Dịch cúm gia cầm đã lan rộng ra 21 địa phương trên cả nước. Cũng bởi ảnh hưởng từ dịch cúm mà giá gia cầm (gà, vịt) trên thị trường những ngày qua đã rớt thê thảm. Người tiêu dùng e ngại, người nuôi “đắng lòng” vì bán gà, vịt lỗ vốn.
Giá giảm theo ngày
Chị Mai, tiểu thương bán gà và trứng gà, vịt tại chợ Hà Đông cho hay, thời điểm cách đây 2 tuần, mỗi ngày chị bán được khoảng 20 - 30 con gà và vài trăm quả trứng, thì khoảng 1 tuần nay, mỗi ngày chị không bán nổi 10 con gà và chỉ bán được vài chục trứng.
Không chỉ ế ẩm, giá bán các sản phẩm từ gia cầm cũng giảm mạnh so với trước, hiện giá gà ta lông là 90.000 - 100.000 đồng/kg (giảm khoảng 20.000 - 30.000 đồng/kg), gà công nghiệp mổ sẵn vẫn 55.000 -65.000 đồng/kg (giảm 10.000 đồng/kg), cánh gà công nghiệp giá 70.000 đồng/kg (giảm 10.000 đồng/kg); trứng vịt giá 23.000 - 25.000 đồng/chục (giảm 5.000 - 8.000 đồng/chục), trứng gà ta 25.000 - 28.000 đồng/chục...
Tuy nhiên, mức giảm giá các sản phẩm gia cầm ở chợ bán lẻ còn thấp hơn nhiều so với mức giảm ở các chợ đầu mối. Tại chợ đầu mối Hà Vĩ, Đền Lừ, giá gà công nghiệp mổ sẵn chỉ 25.000 - 30.000 đồng/kg; trứng gà, trứng vịt chỉ 20.000 - 22.000 đồng/chục.
E ngại dịch cúm, gia cầm ế ẩm tại các chợ
Đại diện Cục Chăn nuôi cho biết, thị trường gia cầm đang tiếp đà giảm giá mạnh, đặc biệt trong tuần vừa qua các loại thịt gia cầm như gà trắng, gà lông màu đã mất khoảng 3.000-5.000 đồng/kg.
Hiện, gà trắng đang bán 26.000-27.000 đồng/kg, trong khi một tuần trước giá vẫn được 30.000-32.000 đồng/kg; gà lông màu trước đó có giá 33.000-34.000 đồng/kg thì hiện tại chỉ còn 30.000- 31.000 đồng/kg.
Cục Chăn nuôi nhận định, giá bán gia cầm hiện nay đang dưới giá thành, người chăn nuôi đang chịu lỗ.
Không chỉ giá thịt gia cầm thương phẩm mà giá gia cầm giống cũng giảm mạnh. Hiện, giá bán tại các cơ sở ấp nở uy tín chỉ còn 4.000-7.000 đồng/kg, đặc biệt, tại các cơ sở ấp nở nhỏ chỉ còn 1.000-2.000 đồng/con.
Đại diện Cục Chăn nuôi lo ngại, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài sẽ khiến người chăn nuôi e ngại tái đàn, bỏ chuồng và hậu quả tất yếu sẽ thiếu thịt gà, vịt. Đến lúc đó, sẽ phải tính đến bài toán nhập khẩu.
Không nên tẩy chay cực đoan
Trong khi đó, Cục Thú y cho biết, tính đến ngày 25-2, cả nước đã có 67 ổ dịch cúm gia cầm H5N1 tại 21 tỉnh, làm mắc bệnh và chết hơn 63.000 con gia cầm. Do điều kiện thời tiết ẩm ướt, các hộ chăn nuôi tái đàn lớn đã tạo điều kiện cho virus phát tán và lây lan. Chỉ trong 1 tuần, từ ngày 18 đến ngày 25-2, cả nước đã có thêm 10 tỉnh bùng phát dịch.
Ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho hay, trong 21 tỉnh đang có dịch cúm gia cầm hầu hết là xảy ra trên đàn gia cầm nuôi tại các hộ gia đình. Tuy nhiên, tại tỉnh Khánh Hòa và Lào Cai, có số lượng lớn gia cầm mắc bệnh phải tiêu hủy, trên 10.000 con.
“Trong thời gian tới, nguy cơ xảy ra dịch nhỏ lẻ tại các địa phương là rất cao. Song, nếu các địa phương tăng cường công tác giám sát, xử lý kịp thời thì vẫn kiểm soát được dịch”, lãnh đạo Cục Thú y nhận định.
Qua số liệu phân tích, trung bình mỗi ngày xuất hiện 2 ổ dịch mới. Trong khi nhiều địa phương không tổ chức tiêm phòng cúm. Tỷ lệ lưu hành virus H5N1 trên đàn thủy cầm khá lớn, hơn 6%, tại các chợ trên 61%. Như vậy, virus đã nằm ngay trong các đàn gia cầm.
Số liệu mới nhất từ tình hình cúm H7N9 tại Trung Quốc cho thấy vẫn diễn biến hết sức phức tạp với số ca nhiễm và tử vong tăng cao. Đến ngày 25-2, quốc gia này đã ghi nhận 365 trường hợp nhiễm cúm H7N9 với 116 trường hợp tử vong.
Tuy nhiên, theo ông Thành, người dân không nên vì vậy mà có tâm lý hoang mang, lo sợ, tẩy chay thịt gia cầm.
“Chỉ khi chế biến, sử dụng gia cầm bệnh không đúng thì người tiêu dùng mới có khả năng lây nhiễm cúm”, ông Thành cho hay.
Theo đó, Cục Thú y khuyến cáo, với tất cả sản phẩm gia cầm khi mua về, người dân nên rửa sạch, nấu chín, không nên ăn tiết canh ngan, vịt. “Gia cầm ở vùng dịch cũng đã được chính quyền địa phương cấm vận chuyển, buôn bán ra ngoài. Còn ở những vùng không có dịch vẫn an toàn, chúng ta không nên tẩy chay một cách cực đoan”.