Dương Anh Vũ: Từ đứa trẻ làm "tổn thương tự trọng gia đình" đến kỷ lục gia Siêu trí nhớ

Ngày 25/06/2020 12:00 PM (GMT+7)

“Tôi thật sự là đứa con đã làm "tổn thương lòng tự trọng" của ba mẹ và gia đình. Tôi phải thay đổi”, Dương Anh Vũ tâm sự.

Dương Anh Vũ (SN 1988, Ninh Thuận) được công nhận là người nhớ được khối dữ liệu khoa học lớn nhất thế giới ở nhiều lĩnh vực. Và có lẽ điều đáng ngưỡng mộ ở anh chính là việc xác lập 4 kỷ lục trí nhớ về Siêu trí nhớ học thuật. Mới đây, anh được biết đến với vai trò là Trưởng ban Cố vấn Khoa học – Siêu trí tuệ Việt Nam mùa 1.

Gặp Dương Anh Vũ vào đúng dịp ngày Gia đình Việt Nam (28/6), chúng tôi đã có cơ hội trò chuyện với anh để hiểu hơn về con người từng học dở đến mức bị đúp, phải học bổ túc, từng là nỗi xấu hổ của gia đình... Nhưng sau tất cả, nhờ tình yêu thương của bố mẹ và sự cố gắng của bản thân, thành công đã đến với anh.

Từng là đứa con làm "tổn thương lòng tự trọng" của bố mẹ

Người ta thường nói, người thành công thường nghĩ đến quá khứ khó khăn để căn dặn bản thân không ngủ quên trên chiến thắng. Giờ Dương Anh Vũ có thể cùng chúng tôi quay ngược về quá khứ - thời điểm anh là một cậu bé “cá biệt” trong mắt gia đình, thầy cô giáo và bạn bè?

Cuộc đời của con người cũng giống như con đường vậy, đôi khi bằng phẳng, thẳng tắp, nhưng đôi khi lại đèo dốc, khúc khuỷu. Bạn không thể từ chối đi trên những con đường đó, vì chỉ khi chết, bạn mới không tiếp tục đi nữa mà thôi… Đôi khi trong quá trình di chuyển, bạn gặp phải một khúc cua và thế là tai nạn diễn ra. Sẽ có 2 trường hợp lựa chọn:

1. Gục ngã – từ bỏ

2. Đứng dậy – đi tiếp.

Những người lựa chọn phương án 2 luôn nhận được nhiều giá trị nhất trong cuộc sống.

Tôi may mắn hơn nhiều người khác, chính là gặp “tai nạn” từ rất sớm (cười). Nhờ vấp ngã sớm nên tôi có thời gian để làm lại. Quá khứ của tôi là một học sinh dốt, với 7/9 năm học cấp I và cấp II bị xếp loại Yếu, phải thi lại, thậm chí là ở lại lớp. Cấp III, tôi học bổ túc vì điểm thi tốt nghiệp quá thấp, không có bất cứ trường THPT nào chịu nhận vào.

Những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường là thời gian tôi bị tổn thương nhiều nhất. Chính những tổn thương đó làm tôi bị trầm cảm nghiêm trọng. Tôi nhớ hồi còn nhỏ, mỗi khi ngồi ăn cơm, ba tôi thường nhìn tôi mà nói đùa rằng: "Ba mẹ xin lỗi con. Ba mẹ đã tạo ra con như một sản phẩm bị lỗi…".

Dương Anh Vũ: Từ đứa trẻ làm amp;#34;tổn thương tự trọng gia đìnhamp;#34; đến kỷ lục gia Siêu trí nhớ - 2

Tôi bắt đầu là một học sinh yếu từ năm lớp 2, lên lớp 3 tôi bị lưu ban và đã mất 6 năm để hoàn thành xong bậc tiểu học. Sau đó tôi học bán công và nhiều năm liền đều bị học sinh yếu. Năm lớp 9, thi chuyển cấp tôi chỉ được 28 điểm – trong khi điểm tối thiểu là 28,5. Không có bất cứ trường THPT nào chịu nhận tôi vào học cả.

