Hành hương là một nét đẹp tâm linh của người Việt. Tuy nhiên, lợi dụng vào việc người hành hương tăng lên dịp đầu năm nên vài năm trở lại đây, du khách thường "dính" việc bị "chặt chém", móc túi...
Cứ vào dịp đầu năm, người dân lại đến các đền, chùa hành hương. Đây được xem là một nét đẹp tâm linh của người dân, vừa cầu an lại vừa cầu một năm làm ăn thịnh vượng. Trong đó, người dân tại khu vực TP.HCM thường chọn chùa Bà chúa Xứ (An Giang), chùa núi Bà Đen (Tây Ninh), chùa Bà (Bình Dương), thiền viện Phương Nam (Cần Thơ), chùa Hang (Kiên Giang)… làm nơi đến.
Cũng vì nhu cầu ngày một tăng cao, các công ty du lịch nhanh chóng khai thác xu hướng này và đưa ra nhiều tour khá đặc biệt như tour đi viếng thập tự tại miền Nam, thập tự tại Bà Rịa – Vũng Tàu, thập tự tại Đà Lạt… Trong quá trình hành hương, các tour này sẽ kết hợp với du lịch nên tạo sự thích thú cho du khách.
Đầu năm, khách hành hương đổ dồn về các chùa
Theo chị Nguyễn Tùng Linh, nhân viên của một công ty du lịch ở TP.HCM, công ty chị có khá nhiều tour du lịch hành hương cả miền Nam lẫn miền Bắc. Trong đó, số lượng người đăng ký hành hương ở miền Nam đông hơn ở miền Bắc. Bởi, tuyến đường từ TP.HCM đến các vùng lân cận gần và có giá thấp. Trong khi đó, nhiều người dân lại chọn Miền Bắc để tham gia lễ hội chùa Hương (Hà Nội), Yên Tử (Quảng Ninh), chùa Bái Đính (Ninh Bình), Phật tích Trúc Lâm (Cao Bằng)…
Còn chị Trần Thị Hoàng Linh, chuyên tổ chức các tuor du lịch tại Sài Gòn cho biết, số lượng khách đặt tour hành hương năm nay nhiều hơn khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách đăng ký nhiều nhất vào độ tuổi từ 35 trở lên. Tour hành hương kéo dài từ 1 đến 5 ngày, phần lớn là đến các danh thắng, chùa chiền nổi tiếng.
Theo ghi nhận, số lượng người đến đăng ký tour tại các công ty du lịch chỉ là con số rất nhỏ. Phần đông hơn, người dân tự điều khiển xe riêng hoặc thuê xe để tự hành hương. Mấy ngày gần đây, tiểu thương các chợ An Đông, Tân Bình, Gia Định, Bến Thành, Nguyễn Tri Phương… kết hợp thành các nhóm nhỏ thuê xe để đến các chùa viếng. Chị Dương Thị Hoài (quận 3) chia sẻ: “Tự đi vừa rẻ lại vừa có thể chủ động thời gian. Nhiều khi đến chùa này, mình thấy thích thú, ở lại viếng lâu một tí cũng được. Nếu đi theo tour thì mình không thể tự chủ động được, nhiều khi lại cảm thấy không thoải mái”.
Đặc biệt, để thể hiện lòng thành, nhiều đoàn tự tổ chức vừa hành hương vừa làm từ thiện. Nổi bật, tiểu thương tại chợ Nguyễn Tri Phương cho biết, vào ngày 13 âm lịch, chị em ở chợ tụ họp cùng viếng bốn chùa tại huyện Gò Công (tỉnh An Giang). Đến hôm sau, mọi người lại tổ chức nấu ăn từ thiện tại một số ngôi chùa lớn ở huyện Bình Chánh, quận 5 (TP.HCM)… Vào ngày 19 âm lịch, nhóm tiểu thương này lại tiếp tục nấu hơn 2.000 suất cơm cho những người già, cô nhi ở trung tâm Chánh Phú Hòa và phát cơm miễn phí tại một số bệnh viện…
Anh Trần Ngọc Hải (Hội trưởng hội từ thiện Phước Hải, chợ Nguyễn Tri Phương) chia sẻ: “Đi hành hương đầu năm là để cầu bình an, mua may bán đắt, gặp nhiều thuận lợi trong kinh doanh. Nhưng, lòng thành luôn gắn liền với hành động nên nhóm tiểu thương chúng tôi đã chọn phương thức từ thiện”.
Anh Trần Hoàng Nhân (hướng dẫn viên) cho biết, khách hành hương trong khoảng thời gian này khá đông. Do đó, đối với những người tự tổ chức đi cần chú ý việc chọn thời điểm thích hợp để đến nơi hành hương không gặp cảnh quá đông người.
Trong các chuyến hành hương, khách chắc chắn phải đi bộ nên cần “cạch mặt” giày cao gót, thay vào đó là sử dụng những đôi giày, dép có quai hậu, đế thấp, có độ bám. Do hành hương đến những nơi linh thiêng nên khách cũng cần ăn mặc không quá phản cảm. Đối với hành lý chỉ nên mang theo những thứ cần thiết. Trước khi vào hành hương, cần cất những tư trang có giá trị như vàng, bạc, tiền ở phòng khách sạn, nhà nghỉ hay ô tô vì rất dễ bị kẻ xấu lợi dụng lúc đông người để móc túi.
Khách hành hương chỉ nên mang bó nhang đến thắp rồi cầu nguyện chứ không nên mua quá nhiều vật phẩm
Nữ hướng dẫn viên Dương Thị Quỳnh Hoa chia sẻ, trong mùa hành hương, du khách thường bị “chặt chém” nhiều nhất là khi mua đồ lễ. Do đó, khách nên chuẩn bị lễ vật trước, không nên đến tận nơi mới mua lễ vật vì những nơi này giá thường bị đội lên khá cao. Nếu du khách không chuẩn bị lễ vật trước nên hỏi giá cả cụ thể, đã bao gồm phí chuyển lên tận nơi hay chưa bở nếu bạn không hỏi, đối với những dịch vụ lẻ, bạn sẽ bị “chém” khá nặng.
Chị Hoa nhấn mạnh, du khách khi mua lễ vật không nên nghe theo những người làm dịch vụ vì họ thường “đẻ” ra khá nhiều thứ và rất tốn kém. Tốt nhất, du khách chỉ mang theo một nắm hương để thắp thể hiện được lòng thành chứ không nên cúng bái quá nhiều vật phẩm.
Ngoài ra, chị Nguyễn Tùng Linh cho hay, trong khuôn viên nhiều đền, chùa, có một vài người bán các loại lá, thân, rễ cây. Người bán thường quảng cáo công dụng của những loại này gần như là tiên dược. Ngoài ra, một vài “người nhà” của họ cũng giả vờ trà trộn làm khách hành hương để nói tăng giá trị chữa bệnh của sản phẩm. Tốt nhất, du khách chỉ nên mua những gì mình đã biết rõ, không nên “vứt” tiền vì những thứ mình không biết chính xác.