của hồ và thác với phong cảnh hoang dã, nên thơ mà khách du lịch không thể bỏ qua khi đến với mảnh đất cao nguyên này. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều bạn đọc, dù những địa điểm này nước thường rất sâu và lạnh, bờ đá rêu phong, trơn trượt nhưng hầu hết không được cắm biển cảnh báo nguy hiểm.
Nhiều vụ tai nạn thương tâm
Những ngày qua, dư luận không khỏi thương tiếc trước việc 5 thanh niên đi chơi tại khu vực Suối Vàng (xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng; cách TP Đà Lạt khoảng 20 km) thì chỉ có 2 người trở về, 3 thanh niên còn lại bị đuối nước đã vĩnh viễn ra đi. Theo người dân địa phương, năm 2013, nơi đây cũng đã từng cướp đi sinh mạng của 3 người khác. “Chỗ này hoang vu, ít người sinh sống nên nếu xảy ra đuối nước cũng khó có thể kêu được người tới ứng cứu. Không hiểu sao sau vụ tai nạn năm 2013, cơ quan chức năng không cắm biển cảnh báo nguy hiểm để người dân biết” - ông Hoàng Anh Văn (sống ở xã Lát) nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tháng 3-2015, 3 nữ sinh viên Trường ĐH Đà Lạt đi dã ngoại tại hồ Tuyền Lâm. Trong lúc đang dạo quanh hồ, 1 người không may trượt chân rớt xuống nước, tử vong. Từ khi xảy ra sự cố đến nay, Ban Quản lý Khu Du lịch hồ Tuyền Lâm cũng chưa gắn biển cảnh báo nguy hiểm.
Trước đó, năm 2010, tại Khu Du lịch thác Datanla, nhóm thanh niên gồm 6 người rủ nhau cắm trại tại khu vực gần cuối thác này. Bất ngờ, 1 thanh niên bị trượt chân xuống hố sâu. Hai thanh niên khác lao ra cứu nhưng do không biết bơi nên bị chết đuối trong khi nạn nhân đầu tiên thì bơi vào được. Khu vực thác này có thắng cảnh rất đẹp, cũng thường có rất đông người đến chơi và cắm trại nhưng cũng không hề có biển cảnh báo nguy hiểm.
Khu vực Suối Vàng xảy ra vụ tai nạn thương tâm khiến 3 thanh niên thiệt mạng không hề có biển báo nguy hiểm
Thiếu lực lượng cứu hộ
Sau vụ 3 thanh niên tử nạn tại khu vực Suối Vàng, UBND huyện Lạc Dương cho biết sẽ nhanh chóng chỉ đạo các các đơn vị liên quan tiến hành khảo sát những khu vực hồ, suối, thác có nước sâu, dễ trơn trượt để tiến hành cắm biển báo nguy hiểm, xây dựng các hàng rào chắn ở những nơi có hồ nước sâu nhằm hạn chế tai nạn đuối nước.
Còn theo đại diện Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, công tác tuyên truyền, nhắc nhở người dân và khách du lịch tại các khu, điểm du lịch có hồ, thác chưa thường xuyên; hình thức tuyên truyền chưa phong phú nên người dân, khách du lịch chưa nắm bắt được các khu vực nguy hiểm. Nhiều du khách đến Đà Lạt thường hay chủ quan, phớt lờ cảnh báo nguy hiểm, thản nhiên nhảy xuống hồ, thác tắm, nước lạnh dễ xảy ra hiện tượng chuột rút. Trong khi đó, nguồn nhân lực cứu nạn ở các điểm du lịch còn hạn chế về chuyên môn, chưa được đào tạo chính quy và thiếu phương tiện cứu hộ.
Nhấn mạnh về giải pháp chống đuối nước cho người dân và du khách khi đi du lịch tại những điểm có hồ thác, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, cho rằng bên cạnh việc quan tâm đầu tư trang bị các phương tiện, dụng cụ cứu hộ cứu nạn, các địa phương cũng như chủ các điểm du lịch cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn và nhắc nhở du khách, người dân khi đi du lịch có hồ, thác; kiên quyết không để người dân tự ý tắm ở các khu vực có hồ, thác.
Đà Lạt quanh năm mát mẻ, độ ẩm tương đối cao, nước lạnh buốt nên hầu hết ở hai bên bờ hồ, suối, thác có nhiều rêu phong, trơn trượt rất dễ gây tai nạn đuối nước” - cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng cảnh báo. |