Theo thường lệ, cứ mỗi lần biết kết quả thi cử là ba tôi lại cho tôi ăn đòn, nhưng lần này khác và sự khác biệt này đã khiến cuộc đời tôi thay đổi hoàn toàn. Ba tôi nói thế này: "Con nên nghỉ học đi học nghề thôi. Con thấy đó, 10 năm trời con đi học, không thu được bất cứ một thành quả nào, toàn ở lại lớp với thi lại".

Lúc ấy, tôi lại nhớ cứ mỗi lần ngồi uống rượu với bạn bè, khi họ khen con cái của mình học giỏi, ba tôi lại cúi gằm mặt xuống ly rượu, phiền muộn... Mỗi lần đám giỗ, mấy cô dì thi nhau kể về thành tích của con cái mình, mẹ tôi lại cúi gằm mặt vào rổ rau, rá thịt mà không nói lời nào. Tôi thật sự là đứa con đã làm "tổn thương lòng tự trọng" của ba mẹ và gia đình. Tôi phải thay đổi.

Sau đó, tôi đăng ký học bổ túc và chỉ có biết học và học trong suốt 3 năm trời. Rồi tôi cũng đậu vào trường Đại học Quốc gia TP.HCM rồi cứ thế mà tiến lên. Tôi nghiên cứu nhiều đề tài, nâng cấp thêm trí nhớ và nhận được học bổng cao học ở Đại học Auckland, New Zealand.

Dương Anh Vũ: Từ đứa trẻ làm amp;#34;tổn thương tự trọng gia đìnhamp;#34; đến kỷ lục gia Siêu trí nhớ - 3

Khi vượt qua giai đoạn khó khăn đó, anh rút ra được điều gì?

Tôi phát hiện ra điều đáng sợ nhất trong con người chúng ta chính là sự “ngộ nhận”. Tôi bế tắc trong suốt thời học phổ thông vì “ngộ nhận mình dốt”. Và điều tệ hại nhất là không có bất cứ ai chỉ lối cho tôi đi, không ai khích lệ tôi, không ai cho tôi biết sự thật là tôi cũng có tố chất như những đứa trẻ khác… Rồi đến một ngày, sau mọi cố gắng và nỗ lực, tôi đã hiểu ra một chân lý: nếu sinh ra với thể trạng và tâm thức phát triển bình thường thì chẳng ai dốt cả. Từ đó, tôi tự tin hơn để bước qua những bậc thang của tri thức và chinh phục các giá trị khoa học.

Thời học phổ thông, tôi chỉ là một học sinh dốt về học lực thôi, chứ xét về hành kiểm, tôi là một học sinh ngoan, chưa từng bỏ học, chưa từng đánh bạn bè hay quy phạm các tác phong khác như hút thuốc hay trốn tiết. Tôi đi học rất đầy đủ, chỉ có tội học dốt thôi (cười).

Dương Anh Vũ: Từ đứa trẻ làm amp;#34;tổn thương tự trọng gia đìnhamp;#34; đến kỷ lục gia Siêu trí nhớ - 4
Dương Anh Vũ: Từ đứa trẻ làm amp;#34;tổn thương tự trọng gia đìnhamp;#34; đến kỷ lục gia Siêu trí nhớ - 5
Dương Anh Vũ: Từ đứa trẻ làm amp;#34;tổn thương tự trọng gia đìnhamp;#34; đến kỷ lục gia Siêu trí nhớ - 6
Dương Anh Vũ: Từ đứa trẻ làm amp;#34;tổn thương tự trọng gia đìnhamp;#34; đến kỷ lục gia Siêu trí nhớ - 7

Có không ít đứa trẻ có tuổi thơ gắn liền với hai từ “cá biệt” nhưng thực tế các bé lại thông minh hơn người. Theo anh, điều gì tạo nên một người trưởng thành có phẩm giá và tri thức?

