Đội mũ bảo hiểm rởm sẽ bị phạt như không đội mũ

Ngày 16/05/2014 13:44 PM (GMT+7)

Từ ngày 15/6, người đi xe máy đội mũ bảo hiểm (MBH) rởm sẽ bị dừng xe để nhắc nhở. Từ ngày 1/7, không những bị tịch thu MBH rởm đang đội, người tham gia giao thông còn bị phạt 100.000-200.000 đồng như hành vi không đội MBH.

Tranh cãi về chuyện “đẩy trách nhiệm sang người tiêu dùng” cuối cùng đã chấm dứt.

Phạt như không đội mũ

Từ đầu năm 2013, trước khi Nghị định 171/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt ra đời, dư luận đã “sôi sục” về kế hoạch của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (ATGTQG) và các cơ quan liên quan tiến hành phạt người tham gia giao thông đội MBH rởm. Rất nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước đã đẩy trách nhiệm sang người tiêu dùng, bắt người dân tự phân biệt thật-giả là việc làm hết sức vô lý. Với nhiều phản ứng mạnh mẽ, chủ trương này đã được lùi đến ngày 1/7/2013 và vẫn giữ nguyên quan điểm phải phạt người tham gia giao thông đội mũ không phải… MBH.

Ủy ban ATGTQG cho biết, theo kế hoạch 69 ban hành ngày 18/4 vừa qua, từ ngày 25/5 đến 19/6 sẽ là tháng cao điểm tập trung cho việc xử lý các nhà sản xuất, kinh doanh MBH rởm, còn việc xử lý người tham gia giao thông bắt đầu ngay từ ngày 15/6 tới. Cảnh sát giao thông sẽ dừng xe người dân đội MBH rởm để nhắc nhở. Từ ngày 1/7, người dân còn bị tịch thu MBH rởm để tiêu hủy và bị phạt như hành vi không đội MBH.

Đội mũ bảo hiểm rởm sẽ bị phạt như không đội mũ - 1

Thật khó tin nếu những thanh niên này không xác định được loại “mũ phớt nhựa” họ đội là hàng rởm. Ảnh: Việt Nguyễn

Căn cứ vào kế hoạch của Ủy ban ATGTQG, các địa phương cũng đang gấp rút để “xử” các nhà sản xuất MHB kém chất lượng và cả người tiêu dùng. Tại Hải Phòng, thậm chí các đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức khối cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, các tổ chức chính trị, xã hội phải cam kết cá nhân và người thân trong gia đình sử dụng MBH “xịn”. Theo kế hoạch của UBND tỉnh Nam Định, từ ngày 15 - 30/6 các lực lượng chức năng sẽ tiến hành kiểm tra người tham gia giao thông, tuyên truyền nhắc nhở đối với những người đi xe máy, xe đạp điện, xe máy điện đội MBH không đạt chuẩn. Việc xử phạt theo Nghị định 171 tiến hành từ ngày 1/7. Trước thời hạn này, Nam Định sẽ “tấn công” các cơ sở sản xuất, kinh doanh MBH rởm.

Đa số biết nhưng… kệ

Theo ghi nhận của PV Báo GĐ&XH, trước diễn biến này, những quầy hàng bán MBH rởm với giá siêu rẻ, từ 20.000-50.000 đồng/chiếc đã có những phương án “đối phó” trước khi lực lượng chức năng ra quân vào 15/6 tới. Chủ quầy bán MBH vỉa hè giá rẻ bên ngoài HTX Thuốc dân tộc (phố Chùa Bộc, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Gần đây khách mua loại MBH từ 20.000-50.000 đồng đã giảm so với trước, chủ yếu là thanh niên tìm MBH có màu sắc, kiểu dáng thời trang và nhẹ tênh. Thực lòng mà nói, 10 người mua thì 9 người biết rằng các loại MBH này có khác gì mũ phớt làm bằng nhựa đâu. Nhưng người ta vẫn kệ, mua để chống chế với công an, để đội cho đẹp, cho hợp với màu xe máy họ đi. Có cầu thì có cung thôi”.

Một số địa điểm tại Hà Nội trước đây bày bán “mũ phớt nhựa” công khai ngoài vỉa hè như khu vực Văn Miếu-Quốc Tử Giám nay chỉ lác đác hoạt động tranh thủ. Tuy nhiên, ở những con ngõ, phố nhỏ khuất bóng lực lượng chức năng như ngõ Trần Khát Chân (khu vực ngã tư Lò Đúc – Trần Khát Chân – Kim Ngưu), loại MBH rẻ tiền vẫn được bày bán nhan nhản.

Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, một cựu lãnh đạo Ủy ban ATGTQG (xin giấu tên) tỏ ra gay gắt: “Khi có chủ trương phạt người tham gia giao thông cố tình đội MBH kém chất lượng thì rất nhiều cơ quan lại không đồng thuận để cùng phối hợp thực hiện, thậm chí còn cho rằng ngành giao thông đẩy trách nhiệm sang dân chúng, trong khi Thông tư liên tịch 06/2013 đã quy định rất rõ thế nào là MBH chuẩn. Đó là, phải có cấu tạo đủ 3 bộ phận: Vỏ mũ, đệm bảo vệ 3 lớp và quai đeo, có kiểu dáng đúng quy định và được chứng nhận hợp quy, gắn tem CR… Thực tế là dân ta thừa khả năng để phân biệt một chiếc MBH an toàn với một chiếc thực chất là mũ lưỡi trai làm bằng nhựa bên trong có một lớp xốp mỏng chỉ có tác dụng làm cảnh!”.

Theo vị này, đa số người dân biết nhưng vẫn cố tình mua loại MBH rẻ tiền, mỏng dính và đầy màu sắc để đội cho có, cho đẹp. Vì lẽ đó, chế tài “rắn” để răn đe, thay đổi nhận thức là điều nên làm. “Tôi đảm bảo rằng, chỉ bằng cảm quan thôi, không cảnh sát giao thông nào đi dừng xe, xử phạt người đội những chiếc MBH dày dặn, cứng cáp dù chưa biết nó có phải hàng xịn hay không. Cảnh sát giao thông sẽ nhằm vào những người đội loại mũ mỏng tẹt như mũ phớt vậy. Ai đội loại MBH này, nếu có bị phạt, tôi đảm bảo là không oan ức gì!”, cựu lãnh đạo Ủy ban ATTGQG nói.

Theo Việt Nguyễn
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan