Những ngày cuối tháng 12 năm 2019, người dân tỉnh Điện Biên lần đầu tiên chứng kiến vụ xét xử đối tượng sát hại nữ sinh giao gà gây rúng động cả nước. Ít ai biết được rằng, phía sau những giây phút đấu trí với 9 bị cáo là những đêm không ngủ, trăn trở về một bản án công tâm của chủ tọa phiên tòa.
Những ngày cận Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, phóng viên báo Người Đưa Tin đã có dịp liên hệ với ông Phạm Văn Nam - Chánh án TAND tỉnh Điện Biên, cũng chính là vị chủ tọa phiên tòa xét xử vụ sát hại nữ sinh giao gà Cao Mỹ D. vào chiều 30 Tết Nguyên đán 2019 để lắng nghe những chia sẻ, những trăn trở phía sau vụ án gây chấn động cả nước này.
Thưa ông, khi nhìn lại quá trình đọc hồ sơ vụ án sát hại nữ sinh giao gà Cao Mỹ D. của nhóm bị cáo 9 người, ông đánh giá đây là vụ án như thế nào?
Chánh án Phạm Văn Nam: Vụ án này được đưa ra xét xử lưu động tại SVĐ tỉnh Điện Biên. Sau 20 năm, đây là vụ án lớn nhất được tiến hành xét xử tại sân vận động của tỉnh. Về đánh giá, đây là vụ án giết người lớn nhất từ trước tới nay tại Điện Biên, nó thể hiện ở chỗ nhiều bị cáo cùng tham gia, cùng gây ra rất nhiều tội và đều là những tội đặc biệt nghiêm trọng.
Khi đọc hồ sơ, tài liệu của cơ quan điều tra và cuối cùng bản án, bất kỳ ai cũng có thể thấy rõ được sự thú tính của các bị cáo. Các bị cáo đã lên kế hoạch, có sự tính toán rồi ra tay tàn độc với nạn nhân, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán mà đáng lẽ ra, nữ sinh Cao Mỹ D. phải được quây quần bên gia đình.
Ông Phạm Văn Nam - Chánh án TAND tỉnh Điện Biên.
Quyết định đưa vụ án ra xét xử tại sân vận động, thời điểm đó ông có lo lắng rằng sẽ gây ra phản ứng ngược trong dư luận hay không?
Chánh án Phạm Văn Nam: Theo quy định của pháp luật, thường những vụ án về hiếp dâm trẻ em, dâm ô, nạn nhân là người dưới 18 tuổi, dễ bị ảnh hưởng đến tâm lý thì tòa sẽ tiến hành xử kín để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại.
Ở đây, với vụ án nữ sinh giao gà Cao Mỹ D. bị sát hại lại nhận được sự quan tâm rất lớn từ xã hội, dư luận cũng vô cùng phẫn nộ. Người dân mong muốn được trực tiếp xem xử án, bày tỏ quan điểm cá nhân trước phán quyết của tòa. Trụ sở của tòa thì quá nhỏ, không đủ để toàn bộ người dân có thể tham dự. Nhớ lại quá trình ngồi ở vị trí chủ tọa, tôi quan sát thấy người dân họ rất chú ý lắng nghe, chăm chú theo dõi từng diễn biến tại phiên tòa. Tôi vẫn đánh giá đó là một cách tuyên truyền trực quan sinh động, đầy sức răn đe.
Trước một vụ trọng án nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận, tại thời điểm ngồi ở vị trí chủ tọa, nhìn về phía các bị cáo đang vô cùng hối hận, bật khóc và mong muốn được làm lại cuộc đời, ông có trăn trở gì khi tuyên 6 án tử cùng lúc?
Chánh án Phạm Văn Nam: Nếu nói rằng tôi không bị áp lực từ dư luận về bản án này thì không hẳn bởi đây là vụ án bắt cóc, hiếp dâm nhằm chiếm đoạt tài sản. Đáng nói, trong cùng một thời gian có nhiều bị cáo cùng phạm tội, phạm tội nhiều lần mà các tội đó đều đặc biệt nghiêm trọng. Các bị cáo trong vụ án đều là những đối tượng nghiện ma túy, nhiều tiền án tiền sự, ra tù vào tội. Có bị cáo có 2 tiền án, vừa mới ra tù lại tiếp tục quay trở lại con đường phạm tội nên lại càng phức tạp hơn.
Hơn nữa, 6 bị cáo bị tuyên án tử cùng một lúc, mức án cao như vậy bản thân tôi ngồi ở vị trí chủ tọa rất trăn trở, đắn đo, suy nghĩ rất nhiều. Nhưng đây là quy định của pháp luật, chúng tôi phải thực hiện theo luật.
9 bị cáo trong vụ hiếp dâm, sát hại nữ sinh giao gà Cao Mỹ D.
