Vừa cầm điện thoại, nghe giọng run run của vợ thông báo đang bị kẻ xấu bắt cóc, yêu cầu tiền chuộc 500 triệu đồng, người chồng ngoại quốc phát hoảng.
Quá lo lắng, ông chồng người Đài Loan liền tới công an trình báo nhờ giải cứu. Khi một nửa số tiền vừa được chuyển vào tài khoản của đối tượng “bắt cóc” yêu cầu thì bất ngờ người vợ đột ngột trở về bình an. Vậy nhưng, quỷ kế của người đàn bà “hai lần đò” vẫn không qua mặt được các cán bộ điều tra.
“Màn kịch” vụng về
Ngày 2/4, cơ quan công an quận 7 (TP. HCM) nhận được tin trình báo của ông Chiu Chih Kuan (SN 1956, quốc tịch Đài Loan, ngụ tại phường Tân Quy, quận 7) về việc vợ ông là bà Hoàng Như Nguyệt (SN 1971) bị một nhóm bắt cóc tống tiền. Theo trình báo của chồng nạn nhân, khoảng 16h ngày 1/4, Nguyệt xin ông đi uống cà phê với bạn. Tuy nhiên, tâm trạng ông Kuan cảm thấy bất an vì điện thoại của vợ sau đó ít lâu bỗng mất tín hiệu liên lạc.
Đang hoang mang lo lắng thì đến hơn 4h sáng ngày 2/4, điện thoại của ông réo lên liên hồi. Đầu dây bên kia, giọng của Nguyệt thê thảm thông báo cho ông: “Em bị bắt cóc rồi mình ơi!”. Chưa để cho ông Kuan kịp định thần, Nguyệt bồi tiếp: “Hồi tối hôm qua, em đi taxi về đến nhà vừa xuống xe thì bị một số người từ phía sau lao tới dùng khăn tẩm thuốc mê bịt miệng. Em ngất đi không biết gì nữa. Lúc tỉnh dậy, mới thấy mình bị trói ở giữa nghĩa địa nhưng không biết nghĩa địa ở đâu cả”. Thấy người chồng sốt sắng, Nguyệt càng nói như van lơn: “Mình ơi em sợ lắm! Bọn chúng yêu cầu phải chuẩn bị 500 triệu tiền mặt. Nếu không, chúng dọa sẽ lấy kim tiêm dính máu HIV chích vào em đó”. Nghe người vợ nức nở phía đầu dây bên kia, ông Kuan đắng giọng nói: “Mình cứ bình tĩnh đã, tôi sẽ gắng lo đủ tiền chuộc mình ra sớm”. Biết chồng đã bị “mắc lỡm”, thị “chốt hạ”: “Khi nào đủ tiền, mình hãy đến ngân hàng Vietcombank chuyển tiền vào tài khoản 007100… cho bọn chúng nhé. Mình không được báo công an đâu, bọn chúng manh động lắm”. Vừa ngắt lời, đầu dây bên kia đã vọng tiếng tút.. tút.
Hoàng Như Nguyệt thừa nhận về màn kịch tự sắp đặt tại cơ quan điều tra.
Sau khi nhận được tin “động trời”, quá lo lắng cho sự an nguy của người vợ tội nghiệp, ông Kuan vẫn đến cơ quan công an trình báo nhờ giúp đỡ. Những trinh sát lập tức tìm đến những địa điểm khả nghi để tìm manh mối về “con tin” đang bị bắt giữ. Nhưng chỉ chưa đầy một tiếng sau, ông Kuan lại nhận được cuộc điện thoại ngắn ngủi giục gửi tiền từ vợ mình. Cứ cách nhau một tiếng đồng hồ, di động của ông tiếp tục rung lên bởi 2 cuộc gọi nữa từ vợ mà nội dung chỉ là hỏi ông đã gửi tiền chưa. Không chỉ gọi điện, thị còn gửi cho chồng nhiều tin nhắn với cùng một nội dung tương tự. Từ sự kỳ lạ không hề có giọng nói của đối tượng bắt cóc nào lại chỉ có sự hối thúc của người vợ, các điều tra viên đã bắt đầu nghi ngờ về một màn kịch dàn dựng. Kiểm tra số tài khoản ngân hàng được yêu cầu chuyển tiền vào, ông Kuan cũng phát hiện đó chính là tài khoản của vợ mình chứ không phải ai khác. Nắm được manh mối quan trọng này, lực lượng trinh sát đã từng bước bóc trần kịch bản do chính “con tin” tự biên tự diễn.
Phương pháp tối ưu nhất của các cán bộ điều tra được đặt ra là “dụ mồi” để vở kịch nhanh chóng được hạ màn. Theo hướng dẫn, 16h cùng ngày 2/4, ông Kuan tới ngân hàng chuyển 200 triệu đồng vào tài khoản mà vợ thông báo. Về phía Nguyệt, vì quá sốt sắng, hết gọi điện cho chồng, thị liên tục gọi tới cho nhân viên tín dụng ngân hàng Vietcombank hỏi xem tài khoản của mình có tiền hay chưa. Đúng lúc ông Kuan chuyển số tiền trên, thị cũng vừa nhận được tin báo tài khoản đã được nạp vào 200 triệu đồng, thay vì số tiền 500 triệu đồng mơ ước. Tuy vậy, số tiền đó cũng đủ để thị thỏa mãn, tự “hạ màn” chính vở diễn của mình.