Tôi là người ủng hộ nhiệt thành “Thuyết Đa trí tuệ” (Theory of multiple intelligences) của TS. Howard Gardner. Tôi tin rằng: “Bất kỳ đứa trẻ nào sinh ra phát triển bình thường, không mắc phải down và tự kỷ, chúng đều có thể sở hữu 1 trong 8 dạng trí tuệ (gồm: trí thông minh ngôn ngữ; trí thông minh logic - toán học; trí thông minh âm nhạc; trí thông minh thể chất; trí thông minh hội họa không gian; trí thông minh nội tâm; trí thông minh tương tác xã hội; trí thông minh thiên nhiên - PV)". Nếu đi đúng hướng, chúng có thể sở hữu nhiều loại hình trí tuệ hơn nữa.

Chính những trải nghiệm từ một học sinh bị cho là nằm ngoài rìa của nền giáo dục, vươn lên để nhận được học bổng du học rồi làm qua nhiều dự án phi chính phủ đã giúp tôi có những góc nhìn tích cực và hài hoà hơn về giá trị thực sự của một đứa trẻ bị cho là cá biệt hay học dốt. Tôi có cảm giác rằng chúng ta mất quá nhiều thời gian bàn luận và tranh cãi về những “triết lý giáo dục” - những điều quá to tát và khó hiểu đối với đại đa số. Hãy bắt đầu bằng những yếu tố nhỏ nhất, đó là “trẻ con và những người đã sinh ra chúng” – tác nhân chính làm phá sản hoặc tạo ra những giá trị vĩ đại cho các nền giáo dục.

Dương Anh Vũ: Từ đứa trẻ làm amp;#34;tổn thương tự trọng gia đìnhamp;#34; đến kỷ lục gia Siêu trí nhớ - 8

Tôi phát hiện ra rằng, những đứa trẻ sẽ có ít cơ hội để trưởng thành một cách đầy đủ nếu tuổi thơ của chúng bị rút ngắn đi, vì giai đoạn trẻ thơ ngắn lại thì kiếp sống trẻ trâu sẽ dài ra, đây là một quy luật xã hội rất hiển nhiên mà ai cũng sẽ thấy. Người lớn thường đùn đẩy các vấn đề cho nhà trường hay xã hội để tránh phải chịu trách nhiệm… Bạn có nhận thấy “càng ngày tuổi thơ của những đứa trẻ càng ngắn lại không”? Chính những người lớn đã vô tình hay cố ý góp phần thúc đẩy điều này diễn ra nhanh hơn.

Trong 3 thế giới mà một con người phải trải qua trước khi bước đến tuổi trưởng thành, thì:

- “Thế giới trẻ thơ” là dễ bị tổn thương nhất.

- “Thế giới trẻ trâu” là nguy hiểm và gây bất an cho xã hội nhất.

- “Thế giới siêu trâu” tạo ra nhiều tội phạm nhất.

Xã hội vật chất và sự ích kỷ của người lớn đã tạo ra khái niệm này Giáo dục uỷ nhiệm. Nhiều ông bố bà mẹ trong xã hội chúng ta tin rằng vật chất sẽ giúp con cái mình hạnh phúc và có nhiều cơ hội hơn ở tương lai… điều này không sai. Những ông bố bà mẹ này chỉ sai khi dành hết quỹ thời gian của cuộc đời mình để kiếm tiền mà “uỷ nhiệm” việc giáo dục con cái cho “nhà trường”, thậm chí là cho những người “giúp việc”. Trước khi đến tuổi đi học thì dường như 100% thời gian của một đứa trẻ sẽ là ở nhà, giai đoạn này (0-6 tuổi) được xem là giai đoạn vàng, nhưng nhiều bố mẹ đã trao giai đoạn vàng của con cái mình cho những người giúp việc…

“Ba tôi dạy con bằng sự nghiêm khắc, chỉ biết hành động đúng để con làm theo”

Thông thường, người làm khoa học hoặc người nổi tiếng phải dành nhiều thời gian cho công việc nên lập gia đình rất muộn. Nhưng anh thì khác, cưới vợ từ năm 30 tuổi. Lý do gì thôi thúc anh kết hôn? Anh có sợ lấy vợ sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp của mình?

