Ngoài 2 hộ sinh, bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh vừa tiếp tục đình chỉ công tác đối với bác sỹ Nguyễn Hữu Quyền để phục vụ công tác điều tra.
Đình chỉ thêm bác sỹ đỡ đẻ chính
Tối 3/7, ông Phạm Hồng Cường, Phó Giám đốc bệnh viện Đa khoa Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, ngoài 2 nữ hộ sinh Hoàng Thị Định và Hoàng Thị Trinh, bệnh viện vừa tiếp tục đình chỉ công tác bác sỹ Nguyễn Hữu Quyền - người trực tiếp đỡ đẻ cho sản phụ Nguyễn Thị Tình để phục vụ công tác điều tra.
Bác sỹ Quyền chính là người được xác định chỉ có chuyên khoa về Răng - Hàm - Mặt, chưa từng có chuyên môn về thai sản và chưa từng làm về sản nhi nhưng lại đỡ đẻ cho sản phụ Tình với tư cách là bác sỹ trực chính. Theo lý giải của bệnh viện này trước đó, do thiếu bác sĩ khoa sản nên để bác sỹ Răng - Hàm - Mặt đỡ đẻ (?!).
Bác sỹ Đức, hộ sinh Trinh, hộ sinh Định (lần lượt từ phải qua trái).
Liên quan cái chết của sản nhi, thông tin mới nhất từ Công an huyện Đức Thọ cho hay, cơ quan điều tra huyện này đã đến bệnh viện làm việc, lấy lời khai. Những cán bộ có liên quan vụ việc sẽ được triệu tập để lấy lời khai, xác định vai trò, trách nhiệm cụ thể.
Ông Nguyễn Anh Hào, Viện trưởng viện Kiểm sát nhân dân huyện Đức Thọ cũng cho biết, sau khi nắm được thông tin, đơn vị đã trao đổi với lãnh đạo công an huyện, đề nghị vào cuộc điều tra, thu thập chứng cứ để xử lý tin báo ban đầu. Trước mắt, viện đã đề nghị công an cử cán bộ điều tra làm việc với gia đình nạn nhân, làm việc với bệnh viện và ê kíp đỡ đẻ. Quá trình điều tra, xác minh, có dấu hiệu tội phạm thì sẽ khởi tố để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Nhiều bất thường cần được làm rõ
Cái chết của sản nhi trên bàn đẻ với vết đứt dài quanh cổ đã gây sốc và phẫn nộ trong dư luận cả nước những ngày qua. Vụ việc có dấu hiệu tắc trách của êkíp đỡ đẻ. Là một người có kinh nghiệm làm việc trong ngành sản khoa hơn 30 năm, trao đổi với báo giới, một nữ bác sĩ đang công tác tại Hà Nội cho biết, sự việc này có rất nhiều điểm bất thường, cần được làm rõ.
Theo nữ bác sĩ này, việc nghe nhầm tiếng động mạch tử cung thành tim thai gần như không có. Các bệnh viện tuyến huyện hiện đều đã được trang bị các thiết bị khá đầy đủ và hiện đại, siêu âm tim thai bằng máy, trường hợp nghe nhầm nếu có chỉ có thể xảy ra nhiều chục năm về trước khi nghe bằng ống nghe gỗ.
Gia đình sản phụ Tình vẫn chưa hết sốc sau cái chết của con trai.
Nữ bác sỹ cho hay, trường hợp thai chết lưu, thai phụ vẫn có các dấu hiệu đau đẻ và chuyển dạ như bình thường. Tuy nhiên, nếu thai phụ theo dõi thai chặt chẽ sẽ thấy thai không đạp, nước ối rất đục và bẩn vì đào thải phân xu từ ngay khi suy thai. Do đó, bác sĩ chỉ cần quan sát nước ối cũng có thể phát hiện được bất thường.
Cũng theo bác sỹ này, nếu thai đã chết lưu như báo cáo của bệnh viện, khi kéo ra đã đứt cổ, vậy tại sao lại cần phải khâu lại? Nếu trường hợp bị hoại tử, thối rữa như bác sĩ nói thì có khâu lại cũng không được vì thịt đã mủn. Trong sản khoa, hầu hết các trường hợp ngôi thuận đẻ thường, khi đầu đã lọt thì thân sẽ ra theo, trừ một số trường hợp bác sĩ đỡ không khéo, để 2 vai ra cùng lúc gây gãy xương đòn hoặc các trường hợp mắc dị tật thân to hơn đầu.
“Phía bệnh viện giải thích, thai đã chết lưu 2-3 ngày nên khi lôi ra bị đứt, tuy nhiên để xác định chính xác, bệnh viện hoặc gia đình nên yêu cầu giám định tử thi, sẽ xác định được trẻ đã chết bao lâu. Một đứa trẻ đã chết lưu vài ngày khác hoàn toàn với đứa trẻ vừa tử vong. Còn trường hợp kéo thai bị rách toạc đầu là điều tôi chưa từng nghe đến trong suốt hơn 30 năm làm nghề”, vị bác sĩ nhấn mạnh.
Như đã đưa tin, 8h sáng ngày 30/6, chị Nguyễn Thị Tình (SN 1982, trú tại trú xóm Làng Hội, xã Phú Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh có dấu hiệu chuyển dạ, được gia đình đưa đến bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ thăm khám. Tại đây, sản phụ Tình được thăm khám 3 lần thì cả 3 lần đều kết luận tim thai và sức khỏe bình thường, cho đẻ thường. Đến 18h30, chị Tình bắt đầu đau dữ dội, tử cung mở hết và được đưa lên bàn đẻ. Bác sỹ Quyền, hộ sinh Định và hộ sinh Trinh là người trực tiếp đỡ đẻ. Khi đầu sản nhi ra ngoài, phần lưng và vai mắc trong người mẹ, ê kíp trực đã gọi bác sỹ Đức đến hỗ trợ. Quá trình này, bác sỹ Đức cầm tay kéo khiến cổ sản nhi bị đứt dài 8cm, phải khâu 8 mũi. 19h20 phút cùng ngày, gia đình sản phụ nhận được thông báo cháu bé đã tử vong do thai chết lưu. Sau khi sự việc xảy ra, báo chí phản ánh, Bộ Y tế đã có công văn hỏa tốc yêu cầu sở báo cáo. Theo báo cáo khẩn gửi Bộ Y tế vào chiều tối ngày 2/7, phía bệnh viện ĐK Đức Thọ khẳng định thai đã chết lưu trên 7 ngày. Bệnh viện thừa nhận, việc thăm khám, theo dõi, chăm sóc của kíp trực không đúng quy trình của Bộ Y tế dẫn đến việc không phát hiện thai chết lưu trước khi vào viện. Trong đó, bác sĩ trực không chỉ định siêu âm thai dẫn đến không chẩn đoán được tình trạng của thai nhi; Hộ sinh không thực hiện đúng quy trình kỹ thuật theo dõi chuyển dạ và đỡ đẻ thai lưu. Nữ hộ sinh nghe nhầm tiếng động mạch là tim thai dẫn đến chẩn đoán sai tình trạng sản phụ. |