Thời gian gần đây, cư dân mạng chia sẻ thông tin “một người đàn ông Trung Quốc 40 tuổi bị chẩn đoán mắc ung thư mắt do sử dụng smartphone trong đêm”.
Sau khi thông tin này được đưa ra, rất nhiều người lo lắng bởi ở thành thị hầu như giới trẻ đều có một smartphone trong tay.
Là người nghiên cứu về chuyên ngành ung thư gần 40 năm, GS.TS.Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam khẳng định, thông tin dùng smartphone bị ung thư mắt không có cơ sở khoa học.
“Để khẳng định dùng smartphone liên quan đến bệnh ung thư mắt cần có cơ sở thực nghiệm, phải nghiên cứu ở nhiều nơi và trong thời gian dài…”, GS.Nguyễn Bá Đức nói.
Theo ông Đức, ung thư mắt là bệnh không phổ biến trong 10 bệnh ung thư thường gặp. Trong ung thư mắt chủ yếu là ung thư võng mạc, hay gặp ở trẻ dưới 10 tuổi. Cho đến thời điểm này, các nhà khoa học vẫn chưa rõ nguyên nhân. Giới y học chỉ xác định bệnh có liên quan đến đột biến gen khi trẻ còn là phôi thai. Trong khi đó, nguyên nhân gây đột biến gen có thể là do tia phóng xạ, hoá chất, di truyền gia đình (chiếm 20%).
Các chuyên gia khẳng định, smartphone và bệnh ung thư mắt không có mối liên quan.
Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho biết, bệnh ung thư mắt thường có các biểu hiện như: Xuất hiện ánh trắng đồng tử, giống mắt mèo; Tự nhiên lé (khối u che lấp khiến trẻ bị nhược thị và dẫn đến lé. Lé cũng còn là biểu hiện của tật khúc xạ; Thị lực kém.
Ngoài ra, người bị ung thư mắt còn có biểu hiện khác như: Xuất huyết tự phát trong mắt, lồi mắt, di căn sang các bộ phận khác của cơ thể. Đặc biệt, nếu xuất hiện khối u lở loét, bệnh rất nặng và dễ gây biến chứng. Lúc này, để bảo toàn tính mạng của trẻ, các bác sĩ phải khoét bỏ nhãn cầu, sau đó hóa trị, xạ trị.
“Bị ung thư võng mạc, nơi di căn thường gặp nhất là hốc mắt, hệ thần kinh trung ương, xương sọ. Di căn đường máu có thể vào tới tủy xương và di căn đến các tạng là gan, thận…”, GS.TS.Nguyễn Bá Đức cảnh báo.
Trao đổi với phóng viên, BS.Nguyễn Thị Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội cũng cho rằng, thông tin sử dụng smartphone trong đêm bị ung thư mắt chưa có cơ sở khoa học vì thực tế bệnh ung thư mắt và smartphone không có mối liên hệ.
Theo BS Hương, sử dụng máy tính nhiều, điện thoại, xem tivi nhiều sẽ gây khô mắt, mỏi mắt hay cận thị. Còn bệnh ung thư mắt không liên quan tới ánh sáng hay các tác động của ánh sáng từ điện thoại, máy tính hay ti vi.
“Tôi không phủ nhận việc sử dụng smartphone hay máy tính ở những nơi không đủ ánh sáng sẽ khô mắt, mỏi mắt, cận thị…. nhưng dùng smartphone không thể ung thư mắt”, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội nói.
Chuyên gia khuyến cáo, vì ung thư mắt là do gen di truyền nên không thể tránh. Do đó, nếu phát hiện sớm, điều trị sớm thì có thể khỏi bệnh.
Nếu điều trị muộn thì phải khoét bỏ mắt. Vì vậy, cách phòng ngừa tốt nhất là trong vòng ba năm đầu tiên phải đưa trẻ đến bệnh viện khám mắt định kỳ ít nhất 6 tháng/lần; Theo dõi sát đối với những gia đình có người bị ung thư. Theo dõi sát mắt thứ hai nếu mắt kia đã xác định là ung thư; Thường xuyên quan sát lòng đen mắt của trẻ, đưa đi khám ngay khi có dấu hiệu khác thường.