Sau khi được tại ngoại, căn nhà hai vợ chồng ít khi tiếp xúc với bên ngoài. Ảnh TG
Hạ màn
Bị chồng đầu bỏ cũng vì mê cờ bạc Không thể chịu được tính máu mê cờ bạc của vợ, người người chồng đã đâm đơn ra tòa ly dị, ai đi đường nấy. Chồng bỏ, chủ nợ truy lùng gắt gao, thị ôm con từ Hải Dương vào Sài thành kiếm sống. Với nghề cũ, thị cũng sống được với đồng lương ít ỏi nhưng vẫn thiếu thốn để nuôi đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Không những thế, những khoản nợ nần cờ bạc còn đang treo trên đầu không biết đến bao giờ thị mới trả nổi. |
Vớ bở vì được số tiền lớn, thị không về nhà ngay để chứng tỏ mình bị “bắt cóc” nhằm che mắt chồng. Tiếp tục đi lang thang đến 19h, thị mới quyết định “bắn tin” về nhà. Cuộc điện thoại phút chót, thị nói với giọng tươi tỉnh hơn: “Mình ơi em đã vay được của mấy đứa bạn thêm 300 triệu đồng nữa rồi. Đủ tiền nên chắc lát nữa bọn bắt cóc sẽ thả em ra”. “Ừ, thế là tốt rồi. Mình cứ về nhà đi đã!”, ông Kuan đáp trả. Nói xong, tưởng vở kịch hoàn hảo, thị liền bắt taxi về nhà, ùa vào lòng chồng than khóc về sự sợ hãi vừa qua. Nhưng chưa kịp “ôn nghèo kể khổ” với chồng, Nguyệt như chết lặng khi thấy bóng dáng công an gõ cửa. Nguyệt bị dẫn giải về cơ quan điều tra vì thị chính là tình nghi số một trong vụ bắt cóc có một không hai này.
Tại cơ quan điều tra, lúc đầu Nguyệt một mực khẳng định mình bị bắt cóc. Nhưng bằng các biện pháp nghiệp vụ và những bằng chứng được đưa ra, cuối cùng thị phải khai nhận việc toàn bộ màn kịch bắt cóc hòng tống tiền chồng. Lật lại nguyên nhân dẫn đến vụ lừa đảo hy hữu, thị thừa nhận ông Kuan chỉ là chồng hờ mà thôi. Thị và ông Kuan chuyển về chung sống với nhau từ năm 2004, đã tròn 10 năm nhưng không đăng ký kết hôn. Nguyệt làm nghề tư vấn sắc đẹp trong một thẩm mỹ viện. Trước đó, Nguyệt đã có một đời chồng, một cậu con trai ngoan ngoãn, gia đình sống khá hạnh phúc gia đình. Thế nhưng, thị lại có máu đỏ đen, ham mê cờ bạc nên mâu thuẫn gia đình xảy thường xuyên.
Trong lúc khó khăn chồng chất, Nguyệt gặp ông Kuan, một đại gia người Đài Loan trong ngành điện lạnh. Sẵn có nhan sắc trời phú, Nguyệt nhanh chóng làm cho vị đại gia “say như điếu đổ”. Từ đó, hai người chuyển về chung sống với nhau như vợ chồng. Được chồng hờ yêu chiều, cung phụng hết mực, tuy nhiên với bản tính ham mê trò đỏ đen, thị lại tiếp tục sa chân vào cờ bạc. Nợ trước chưa trả hết, lần này lại ngập trong những khoản nợ mới. Nhiều lần ngửa tay xin tiền chồng, thị chỉ được ông Kuan cho “nhỏ giọt” để mua sắm hay tiêu dùng hàng ngày. Ông Kuan cũng không hề biết vợ mình đang bị con nợ bủa vây. Tức tối vì chồng “ki bo”, lại chán nản vì nợ nần, thị bỗng nghĩ ra ý tưởng điên rồ biến mình thành “con tin” trong màn kịch vụng về tự dàn dựng.
Theo lời khai ban đầu của Nguyệt tại Cơ quan điều tra, hôm đó thị có hẹn với bạn uống cà phê. Lúc chuẩn bị ra về thì trời đã sẩm tối, Nguyệt liền bắt xe ôm hướng về nhà. Nhưng khi gần đến nơi, bất giác nghĩ tới khoản nợ đang ngập đầu trước mắt, thị thay đổi ý định và thất thần đi bộ đến công viên 23/9 ngồi nghỉ. Lang thang suốt đêm, lại tức tối việc xin tiền trước đó mà chồng không cho, Nguyệt tắt di động mà không hề báo về nhà. Lúc này công viên không một bóng người, Nguyệt âm thầm dựng nên kịch bản “tự bắt cóc” tống tiền nhằm mục đích “moi” được một số tiền lớn trả nợ, vừa che mắt được “chồng hờ”.
Dù vợ phạm phải sai lầm lớn, ông Kuan vẫn bảo lãnh cho Nguyệt được tại ngoại về nhà chờ điều tra. Sau khi xảy ra vụ việc, căn nhà vốn sống khép kín nay lại càng đóng cửa im ỉm, tránh ánh mắt của mọi người dân xung quanh. Người đàn ông tóc đã hoa râm này chắc sẽ rộng lượng bỏ qua lỗi lầm của cô vợ ham mê sát phạt đỏ đen. Thế nhưng, pháp luật sẽ không nương tay với “vở kịch” lừa đảo ngoạn mục như vậy dù bị hại có bãi nại đi chăng nữa. Hiện cơ quan công an đang tiến hành hoàn tất tài liệu, củng cố hồ sơ để khởi tố vụ án.