Tôi chỉ là người làm khoa học chứ chưa phải là người nổi tiếng (cười). Đúng là khi ta dồn mọi đam mê và tình yêu vào một cái gì đó, con người có xu hướng quên hoặc cố tình lẩn tránh những thứ khác, trong trường hợp của tôi là quá mê khoa học. Tôi đã từng “quên yêu” trong suốt nhiều năm và cũng từng nghĩ rằng mình sẽ không lập gia đình vì điều này sẽ làm cho tôi mất nhiều thời gian. Và nếu tôi không gặp vợ tôi hiện giờ thì chắc chắn suy nghĩ không lập gia đình vẫn còn tồn tại trong tôi.

Đối với tôi, 30 tuổi lập gia đình không phải là sớm. Đó là độ tuổi vừa đủ chín chắn và tích lũy đủ tài sản để lấy vợ. Trước khi lấy vợ, tôi chẳng có gì để gọi là “sự nghiệp” cả. Mọi thứ chỉ đến khi tôi và cô ấy về một nhà. Nếu không có lời khuyên nhủ của vợ, tôi đã từ chối nhiều dự án quan trọng, trong đó có chương trình Siêu trí tuệ Việt Nam. Tôi tin rằng sống và ở cạnh một người phụ nữ thông minh, người đàn ông sẽ dễ thành công hơn…

Dương Anh Vũ: Từ đứa trẻ làm amp;#34;tổn thương tự trọng gia đìnhamp;#34; đến kỷ lục gia Siêu trí nhớ - 9

Bây giờ khi đã làm bố, anh học tập được gì từ việc dạy con từ bố mẹ anh ngày xưa?

Từ hồi anh em chúng tôi còn rất bé, ba tôi thường nói rằng: “Vì ba không có điều kiện ăn học, nên giờ chữ nghĩa của ba không nhiều, chỉ đủ để đọc hết một tờ báo thật chậm. Giờ các con có điều kiện hơn thời của ba má nên các con phải cố gắng học, đứa nào học được, dù bán hết nhà cửa ba cũng nuôi đến cùng”. Hơn cả, ba tôi đã không dừng lại ở lời nói, ông đã bán nhà, bán ruộng vườn để cho chúng tôi ăn học thật. Khi tôi đã có một chút thành công ở nước ngoài trở về, ba má tôi đang sống trong một ngôi nhà cấp 4, túng thiếu đủ thứ, chỉ cần trời mưa một chút là nước vô nhà.

Trong lần Đài truyền hình Việt Nam đến Ninh Thuận để làm phim phóng sự về tôi, BTV chương trình đã phỏng vấn ba:

-  BTV: Thưa bác, bác đã giáo dục anh Vũ và những người con khác trong gia đình bằng triết lý gì ạ?

-  Ba: (… trầm ngâm một chút) Tôi không biết triết lý nào cả. Tôi chỉ là một nông dân chưa học hết lớp 3, chữ nghĩa của tôi chỉ đủ để đọc một tờ báo thật chậm, cho nên tôi không có gì để tạo ra một Tiến sĩ hay một Kỷ lục gia Trí nhớ Học thuật Thế giới. Tôi không bắt các con phải sống thế nào, chỉ cố gắng hành động đúng để chúng làm theo.

Ba tôi là một người nông dân thực thụ, ông dạy con cái bằng sự nghiêm khắc dựa trên nền tảng của tình yêu thương. Ba tôi không lôi bất kỳ triết lý giáo dục đông tây nào ra để ứng dụng, ông chỉ biết nói và hành động đúng để chúng tôi làm theo mà thôi. Trên thực tế trẻ con luôn nhìn hành động và cử chỉ của người lớn để học theo, đặc biệt là ba mẹ. Nếu bạn muốn con bạn trở thành một con người như thế nào thì hãy sống và hành động đúng với con người đó. Đây chính là bài học lớn nhất mà tôi đã học được từ ba mình.

