Dịch vụ đổi tiền lẻ có dịp chặt chém khách hàng sau khi lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết năm nay sẽ hạn chế in mới loại tiền có mệnh giá nhỏ từ 2.000 đồng trở xuống.
Dịch vụ đổi tiền lẻ ở các chùa và các trang mạng được dịp “ăn nên làm ra” nhờ thói quen "rải tiền lẻ" khi đến lễ đầu năm của người dân.
Tại Phủ Tây Hồ (Hà Nội), loại mệnh giá 5.000 đồng được đổi ở mức “10 ăn 7” (đổi 10 nghìn đồng ăn 7 nghìn đồng). Chị H – chủ tiệm đổi tiền lẻ trước cổng Phủ cho biết, năm nay đắt nhất là loại tiền cotton 10.000 đồng với mức “5 ăn 1” (đổi 50 nghìn ăn 10 nghìn). Bà chủ này lý giải: “Loại tiền này hiện nay đã ngừng sản xuất. Hơn nữa, nó được coi là "hoa hậu" trong các loại tiền của Việt Nam bởi sự may mắn nên giá cả đắt cũng là chuyện hợp lý. Đầu năm mà có một tập tiền này đi lễ chùa hay mừng tuổi, đảm bảo cả năm sẽ gặp may mắn”.
Ở chùa Trấn Quốc, hoạt động đổi tiền lẻ có phần kín đáo hơn. Người đổi tiền không bày “hàng” trực tiếp trên tủ kính mà cất phía dưới hoặc xếp lẫn vào tiền âm phủ. Chỉ khi nào có khách hỏi thì họ mới mang ra. Theo khảo sát, loại mệnh giá 500 đồng được đổi ở mức “10 ăn 6”.
Những tấm biển “quảng cáo” dịch vụ đổi tiền lẻ trưng bày công khai tại chùa Trấn Quốc (Tây Hồ, Hà Nội)
Tiền để ngay trên mặt bàn…
…hoặc để trong tủ kính
Không chỉ dịch vụ đổi tiền lẻ tại các chùa, trên mạng Internet dịch vụ này cũng tấp nập không kém. Chỉ cần vào google tìm các từ khóa “đổi tiền lẻ”, “đổi tiền mới”… hàng nghìn kết quả và hàng trăm “gian hàng” kinh doanh dịch vụ này sẽ hiện ra. Với lời “chào hàng” hấp dẫn: “tiền còn nguyên niêm phong”, “giao hàng tận nơi”, “đổi tiền lẻ mới giá rẻ nhất thị trường”,… những gian hàng này còn áp đảo các điểm đổi tiền lẻ truyền thống.
Dịch vụ đổi tiền lẻ diễn ra khá sôi động
Liên hệ vào số điện thoại 098967xxxx, chủ nhân web doitienle…, cho biết năm nay loại tiền có mệnh giá 500 đồng là sốt hơn cả với mức giá 10 ăn 5 (đổi 10 nghìn ăn 5 nghìn). Lý giải tại sao chi phí đổi tiền tăng cao như vậy, chủ nhân trang web này cho biết: “Năm nay ngân hàng ngừng in tiền mệnh giá nhỏ nên chi phí cao là chuyện thường. Đến thời điểm cận tết, có tiền chưa chắc đã đổi được” – anh này “cảnh báo”.
GS-TS Ngô Đức Thịnh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa VN, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn tín ngưỡng VN - cho rằng, việc không in tiền với mệnh giá nhỏ góp phần làm tăng giá đổi tiền lẻ trên thị trường. Bởi nhu cầu dùng tiền lẻ dịp tết của người dân đi lễ chùa là rất cao. Không in tiền lẻ dẫn tới mất cân bằng cung cầu. Từ đó, sinh ra những kẻ lợi dụng chính sách không in tiền lẻ của NHNN để thu gom tiền lẻ rồi đổi với giá cắt cổ.
"Xã hội có nhu cầu, mà khi một lĩnh vực nhà nước độc quyền mà không đáp ứng được thì tạo ra một sự lũng đoạn", ông nói.
Nhiều người dân vẫn tin tưởng việc rải tiền lẻ khi đi lễ đền, chùa sẽ được gặp may mắn
Theo ông Thịnh, nếu nói không in tiền lẻ sẽ làm giảm bớt đi hiện tượng rải tiền lẻ một cách phản cảm thì đây là cách làm rất cơ học. Lẽ ra các nhà chùa, nhà đền phải tuyên truyền cho dân hiểu rằng không nên rải tiền lẻ ở chốn linh thiêng. Tiền giọt dầu, công đức là để tu bổ nơi thờ tự chứ không phải là “hối lộ” thần thánh để “đổi” những ước muốn của mình.
Nếu người dân hiểu ra, đó là việc làm không thiêng và gây phản cảm, người dân sẽ bớt rải tiền, chứ không phải in tiền ít đi, dân sẽ không rải tiền.