Tiếp sau ông Trần Đăng Tuấn – Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam gửi chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, mới đây, Giáo sư Ngô Bảo Châu cũng đã đặt ra hàng loạt câu hỏi về việc chặt hàng loạt cây xanh ở Hà Nội.
Theo chủ trương của UBND TP Hà Nội, sẽ có 6.700 cây xanh trên tổng số gần 30.000 cây xanh tại 10 quận nội thành của Hà Nội bị đốn hạ, thay thế từ tháng 3/2015. Được biết, hàng cây xanh cũ sẽ được thay thế bởi 6.700 cây vàng tâm mới. Tuy nhiên, việc đốn hạ hàng nghìn cây xanh đang còn sung sức và không gây tổn hại cho mỹ quan, cũng như người đi đường đang khiến nhiều người đặt ra nhiều câu hỏi nghi hoặc.
Nhiều cây xanh đang bị chặt bỏ.
Trong bài viết mới trên trang cá nhân của mình, Giáo sư toán học Ngô Bảo Châu đã đặt tựa đề "Lý do để chặt cây và một số câu hỏi". Status này đã nhận được hàng nghìn lượt thích, bình luận và chia sẻ. Chúng tôi xin trích nguyên văn câu hỏi của Giáo sư Ngô Bảo Châu:
Hàng loạt câu hỏi về việc chặt cây của GS Ngô Bảo Châu.
1. Duy tu bảo trì cây, chặt cây mục ruỗng đề phòng nguy hiểm mùa mưa bão:
Câu hỏi:
1a. Tại sao từ trước đến nay công ty công viên cây xanh vẫn thực hiện duy tu bảo trì mà không cần chiến dịch chặt cây?
1b. Tại sao nhiều cây cao, thẳng khoẻ mạnh cũng bị chặt?
1c. Có ở đâu, nơi nào, khi nào người ta duy tu bảo trì cây xanh bằng cách chặt cây hàng loạt hay không?
2. Cây trồng không đồng bộ, chặt đi trồng lại đồng bộ để đảm bảo mỹ quan thành phố:
Câu hỏi:
2a. Nhiều khu phố Nhà Hà nội xây cất thiêú quy hoạch, phản mỹ quan, liệu có cần ủi đi xây lại không?
2b. Biển quảng cáo kích thước không đồng bộ, có cái khổng lồ, có cái mới treo trồng lên cái cũ, sao không có chiến dịch chế tài, gỡ hết đi cho đỡ nhem nhuốc bộ mặt thành phố?
2c. Cây mới trồng lại bao giờ mới lớn? Để chờ một có một hàng cây đồng bộ thẳng hàng, tổn thất cho dân là gì, có xứng đáng không?
2d. Nếu mỹ quan phố phường là việc quan trọng, thì việc chặt cây trồng cây mới có phải là việc cần ưu tiên hay không? Cây xanh có phải là cái làm xấu nhất bộ mặt thành phố không?
3. Chặt cây để mở đường, xây dựng cơ sở hạ tầng.
Câu hỏi:
3a. Phát triển thành phố đã có quy hoạch, tại sao bỗng dưng lại phải có chiến dịch chặt cây?
3b. Ngoài việc xây đường tàu, cải thiện giao thông công cộng ở Hà nội, mà theo tôi là một lý do hoàn toàn hợp lý để chặt cây, những quy hoạch khác là gì, có hợp lý không?
3c. Trong trường hợp có quy hoạch hạ tầng lợi ích công cộng là lý do hợp lý để chặt cây, quy hoạch đã có tiến độ chưa, có cần chặt cây ngay bây giờ không? Có cần chặt cây nhiều nơi và đồng loạt không?
Trước đó, ngày 16/3, ông Trần Đăng Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam đã gửi thơ ngỏ tới ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội. Trong thư ông bày tỏ quan điểm việc chặt cây sẽ không có người dân nào phản đối nếu đó là lý do bất khả kháng.
Ông Tuấn cũng xin kiến nghị: Nên tạm dừng việc hạ chặt cây một thời gian để người dân tự kiểm tra: Có đúng 6700 cây đó là thuộc diện cần loại, thay hay không? Thông báo trên báo chí cho mọi người biết có bao nhiêu cây như vậy ở trên mỗi tuyến phố cụ thể.
Đánh dấu nhận biết 6700 cây đó, để người dân bằng mắt mình kiểm nghiệm và thấy việc này thoả đáng không. Nếu thoả đáng, người ta không có lý gì không ủng hộ. Nếu không thoả đáng, người dân sẽ có ý kiến và Sở xây dựng cần có sự xem xét điều chỉnh lại danh mục cây cần loại.
Thư ngỏ của ông Trần Đăng Tuấn.
Vì tình yêu cây xanh và quyết tâm bảo vệ 6.700 cây xanh đang bị đốn hạ ở Hà Nội, một facebook có tên "6.700 người vì 6.700 cây xanh" được thành lập thu hút gần 20.000 người tham gia.
Trong một dòng chia sẻ mới đây, admin của trang bày tỏ: "Hiện tại con số là 9,120. Hơn chín nghìn người đang ngày đêm mong chờ được cất lên tiếng nói, được làm một việc dù nhỏ để cứu lấy những cây xanh không đáng phải bị chặt.
Hiện tại, theo thông tin của một người bạn, cây to, cây nhỏ trên đường Lê Duẩn vẫn đang tiếp tục bị chặt hạ. Tôi ngồi đây mà lòng nóng như lửa đốt. Chúng ta có thể làm gì hơn ngoài like và share???".
Facebook phản đối việc chặt cây xanh.
Nhà báo Ngô Bá Lục cũng bày tỏ nỗi xót xa. Anh cho biết: "Thật đau đớn vì tôi yêu Hà Nội, yêu những hàng cây như cơ thể của mình".
Một dân mạng bày tỏ nuối tiếc.
Còn nhà báo Đào Tuấn, báo Lao Động cũng đã bày tỏ sự tiếc nuối về hàng cây xanh có nguy cơ bị đốn hạ bằng những câu trích của tác gia, nhạc sĩ nổi tiếng. Còn đâu những hàng cây là nguồn cảm hứng trong các tác phẩm văn học Việt Nam?