Dương Anh Vũ: Từ đứa trẻ làm amp;#34;tổn thương tự trọng gia đìnhamp;#34; đến kỷ lục gia Siêu trí nhớ - 10

Khi tôi viết các truyện ngắn về ba đăng trên Facebook cá nhân, có người đã nói rằng, tôi có đến 2 tuổi thơ: tuổi thơ của chính tôi và tuổi thơ của ba. Đúng thế, tôi thuộc từng câu chuyện về ông do mẹ tôi và ông bà tôi kể. Tuy ông chỉ là một người nông dân ít chữ, nhưng ông đã ảnh hưởng đến tư duy khoa học của tôi rất nhiều…

Với lượng công việc bận rộn cùng các dự án lớn nhỏ, anh sắp xếp thời gian ra sao để hài hòa mọi thứ trong cuộc sống: vợ con – bố mẹ nội ngoại và công việc cũng như các dự định?

Trí khôn của con người đến từ nhiều cách, trong đó có trải nghiệm và khi bạn chưa gặp phải các vấn đề rối rắm trong cuộc sống cũng như công việc mang lại thì bạn sẽ không biết cách giải quyết, sắp xếp. Nhưng khi bạn đã gặp rồi, tôi tin bạn sẽ thu xếp được mọi thứ ổn thoả theo mong muốn của mình, đương nhiên mỗi người sẽ có một cách khác nhau.

Qua một năm 2019 vắt chân lên cổ chạy, đến cả khi vợ sinh đứa con đầu lòng tôi vẫn đang ở ngoài trường quay để chạy chương trình thì phải nó là… mọi thứ trở nên quá sức chịu đựng. Cuối cùng các vấn đề đều được giải quyết khi vợ tôi hiểu và thông cảm cho những bận rộn của tôi, ba mẹ vợ tôi cũng thế… mọi người đã chung tay phụ giúp.

Dù bạn có nhiều thời gian đến đâu để dành cho gia đình, nhưng trong ngôi nhà ấy không có sự yêu thương đúng nghĩa, những thành viên không trân trọng và thông cảm cho nhau, sự biết ơn không bao giờ được thể hiện thì có cố đến đâu, bạn làm nhiều tiền đến đâu, bạn có một ngày 48 tiếng để dành cho gia đình thì cái mái ấm đó cũng không thể giữ được.

Dương Anh Vũ: Từ đứa trẻ làm amp;#34;tổn thương tự trọng gia đìnhamp;#34; đến kỷ lục gia Siêu trí nhớ - 11
Dương Anh Vũ: Từ đứa trẻ làm amp;#34;tổn thương tự trọng gia đìnhamp;#34; đến kỷ lục gia Siêu trí nhớ - 12

Sự ấm cúng của mái ấm nó đến từ con tim của mỗi thành viên, chứ nó không đến từ bất kỳ cái bếp than nào ở ngoài kia… Tôi có một ưu thế hơn so với cánh mày râu khác, đó là tôi không uống bia rượu. Vì thế mà quỹ thời gian rảnh của tôi dành hết cho vợ con, bà xã  cũng không lo lắng về việc tôi say xỉn ở ngoài đường và dành quá nhiều thời gian để xã giao này nọ bởi công việc của tôi không cần đến những thứ đó để củng cố địa vị.

Cảm ơn và chúc anh có thật nhiều thành công hơn nữa!

Chân dung thiếu gia đình đám nhất nhì Sài Gòn: Tiêu 30 tỷ đồng/tháng và chuyện tình ái ồn ào
Không những có gia thế khủng và thú chơi siêu xe sang, Phan Thành còn gây chú ý bởi chuyện tình ái "ồn ào".
Bùi Anh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Yêu thương trở lại