Sống gần hết cuộc đời trong nghèo khó, ông Hiếu vẫn nuôi hi vọng một ngày nào đó sẽ đổi đời. Bởi vậy mỗi ngày, ông đều trích ra khoản tiền nhỏ mua một tờ vé số. Kiên trì mãi, cuối cùng vận may cũng đến, trong lần dốc túi mua giúp bà lão bán vé số ế, ông đã trúng giải trị giá 100 triệu đồng.
Chắc mẩm trong tay có số tiền lớn, ông Hiếu mừng đến quýnh quáng chân tay. Thế nhưng, vì vô tình làm rách một phần tờ vé, lão nông nghèo không được lĩnh giải. Chạm tay hụt “lộc trời”, ai cũng tiếc cho ông, nhưng kỳ lạ thay, từ đó ông lão nghèo đổi vận.
Làm rách chiếc vé cả đời mong ngóng
Ngay từ khi còn là một cậu bé, ông Nguyễn Văn Hiếu (SN 1961, ấp Bình Hưng Hạ, xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) đã phải oằn mình bốc vác trên bến phà Bình Minh. Lớn lên, ông Hiếu lập gia đình, hoàn cảnh nhà vợ cũng chẳng khá hơn. Vợ chồng nên nghĩa với đôi bàn tay trắng, vì thế dù quanh năm làm lụng, vợ chồng ông vẫn không thoát khỏi “vòng kim cô” đói nghèo.
Trăn trở cùng giấc mộng đổi đời, ông Hiếu bàn với vợ vay lãi, lấy tiền mua một chiếc ghe cũ, tính về sẽ đi chở hàng thuê. Thế nhưng, ngày sắm được ghe thì chuyện tìm mối hàng trở nên nan giải. Hơn hai tháng trôi đi, ông Hiếu vẫn không kiếm được cho mình một chuyến hàng nào. Ghe nằm một chỗ, tiền vay lãi dồn dập đến hạn trả như thúc hông, cuộc sống vốn túng quẫn càng thêm khốn đốn. Mỗi đêm thức dậy nhìn chiếc ghe neo bến, vợ chồng ông Hiếu như “ngồi trên đống lửa”.
Tấm vé số bị rách của ông Nguyễn Văn Hiếu
“Đã nghèo lại gặp eo”, giữa lúc nợ nần bủa vây, ông Hiếu bỗng dưng phát bệnh thoát vị đốt sống lưng, người đàn ông trụ cột nay trở thành gánh nặng khiến gia đình thực sự rơi vào bế tắc. Sau nhiều đêm suy tính, người vợ bàn với ông Hiếu hóa giá chiếc ghe, bán rẻ để lấy tiền trang trải nợ nần. Trở về cảnh nghèo túng bần hàn, nhìn vợ con cơ cực không đành, ông Hiếu lại mang thân bạo bệnh ra bến phà cắn răng xim làm nghề khuân vác. Kiếm được bao nhiêu tiền, ông Hiếu đều dồn hết vào trả nợ, còn dư chút ít để chật vật chi tiêu sinh hoạt gia đình hàng ngày. Cuộc sống luẩn quẩn quanh cái nghèo, ông Hiếu luôn nung nấu hi vọng một ngày nào đó sẽ khá hơn, vì thế mỗi ngày làm việc xong ông đều trích ra một ít tiền mua một vài tờ vé số dắt túi, và cuối cùng vận may cũng đã đến.
Ngày 1/3/2010, ông Hiếu về quê dự đám cưới đứa cháu ở huyện Gò Công, dọc đường gặp một bà lão bán vé số ế mời thảm thiết, thương tình, ông lão đã ghé lại mua giúp một tờ (Công ty SXKT tỉnh Kiên Giang). Mua xong, ông liền bỏ đại vào trong túi áo mà không quan tâm tờ vé trúng giải hay trượt. Ngày hôm sau, khi đang ngồi ở bến phà chờ hàng về để bốc, ông Hiếu chợt nhớ tờ vé trong túi đã mua ngày hôm qua, ông liền lấy ra dò xem thì phát hiện nó đã bị nhàu rách một góc vì thấm mồ hôi. Thấy vậy, ông Hiếu định ném bỏ, nhưng lại nghĩ đây có thể là cơ may đổi đời, ông lấy điện thoại ra nhắn tin dò. Kết quả báo về dãy số 588510 trùng với số của giải đặc biệt, trị giá 100 triệu đồng.