Trong suốt quá trình xét xử, các bị cáo tỏ ra ân hận, thậm chí khóc trước tòa khi được nói lời sau cùng. Ví dụ Lường Văn Hùng, Lường Văn Lả, Phạm Văn Nhiệm, Phạm Văn Chương, các bị cáo không ngờ sự việc lại trầm trọng như thế này và muốn làm lại cuộc đời. Song, pháp luật không dành cho những con người thú tính như vậy, cần phải loại ra khỏi cuộc sống để đảm bảo công bằng pháp luật, an ninh trật tự và răn đe cho những người khác.
Còn đối với những đối tượng như Bùi Văn Công, Bùi Thị Kim Thu, Vương Văn Hùng gương mặt của họ rất bình thản, hết sức ghê gớm. Các bị cáo vô cùng ngoan cố, quanh co chối tội, trốn tránh trách nhiệm về những việc làm mà mình đã gây ra.
Còn nhớ ngay sau khi ông tuyên án đối với Bùi Thị Kim Thu, người dân phía dưới lập tức phản đối, cho rằng là chưa đủ nghiêm minh, mức án là quá nhẹ. Ông có suy nghĩ gì về điều này?
Chánh án Phạm Văn Nam: Việc người dân phản đối mức án của bị cáo Thu một phần vì họ đang quá căm phẫn đối tượng này khi đã gián tiếp gây nên cái chết của nữ sinh Cao Mỹ D. Thu hoàn toàn có cơ hội để báo cáo tới cơ quan chức năng, giải cứu cho D. nhưng bị cáo đã không làm. Phần khác, người dân đang có nhận thức chưa đúng, chưa hiểu rõ luật pháp.
Đối với tội không tố giác tội phạm của Bùi Thị Kim Thu, HĐXX đã áp dụng kịch khung là 3 năm. Hơn nữa HĐXX chỉ có thẩm quyền xét xử những tội mà VKS đã truy tố theo quy định pháp luật chứ cũng không thể tự xử thêm tội nào khác.
Chủ tọa Phạm Văn Nam tại phiên xét xử vụ án ngày 27/12/2019.
Ngày 10/1, ông Cao Văn Hường - bố của nữ sinh giao gà Cao Mỹ D. tới trụ sở TAND cấp cao tại Hà Nội để nộp đơn kháng cáo. Theo đơn, ông Hường kháng cáo, đáng chú ý, ông Hường yêu cầu tòa án làm rõ về lời khai 30 triệu tiền mua bán ma túy mà bà Trần Thị Hiền nợ Bùi Văn Công. Công còn khai người chủ mưu của vụ án vẫn đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật nhưng HĐXX không làm rõ mà “cố tình né tránh lời khai của bị cáo”. Vậy ông có thể chia sẻ về bản kháng cáo này của ông Hường không, thưa ông?
Chánh án Phạm Văn Nam: Thứ nhất hành vi mua bán trái phép chất ma túy của bà Trần Thị Hiền đã được xét xử từ trước đó rồi. Hai vụ án này hoàn toàn độc lập. Tất nhiên, vì có sự mua bán ma túy nên mới dẫn đến việc các bị cáo bắt cóc Cao Mỹ D. nhằm chiếm đoạt tài sản của gia đình bị hại.
Song, ý kiến của gia đình muốn các bị cáo khai rằng bà Hiền vô tội theo tôi là khó chấp nhận. Trong tố tụng, các bị cáo có quyền khai hoặc im lặng, HĐXX chỉ căn cứ vào kết quả điều tra của cơ quan điều tra và kết quả tranh tụng tại phiên tòa để kết tội các bị cáo. Gia đình không thể “hướng” bị cáo khai theo những gì mà mình mong muốn.
Đơn kháng cáo hợp lệ theo thời gian quy định, kể từ ngày bản án được HĐXX tuyên nhiều nội dung trong kháng cáo sẽ được phiên tòa phúc thẩm làm rõ.
Tại phiên tòa, không dưới 3 bị cáo từng nhắc đến việc bị ép cung, đánh đập khi lấy lời khai. Liệu rằng tòa Điện Biên có yêu cầu cơ quan công an điều tra lại chi tiết này không?
Chánh án Phạm Văn Nam: Trong suốt quá trình điều tra, các bị cáo không phải một lần làm bản tường trình mà đã phải làm nhiều lần. Khi lấy lời khai không chỉ có điều tra viên, kiểm sát viên mà còn có cả luật sư của các bị cáo. Trước khi kết thúc, các bị cáo được quyền đọc lại bản lời khai do điều tra viên ghi chép lại.
Tôi cho rằng, các bị cáo nói rằng mình bị ép cung, chỉ điểm tại phiên tòa là chuyện bình thường. Vì đó là cách để họ bao che cho hành vi phạm tội của mình.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!