Gặp cô gái chỉ dám mua quần áo second hand, thấy rác là nhặt để theo đuổi lối "sống xanh"

Tấn Phước - Ngày 06/08/2024 06:06 AM (GMT+7)

Nữ TikToker cho biết sống xanh không phải là trào lưu để bắt "trend" mà cần phải bền vững, quyết tâm thực hiện. Qua những clip trên MXH, cô gái trẻ mong sẽ lan toả ý thức bảo vệ môi trường đến nhiều người hơn, qua đó hướng đến cuộc sống bền vững, "xanh - sạch - đẹp".

Kim chỉ nam khi sống xanh: Tái sử dụng, thấy rác là... nhặt! 

Trong những năm trở lại đây, một số hiện tượng cực đoan về thời tiết liên tục xảy ra, tình trạng nóng lên toàn cầu cùng các trận thiên tai đột ngột... gây ra hệ quả nghiêm trọng, tác động trực tiếp đến đời sống con người. Từ đó, vấn đề bảo vệ môi trường ngày càng được chú trọng. 

Tuy nhiên không phải ai cũng có ý thức tốt trong việc bảo vệ môi trường, nhất là khi tình trạng vứt rác thải bừa bãi, không đúng nơi quy định vẫn còn xuất hiện ở nhiều nơi gây ô nhiễm môi trường sống. Bên cạnh các biện pháp tuyên truyền, hoạt động dọn vệ sinh môi trường của các cơ quan chức năng, hiện nay rất nhiều nhà sáng tạo nội dung, đặc biệt các bạn trẻ cũng đã cố gắng truyền tải, lan toả thông điệp sống xanh đến mọi người.

Với hơn 20,000 người theo dõi trên TikTok Merida Lam, cô gái trẻ đã lồng ghép, đưa những thông tin về bảo vệ môi trường, hướng dẫn cách thức để mọi người có thể phân loại, tái chế rác thải sinh hoạt... vì cuộc sống bền vững.  

Nữ TikToker tiết lộ trong khoảng thời gian duy trì, tạo dựng cuộc sống thân thiện với môi trường, cô luôn đặt vấn đề tái sử dụng lên hàng đầu, mỗi khi thấy rác thì sẽ nhặt và đưa nó đến đúng nơi quy định.

Nữ TikToker tiết lộ trong khoảng thời gian duy trì, tạo dựng cuộc sống thân thiện với môi trường, cô luôn đặt vấn đề tái sử dụng lên hàng đầu, mỗi khi thấy rác thì sẽ nhặt và đưa nó đến đúng nơi quy định. 

Phạm Thị Ngọc Hiền - chủ kênh TikTok Merida Lam, là cựu sinh viên ngành Công nghệ sinh học đã quan tâm về môi trường từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đến năm 2022, cô gái trẻ đã bắt đầu ý tưởng xây dựng kênh TikTok để chia sẻ về các típ bản thân đang thực hiện với mục đích theo đuổi lối sống xanh, giảm chai nhựa, hạn chế rác thải. 

“Trong 1 chuyến đi du lịch, mình có tham gia hoạt động lặn và được nghe các câu chuyện san hô chết trắng do nóng lên toàn cầu. Hiền còn tận mắt thấy rác thải đang phá hoại cảnh quan như thế nào. Sau chuyến đi, bản thân mình có một cái nhìn khác về việc bảo vệ môi trường. Từ đó, mình muốn thay đổi từ những thói quen nhỏ nhất như việc sử dụng túi đựng khi đi chợ hay phân loại rác thải tại nhà. Ngoài ra, mình lập kênh TikTok để lan truyền thông điệp sống xanh, chung tay cùng cộng đồng nâng cao ý thức, giảm rác thải sinh hoạt”, Ngọc Hiền tâm sự.

Tuy nhiên, xây dựng được thói quen hạn chế plastic, túi nylon trong đời sống không dễ. Những ngày đầu tiên khi “tập" sống xanh, Hiền cũng gặp không ít khó khăn: "Để thực hiện theo lối sống xanh, ban đầu sẽ hơi khó khăn vì chúng ta thường quen với thói quen cũ đã tồn tại qua nhiều thế hệ như sử dụng túi nylon để đựng thức ăn hay uống nước bằng ly nhựa… Bản thân mình thời gian đầu cũng hay quên, nhiều khi ra đường không mang theo bình cá nhân hay túi đi chợ - những vật dụng có thể tái sử dụng nhiều lần. Thế nhưng, nếu bạn biết kỷ luật bản thân, kiên trì thay đổi nhận thức, ý thức và hành vi, dần dần sẽ tạo lập được thói quen tốt".

