Thông tin học sinh, sinh viên tại TP.HCM tiếp tục nghỉ học đến hết ngày 28/2 đã khiến không ít phụ huynh "khóc ròng" vì không biết từ ngày Mùng 6 Tết (đi làm trở lại - PV) phải xoay xở ra sao với đám trẻ con trong nhà.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, trưa Mùng 3 Tết Nguyên đán 2021, UBND TP.HCM đã ra quyết định cho hơn 1.7 triệu học sinh toàn thành phố tiếp tục nghỉ học đến hết ngày 28/2. Cụ thể, tất cả học sinh, sinh viên, học viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngừng đến trường từ sau kỳ nghỉ Tết Tân Sửu, tiếp tục học trên Internet để đảm bảo kế hoạch thời gian năm học 2020-2021.
Thông báo trên khiến không ít phụ huynh ở Sài Gòn "khóc ròng" vì không biết từ ngày Mùng 6 Tết (đi làm trở lại - PV) phải xoay xở ra sao với đám trẻ con trong nhà. Nhiều người đã tìm đến trung tâm môi giới người giúp việc/trông trẻ theo giờ với giá cao ngất ngưởng. Một số đành gửi con cho người thân hoặc cùng hàng xóm thay phiên nhau trông trẻ...
Vừa chăm sóc con mới sinh, vừa trông 3 đứa trẻ
Chị Nguyễn H. (SN 1989, quận 9) - đang trong thời gian nuôi con dưới 6 tháng tuổi kể, hồi mới sinh, chị có ông ngoại và bà nội chăm sóc lũ trẻ cùng. Đến tháng Chạp, vợ chồng chị quyết định để ông bà về quê ở Quảng Bình lo dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị bánh trái... đón chào năm mới 2021. Khi ấy, chị tự tin rằng hai vợ chồng có thể chăm sóc được hai đứa trẻ: 7 tuổi và 2 tháng tuổi. Nhưng người tính không bằng trời tính, dịch COVID-19 quay trở lại, mọi kế hoạch thay đổi hoàn toàn khiến vợ chồng chị không kịp trở tay.
"Chồng tôi là bộ đội nên dịch bùng, anh ấy bị cấm trại không về nhà được. Tôi một mình vừa trông thằng lớn vừa chăm thằng nhỏ, vừa dọn dẹp nhà cửa rồi chuẩn bị mọi thứ cho Tết. Ban đầu tôi cố gắng quán xuyến mọi thứ để gia đình có một cái Tết trọn vẹn. Tuy nhiên do vết mổ chưa lành, tôi bị đau, không thể đi lại nhiều được. Tôi liền lên mạng tìm người giúp việc theo giờ với hi vọng có thể san sẻ bớt việc nhà trong những ngày Tết nhưng... thất bại. Họ đã về quê ăn Tết cùng gia đình hoặc sợ dịch bệnh nên từ thẳng thắn từ chối", mẹ bỉm sữa tâm sự.
Hai con trai và hai cháu gái của chị H.
Đang lúc không biết bấu víu vào đâu, chị dâu của chị H. bất ngờ được nghỉ Tết sớm, có thể chạy qua chạy lại trông nom nhà cửa giúp chị H. Chị bảo anh trai chị cũng là bộ đội và bị cấm trại những ngày Tết. Vì thế, chị dâu đã quyết định đưa 2 đứa cháu qua nhà chị ở, tiện chăm sóc rồi ăn Tết cùng. Đây là cái Tết đầu tiên chị em chị H. ở lại Sài Gòn, chỉ có 6 mẹ con bác cháu... Mọi thứ đều rất ổn cho đến trưa ngày Mùng 3 Tết.
"Khi đọc được thông tin học sinh tại TP.HCM tiếp tục được nghỉ học đến 28/2, tôi và chị dâu đều "chững lại" không biết phải làm sao. Bởi Mùng 6 Tết, chị dâu phải trở lại với guồng quay công việc, 2 cháu gái tôi không biết gửi ở đâu. Cuối cùng, tôi đành "liều mạng" nhận trông chúng và 2 đứa con trai của mình. Ông xã và anh chị tôi có lo lắng đến vấn đề sức khỏe của tôi khi chăm nom cùng lúc 4 đứa trẻ nhưng biết làm sao bây giờ. Nếu tôi không trông thì biết gửi chúng ở đâu khi nhà trẻ, trường học đã đóng cửa để phòng chống dịch COVID-19", chị H. chia sẻ.
