Cả cuộc đời sống lang thang, giờ đây khi đã ở cái tuổi gần đất xa trời bà Liên chỉ ước sau khi chết mình sẽ được chôn cất, chứ không phải nằm vạ vật như lúc sống.
Nếu ai thường xuyên đi qua phố Phan Đình Phùng, đoạn đối diện với bốt Hàng Đậu (Hà Nội) chắc hẳn đã quá quen thuộc với hình ảnh bà cụ ngồi nép mình bên bức tường sơn màu trắng. Năm này qua năm khác, bà ngồi lặng lẽ hướng ánh mắt nhìn dòng người xuôi ngược. Khi được hỏi, những người dân sống quanh khu vực này đều nói: “Đó là nhà bà cụ đấy!”.
Bà cụ ở đây lâu, quá quen thuộc với người dân nên mọi người nói bông đùa như vậy. Còn thực tế chỗ bà đang ngồi là ngôi nhà công vụ (do nhà nước quản lý) chưa dùng đến. Tiến lại gần nơi bà ngồi, mọi đồ đạc của bà rất ngăn nắp được chia ra thành từng món nhỏ. Túi đựng quần áo, túi đựng đồ ăn uống, còn 1 túi đựng những kỷ vật riêng của bà.
Bà Liên và toàn bộ gia tài của mình ở vỉa hè đối diện bốt Hàng Đậu.
Khi hỏi tên, giọng bà sang sảng: “Tôi không có tên. Còn mọi người thì hay gọi tôi là Ái Liên - Nguyễn Thị Ái Liên hay Liên mặt sắt đều được cả”. Thấy chúng tôi có vẻ nghi hoặc, bà Liên khẳng định những lời nói của bà là sự thật, chứ không hề nói dối.
Tuổi già, nhưng bà vẫn còn rất minh mẫn. Thế nhưng bao lần lục lại trí nhớ, bà vẫn không thể nhớ nổi quê gốc mình ở đâu, người thân ai còn, ai mất. Chỉ biết rằng, từ khi còn rất nhỏ do nghèo đói mà bà bị đem cho 1 gia đình ở Hà Nội. Sống tại đây vài năm, do chiến tranh ác liệt bà bị lạc mất gia đình từ đó đến nay.
“Từ nhỏ đến giờ tôi không có giấy khai sinh. Không biết tên bố mẹ đặt cho là gì. Cái tên Nguyễn Thị Ái Liên là do tôi tự đặt cho tôi khi bị bắt đi cải tạo vì sống lang thang ở đường phố. Từ đó tôi dùng cái tên này”, bà Liên nói.
Hàng ngày bà Liên ngồi lặng im nhìn dòng người đi lại tấp nập.
Về tuổi của mình, bà Liên cũng không nhớ chính xác là 90 hay 92 tuổi, nhưng bất cứ ai hỏi bà cũng nói là 90 vì như thế bà thấy mình trẻ hơn. Sống 90 năm cuộc đời nhưng có đến hơn 80 năm bà sống và lang thang khắp phố phường.
Không chồng con, không gia đình thân thích…dù cuộc sống tự do nhưng nhiều lúc bà cảm thấy tẻ nhạt vô cùng. Thời còn con gái, nhìn những người bằng tuổi mình yêu thương, chăm sóc con bà thèm lắm. Có lúc bà nghĩ định xin đứa con về nuôi nhưng lại thôi vì sợ sau này đời nó lại khổ như mình.
Sau bao năm đẩy xe hàng, nhặt hoa quả, buôn thúng bán bưng ở phố cổ, chợ Long Biên… năm ngoài 30 tuổi bà Liên quyết định nhảy tàu vào miền Nam lập nghiệp. “Vào đó sống thì không khó, nhưng để lập thân thì thật chẳng dễ chút nào. Thời đó người ngoài Bắc vào làm ăn khó lắm. Vậy là tôi lại vòng ra Hà Nội”, bà Liên kể.
Bà Liên sống vỉa hè cả đời nhưng chưa từng sợ ai bắt nạt.
Phận là nữ nhân, lại sống đầu đường xó chợ thế nhưng bà Liên chưa bao giờ bị ai bắt nạt. Bà bảo, ở cái đất phố cổ này chẳng ai sống vỉa hè lâu như bà, nên khi nghe tiếng bà ai cũng phải nể vài phần. Xưa kia, bà còn có biệt danh là “Liên mặt sắt”, bởi bà làm việc không biết mệt mỏi, khỏe hơn cả cánh đàn ông, dãi nắng dầm mưa không bao giờ ốm…Có lẽ vì thế mà ít người dám bắt nạt, ngay cả cánh đàn ông nghe tên bà đã sợ chẳng dám mon men lại gần.
“Mình không có nhà, không người thân, quê quán thì phải đi lang thang thôi, chứ có ai muốn thế đâu. Cùng cảnh ngủ vỉa hè, tôi vẫn nói với người trẻ rằng, dù nghèo nhưng sống phải thanh cao, không vi phạm pháp luật, không trộm cắp… phải kiếm tiền bằng công sức của mình. Đặc biệt, mỗi nơi, mỗi chỗ mình ngủ và đi qua luôn phải giữ sạch sẽ, có như vậy mới tồn tại được”, bà Liên nói.
Nơi bà Liên ở dù là vỉa hè nhưng luôn sạch sẽ.
Có lẽ vì quan điểm sống như vậy nên mấy chục năm qua bà chỉ ngủ ở hai nơi vỉa hè Hà Nội. Trước kia là ở phố Hàng Giầy, còn hiện tại là ở vỉa hè đối diện bốt Hàng Đậu. “Đợt dịch vừa rồi tôi cũng bị đưa vào trung tâm bảo trợ vài tháng. Hết dịch họ hỏi tôi có ở lại không và tôi xin ra, vì ở trong đó ngột ngạt lắm. Khi ra họ đưa tôi về đúng bốt này - nơi họ mang tôi đi”, bà Liên kể.
Hồi còn trẻ, bà Liên lao động, làm thuê kiếm sống. Khi ở tuổi 70-80 bà đi bán hàng rong khắp vỉa hè. Còn giờ đây khi sức khỏe yếu, hàng ngày bà sống nhờ đồ từ thiện, ai cho gì bà ăn nấy. Đôi khi chỉ vài quả cà bà tự tay muối với lưng cơm đi xin là xong bữa.
Từ lọ cà, đến đôi đũa cũng được bà Liên cất giữ cẩn thận.
Ở cái tuổi xưa nay hiếm, lại sống ở vỉa hè nhưng bà Liên không bao giờ sợ kẻ gian, vì bà cũng đâu có gì để họ lấy. Điều bà sợ nhất là những đêm mưa lạnh mùa đông hay những ngày hè nắng nóng. Bà lo sợ, tuổi già nhỡ có mệnh hệ gì thì chẳng ai lo.
Bà Liên mới kịp chuẩn bị cho mình tấm ảnh chân dung và tờ giấy thông báo phòng khi nhỡ gặp chuyện chẳng lành.
Để phòng chuyện chẳng lành, bà chụp sẵn tấm ảnh chân dung gói trong túi quần áo. Cẩn thận hơn, bà còn để lại dòng chữ mong ai phát hiện mà thấy chết rồi thì nhờ báo hộ chính quyền lo hậu sự giúp.
“Cả đời tôi sống vỉa hè, chỉ mong chết được chôn cất cẩn thận. Nằm ở nơi nào đó trọn đời không phải di dời, lang thang nữa”, bà Liên vừa nói, vừa lau tấm ảnh chân dung.