Không cần rủng rỉnh tiền bạc cũng có thể chọn sống xanh

Quan niệm cho rằng việc sử dụng các nguyên vật liệu thân thiện với môi trường chỉ dành cho người có điều kiện kinh tế tốt, dư dả về mặt tài chính. Thế nhưng, đối với Ngọc Hiền lại có suy nghĩ khác, cô cho rằng vấn đề xuất phát từ ý thức mỗi người.

Nữ TikToker đưa ra ví dụ trên thị trường, một chai nước lọc sử dụng chai thuỷ tinh đắt gấp 4 lần chai nhựa. Tuy nhiên, sống xanh không nhất thiết phải bỏ số tiền lớn để mua chai nước với giá thành đắt đỏ ấy. Trái lại, chúng ta hoàn toàn có thể mua chai nước nhựa, sau đó tái sử dụng chúng hoặc khi không còn mục đích sử dụng hãy bỏ đúng chỗ quy định hay quyên góp cho các tổ chức thu gom chai nhựa tái chế.

Trên mạng xã hội, Ngọc Hiền chia sẻ về những cách thực hành sống xanh đơn giản trong các hoạt động thường ngày như thói quen sử dụng bình cá nhân khi mua nước ở ngoài, tự chuẩn bị túi khi đi chợ, mua sắm…

Trên mạng xã hội, Ngọc Hiền chia sẻ về những cách thực hành sống xanh đơn giản trong các hoạt động thường ngày như thói quen sử dụng bình cá nhân khi mua nước ở ngoài, tự chuẩn bị túi khi đi chợ, mua sắm…

Trong cuộc sống, Ngọc Hiền cũng không đầu tư khoảng kinh phí lớn phục vụ cho nhu cầu về trang phục. Cô cho biết chủ yếu trong tủ đồ cá nhân, đa phần là đồ second hand (quần áo đã qua sử dụng). “Hiền thường chọn đồ second hand vì không mua hàng theo trend. Khi chúng ta biết tiết chế và “mix and match" quần áo, thì chỉ cần 1 chiếc áo đơn giản cũng có thể tạo ra nhiều phong cách thời trang khác nhau” - Ngọc Hiền tâm sự về nhu cầu mua sắm của chính mình. 

Không chỉ thế, trong nhiều năm qua, Ngọc Hiền chỉ trung thành với 1 chiếc ốp lưng điện thoại duy nhất. Chỉ khi nó bị hư hỏng, hao mòn thì cô bạn mới thay áo mới cho “dế cưng". Vì Ngọc Hiền nhận thức được rằng, mỗi chiếc ốp lưng khi được sản xuất ra thị trường là đang âm thầm làm ô nhiễm và gia tăng rác thải. 

Đối với những người mới tìm hiểu về cách sống xanh, Ngọc Hiền mong muốn mỗi cá nhân hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, thay đổi thói quen sử dụng nhựa trong đời sống hằng ngày. Hãy tự trang bị bình nước thuỷ tinh, inox hoặc tự trang bị túi khi mua sắm để giảm nhựa, hạn chế plastic. 

Nữ TikToker nhận định việc kiên trì theo đuổi lối sống bảo vệ môi trường sẽ không quá khó nhưng cũng chẳng dễ dàng. Cô nhắn nhủ mỗi người hãy đặt ra kỷ luật cho riêng mình và cố gắng duy trì thói quen giảm nhựa, ưu tiên vật phẩm tái sử dụng, vứt bỏ rác thải đúng nơi quy định.

Không còn bì bõm dưới dòng kênh đen, nhóm bạn trẻ lên bờ thay áo mới cho những bức tường rêu phong ở Sài Gòn
Bên cạnh hoạt động vớt rác tại những dòng kênh ô nhiễm, nhóm bạn trẻ ở Sài Gòn lại tiếp tục thực hiện dự án mới, lan toả lối sống xanh cùng ý thức bảo...

Eva giảm nhựa

Theo Tấn Phước
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Eva giảm nhựa