Do các con các cháu của chị H. là những đứa trẻ ngoan ngoãn, hiểu chuyện nên dù đã trông được 3 ngày, chị H. chưa cảm thấy áp lực hay mệt mỏi gì. Chị bảo sẽ cố gắng duy trì tình trạng này đến hết tháng 2/2021. "Sáng sáng, chị dâu tôi sẽ đưa 2 cháu từ tầng trên xuống nhà tôi gửi rồi đi làm. Sau đó tôi bắt đầu nấu đồ ăn sáng cho 3 đứa nhỏ rồi sắp xếp bàn để chúng ngồi tự xúc ăn. Xong xuôi, tôi dọn nhà, rửa chén, phơi đồ... đến khi thằng út dậy thì cho bú ti. Sau khi con ngủ, tôi tiếp tục vào bếp nấu bữa trưa, dọn cơm, ăn cơm, rửa chén... Nói chung công việc của tôi hằng ngày chỉ xoay quanh 4 đứa trẻ. Tôi hi vọng dịch sớm được dập tắt để lũ trẻ quay trở lại trường học, phụ huynh bớt vất vả hơn.
Bởi chăm lũ trẻ ăn ngủ thì dễ, đến lúc học online thật sự khổ tâm. Ba cháu lớn lần lượt học lớp 1,2,3 - cái tuổi ham chơi ham ngủ, chưa có ý thức học hành nên việc rèn các cháu học trực tuyến rất cực. Là phụ huynh tôi thiết nghĩ với các cháu nhỏ như thế này nên cho nghỉ hẳn đợi dịch hết đi học trở lại".
Do các con các cháu của chị H. là những đứa trẻ ngoan ngoãn, hiểu chuyện nên dù đã trông được 3 ngày, chị H. chưa cảm thấy áp lực hay mệt mỏi gì.
Cùng hàng xóm luân phiên nhau trông trẻ
Giống như gia đình chị H., chị Minh C. (SN 1985, quận 7) đứng ngồi không yên trước thông tin học sinh được nghỉ học đến hết 28/2. "Tôi muốn khóc khi nghe tin các con được nghỉ học. Lúc ấy, tôi không biết phải ứng phó như thế nào cả. Chồng tôi đi công tác nước ngoài rồi mắc kẹt không thể về Việt Nam được. Gần một năm qua, tôi một mình chăm sóc 2 đứa trẻ rồi lo toan nhà cửa.
Đợt UBND thành phố cho học sinh nghỉ Tết sớm, tôi đã phải xin nghỉ làm để ở nhà trông con với niềm tin ra Tết chúng sẽ quay trở lại trường học. Ngờ đâu... chúng tiếp tục được nghỉ, thực sự như sét đánh ngang tai", chị C. tâm sự.
Nhắc đến vấn đề thuê giúp việc hoặc nhờ ông bà nội ngoại sang trông con giúp, chị C. nói: "Không phải tôi chưa nghĩ tới mà không thể được. Ông bà nội ngoại sống ở miền Bắc và đều có tuổi. Hơn nữa ngoài đó dịch đang nghiêm trọng nên tôi không thể để ông bà vào đây được. Ngộ nhỡ ông bà xảy ra chuyện gì hay có vấn đề về sức khỏe thì còn nguy cấp hơn.
Còn chuyện thuê giúp việc, tôi đã nhờ người quen rồi gọi điện đến trung tâm môi giới nhưng không được. Họ bảo giờ dịch như thế này hiếm có ai chịu đi làm vì ai cũng lo cho sức khỏe của mình".
Trước tình hình cấp bách, chị C. và hàng xóm sống cùng chung cư đã nghĩ ra một cách để giải quyết vấn đề: Ai trông con! Đó là, chị cùng người hàng xóm luân phiên xin nghỉ để ở nhà trông con cho nhau. Chị cho rằng cách này dù không hay cho lắm nhưng lại khả thi nhất. Chị chấp nhận bị trừ lương để ở nhà trông con, chứ không thể để các con tự chơi tự ăn một mình được bởi có rất nhiều rủi ro có thể xảy ra.
"May mắn tôi có một người sếp hiểu được nỗi khổ của nhân viên. Anh ấy đồng ý cho tôi cách một ngày đi làm một ngày. Đúng lúc đó, chị hàng xóm cũng được sếp cho nghỉ như vậy. Chúng tôi liền kết hợp với nhau, ở nhà trông con. Giờ tôi chỉ mong dịch dã hết hẳn để ổn định cuộc sống, đám trẻ được đến trường học chữ, vui đùa cùng bạn bè", chị C. nói.