Mừng quá, ông Hiếu quên luôn công việc đang làm, chạy về nhà khoe tờ vé số với vợ. Ngỡ chồng đùa, bà Hai (vợ ông) mắng: “Ông chắc lúc sáng không ăn gì nên hoa mắt, nếu vé số trúng giải thì tôi cho ông xài hết”. Ông Hiếu liền móc túi áo, lấy ra tờ vé và đưa kết quả dò cho vợ xem. Bà Hai vớ lấy đem so rồi tay run lẩy bẩy, miệng lắp bắp: “Trúng thiệt ông ơi, gia đình mình thoát nghèo rồi”. Thế nhưng, chưa hết mừng thì bà Hai chợt nhìn đến góc tờ vé bị rách.
Theo quy định của công ty phát hành vé, người trúng thưởng sẽ không được nhận thưởng nếu vé bị rách, hỏng. Thế nên, hai vợ chồng lão nông nghèo vừa mừng vừa lo, mừng vì chắc chắn trúng thưởng, lo vì cơ hội nhận được tiền cũng rất mong manh. Chiều rồi đêm hôm ấy, cả hai vợ chồng phập phồng đi ra đi vào, hết bàn chuyện sẽ dùng tiền vào việc gì nếu được thưởng lại sang đến chuyện “nếu chẳng may không được lĩnh giải”. Nhưng nghĩ mãi chẳng ra được giải pháp. Hai vợ chồng đành chong đèn, thức luôn chờ trời sáng.
Tinh mơ hôm sau, ông Hiếu tức tốc cùng một người thân mang tờ vé số đến Công ty XSKT tỉnh Kiên Giang lĩnh thưởng. Khi nhân viên phía công ty xổ số đối chiếu, xác nhận tờ vé trúng giải là thật, ông Hiếu mừng rơn. Nhưng khi nhân viên báo tin rằng, chủ nhân tờ vé không được lĩnh giải vì vé đã bị rách, lão nông nghèo hụt hẫng. Ông Hiếu đứng trân người, bao dự tính của vợ chồng, cơ hội thoát nghèo trong phút chốc tan thành mây khói, dù sau đó ông hết lời van nài, phía công ty xổ số vẫn lắc đầu từ chối giải quyết.
Nhớ lại chuyện bị từ chối trả thưởng, ông Hiếu không giấu được sự tiếc nuối: “Tôi là nông dân mua vé số để cầu may và ủng hộ Nhà nước. Cả đời mới trúng một lần lại không được lĩnh vì vé bị rách. Xét về lý thì họ đúng nhưng ở góc độ nào đó thì rõ ràng có thể châm chước giải quyết được, vì thực tế phần rách không liên quan đến dãy số, dấu mốc gì”. Đến nay dù đã hơn 3 năm trôi qua, tờ vé số đáng giá bằng “gia tài khổng lồ” ấy vẫn được lão nông giữ kỹ trong tủ khóa. Ông chưa bao giờ thôi hi vọng, biết đâu một ngày nào đó phía công ty xổ số sẽ nghĩ đến chữ tình cho ông lĩnh thưởng.
Kỳ lạ đổi vận sau khi chạm hụt “lộc trời”
Tự tay làm tuột mất “lộc trời”, vợ chồng lão nông nghèo tiếc đứt gan đứt ruột. Thế nhưng thay vì suy sụp, ông lại xem đó là cách ông trời thử thách bản lĩnh, để ông quyết tâm vượt qua cảnh khốn khó. Và như một sắp đặt, ngay chính trong ngày không lĩnh được thưởng, ông Hiếu được một người bạn ở Cần Thơ rủ cùng buôn bán dừa trái với cơ hội kiếm tiền rất lớn. Sau khi tính toán, thấy như vớ được phao cứu cả gia đình đang chới với trong cái nghèo, ông Hiếu vui vẻ đồng ý và bắt tay vào cuộc.
