Vụ việc 1 thí sinh đạt 29,25 điểm nhưng vẫn trượt ĐH Y Hà Nội đã dấy lên tranh cãi sôi nổi chuyện có nên bỏ cộng điểm hay không và cần điều chỉnh như thế nào...
Mong manh trượt - đỗ do... điểm cộng
Chưa bao giờ trong kỳ xét tuyển đại học mà thí sinh phải cạnh tranh nhau đến 0,05 điểm như năm nay. Như trường hợp thí sinh Nguyễn Phùng Hưng (huyện Thạch Thất, Hà Nội) đang trở thành tâm điểm chú ý của dư luận trong mấy ngày qua.
Phùng Hưng đạt 29,15 điểm, theo quy chế, Hưng sẽ được làm tròn thành 29,25, vừa đủ điểm đỗ chuyên ngành Bác sĩ đa khoa, ĐH Y Hà Nội. Thế nhưng, do trường đặt thêm tiêu chí phụ, yêu cầu tổng điểm 3 môn trước khi làm tròn phải đạt từ 29,2 trở lên. Như vậy, chỉ vì thiếu 0,05 điểm, Hưng đã trượt đại học.
Có những bạn đạt 25,75 điểm cộng thêm 3,5 điểm ưu tiên thành 29,25 điểm và đương nhiên đỗ vào trường.
”Không chỉ có Hưng mà hầu hết các thí sinh tỏ ra bức xúc với khung cộng điểm ưu tiên phân theo vùng miền, khu vực. Theo quy định, có những em được cộng điểm ưu tiên nhiều nhất 3,5 điểm, ít cũng được cộng 0,5 điểm nhưng thí sinh thuộc KV 3 (các quận nội thành của thành phố trực thuộc TW) sẽ không thuộc diện ưu tiên khu vực, tức là không có điểm cộng.
Bởi vậy, đề tài về điểm cộng gây tranh cãi trong nhiều năm qua năm nay trở lại càng "hot" hơn nữa.
Nhiều thí sinh cảm thấy bất công với quy định điểm cộng ưu tiên. (Ảnh minh họa)
Trước đó, GS.TS Khoa học Hà Huy Khoái, cựu Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam đã từng phân tích vấn đề này trong bài viết "Cộng thế nào". Theo GS Hà Huy Khoái: "Trước đây, khi kỳ thi đại học tách riêng kỳ thi tốt nghiệp, với mức độ khó cao hơn, học sinh được khoảng 13 điểm là đỗ, thì việc cộng 2 điểm chẳng hạn, là cộng thêm 15,4% số điểm.
Khi tiến hành “2 trong 1”, thực chất học sinh nếu chỉ cần tốt nghiệp thì được khoảng 12 điểm (3 môn), kết hợp điểm tổng kết năm là đủ. Để đỗ đại học thì cần khoảng 15-18 diểm. Như vậy, chỉ tranh nhau “suất đại học” trong khoảng 3 đến 6 điểm. Nếu vẫn cộng 2 điểm như trước thì đã cộng thêm 2 trong tổng số 3-6 điểm, tức là cộng khoảng 33,3% đến 66, 6% số điểm.
Có lẽ cần có một sự điều chỉnh cho hợp lý chăng? Chẳng hạn nếu định như trước kia, ưu tiên 15% số điểm thì chỉ cộng thêm từ 0,45 đến 0, 9 điểm là cùng".
Cần điều chỉnh hợp lý hơn
Trước vấn đề trên, GS Nguyễn Hữu Tú - Phó Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội - cho biết, điểm chuẩn của ngành Y đa khoa lên tới mức 29,25, cao nhất từ trước tới nay. Vì thế, nếu thí sinh chỉ đạt 29,15 làm tròn thành 29,25 thì đúng là bị trượt vào trường: “Nhiều thí sinh cao hơn khi đạt 29,17 hay 29,19 vẫn trượt vào ngành Y đa khoa của trường đấy thôi vì quy định như vậy”.
Nếu không có tiêu chí phụ, trường không thể tuyển sinh được vì có quá nhiều thí sinh đạt điểm cao và tại trường ĐH Y Hà Nội, số thí sinh được cộng điểm chiếm đa số.
”ThS. Đương cũng bày tỏ mong muốn trong tương lai chính sách cộng điểm ưu tiên có sự điều chỉnh để mọi thí sinh đều bình đẳng trong thi tuyển. Khi đó, các trường sẽ tuyển chọn được người tài đích thực.
“Trước đây, chuyện cộng điểm ưu tiên hoàn toàn đúng nhưng những năm gần đây, khoảng cách vùng miền giữa nông thôn và thành thị đang được xích lại gần, trừ một số vùng đặc biệt khó khăn. Thực tế, không ít vùng tuy là giáp ranh nhau, mọi điều kiện cũng ngang nhau nhưng nơi được cộng điểm, nơi lại không đã gây không ít thiệt thòi cho một số học sinh”, Ths. Đương lý giải.
Khoảng cách vùng miền giữa nông thôn và thành thị đang được xích lại gần. (Ảnh minh họa)
Xoay quanh vấn đề cho rằng sẽ bất công cho các thí sinh thành thị không được cộng điểm, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) trả lời với báo giới rằng: "Quan niệm về bất công hay công bằng cần được đánh giá tổng thể. Công bằng phải xét trên điều kiện thực hiện quy định và hướng tới kết quả bình đẳng thực chất.
Nếu áp dụng nguyên tắc xét tuyển như nhau cho các thí sinh có điều kiện khác nhau thì đó không phải là biểu hiện của sự công bằng. Nếu áp dụng quy định như nhau dẫn đến kết quả chênh lệch trong quá trình thực hiện cũng không phải là biểu hiện của sự công bằng.
Khi còn có sự chênh lệch về điều kiện học tập giữa các thành phố, vùng nông thôn và đặc biệt là miền núi… và giữa các đối tượng thì chính sách ưu tiên còn cần thiết để đảm bảo công bằng xã hội, xét trên diện rộng.
Chỉ khi nào có trải nghiệm cuộc sống ở những vùng khó khăn thì chúng ta mới cảm nhận được sự cần thiết của chính sách này. Tất nhiên, chính sách ưu tiên cũng không phải là bất di bất dịch, cũng cần thay đổi theo thời gian, khi các điều kiện chênh lệch đã được thay đổi".
"Nếu được quyết định, tôi sẽ đưa ra phương thức sau: Trong tổng số chỉ tiêu vào đại học, dành 50% để lấy theo số điểm, từ cao xuống thấp. 50% còn lại được chia đều theo tỷ lệ học sinh các tỉnh (Tỷ lệ % có thể điều chỉnh). Ở mỗi tỉnh sẽ lấy điểm từ cao xuống thấp. Nếu tỉnh nào muốn bảo đảm sự công bằng trong tỉnh đó do điều kiện vùng miền thì có thể lặp lại cách làm tương tự cho tỉnh mình. Làm như vậy các em giỏi ở các thành phố lớn không bị thiệt, mà bảo đảm công bằng xã hội hơn cách làm hiện nay. Nếu lo các em ở địa phương kém (rõ ràng là chỉ về trình độ tạm thời, chứ không phải về tư chất) thì có thể mở những lớp bồi dưỡng (dự bị) cho các em". GS.TS Khoa học Hà Huy Khoái, cựu Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam. |