Quả thật, trời không phụ người, từ ngày cùng bạn làm ăn, cuộc sống gia đình ông Hiếu đã có những bước thay đổi không ngờ. Hết chuyến hàng nọ nối tiếp chuyến kia, tiền lời gối đầu liên tục. Chỉ sau hơn 3 năm, ông Hiếu đem về cho gia đình một số vốn đáng kể bằng chính mồ hôi công sức mình. Ông xây lại nhà khang trang, mua ghe mới, sắm xe, đồ dùng sinh hoạt tiện nghi, cho các con đi học đầy đủ. Từ chỗ hụt bữa từng ngày, vợ chồng ông đã có phần dư bỏ vào tiết kiệm.
Ngôi nhà khang trang của ông Hiếu.
Nay cuộc sống đã ổn định, ông Hiếu đã không còn phải nai lưng khuân thuê vác mướn như ngày xưa nữa. Hàng ngày, ông cùng các con trai xuôi ngược buôn bán trái cây trên chính chiếc ghe lớn của gia đình. Qua bao gian nan vất vả của đời người, nay mới được nếm trái ngọt từ sức cần lao, ông Hiếu cười khà hãnh diện: “Tôi cho rằng tờ vé số ấy rách mà lại hay, trời thử thách tôi ấy chứ. Giả dụ như ngày đó được lĩnh tiền, không biết chừng ỷ lại, ăn tiêu rồi nghèo lại hoàn nghèo không biết chừng”.
Cần xem lại chất lượng in vé Ông Nguyễn Văn Hiếu bức xúc: “Tôi không nhận được tiền thưởng đã đành. Thế nhưng phía Công ty SXKT Kiên Giang cũng nên xem lại chất lượng tờ vé mà họ phát hành. Bởi thực tế, vé của họ in bằng giấy thường nên chỉ cần dính nước thì khả năng bị nhòe và rách rất cao. Tôi đã khiếu nại nhiều cơ quan chức năng để nhờ can thiệp nhưng vẫn không có kết quả. Như thế, nếu một người trúng giải mà vô tình rơi vào trường hợp như tôi thì rất đáng tiếc”. |
Đi lên từ nghèo khó, vợ chồng ông Hiếu thường dạy các con “đói cho sạch, rách cho thơm”. Trong gia đình, con cái luôn phải kính cẩn với cha mẹ, anh em đùm bọc, giúp đỡ nhau. Thấm nhuần lời dạy dỗ, mười người con của vợ chồng ông Hiếu ai cũng đã có gia đình riêng và công việc ổn định. Nhớ lại những ngày cơ cực trước kia, anh Mười (27 tuổi), người con trai đang sống cùng vợ chồng ông Hiếu cho hay: “Tới giờ mình vẫn nghĩ mọi chuyện chỉ là một giấc mơ. Nhìn những gì gia đình chúng tôi đang có ngày hôm nay, người ta không thể tưởng tượng được trước đó cha mẹ, anh em tôi phải khổ thế nào”.
Ông Tư Trực – Trưởng ấp Bình Hưng Hạ (xã Bình Ninh) cho biết: “Ngày trước gia đình ông Hiếu là một trong những hộ khó khăn nhất trong ấp, không những thế lại có tới 10 người con, nên cái nghèo cũng được xếp vào hàng đầu của xã. Tới năm 2010, khi biết tin ông Hiếu trúng số ai cũng mừng cho họ, nên khi biết ông không được lãnh thưởng, đã không ít người tiếc thay. Cũng may sau lần đó, gia đình ông ấy cố gắng làm ăn phất lên liên tục, tới nay thì đã vươn lên là hộ khá giả khiến nhiều người phải thán phục lấy làm gương phấn đấu”.